10 nền kinh tế lọt vào top ten nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới là: Phần Lan, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Đài Loan, Singapore, Iceland, Thụy Sĩ, Nauy và Australia. Đây là kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong báo cáo thường niên về khả năng cạnh tranh của 117 nền kinh tế thế giới.
Hai nền kinh tế châu Á là Đài Loan và Singapore lọt vào danh sách này nhờ đã áp dụng chế độ quản lý tốt nhằm nâng mức sống của người dân từ nghèo nàn lên ngang hàng với các nước có nền kinh tế thịnh vượng và có sức cạnh tranh cao trên thế giới. Phần Lan năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu danh sách này do đã có những bước tiếp cận nhanh chóng với công nghệ mới và có hệ thống công cộng với chất lượng cao.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, việc tất cả các nước Bắc Âu (Phần Lan, Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch và Iceland) được liệt vào trong danh sách 10 nước có khả năng cạnh tranh cao nhất là một bằng chứng cho thấy quan niệm trước đây cho rằng thuế cao và một mạng lưới phúc lợi dày đặc chôn vùi khả năng cạnh tranh của một quốc gia là không đúng. Điều quan trọng hơn là phải sử dụng phần thu nhập quốc gia đó hiệu quả như thế nào. Tính ưu việt lớn nhất của các nước Bắc Âu là các cơ sở đào tạo có tầm cỡ thế giới của họ cũng như động lực của người lao động.
WEF đánh giá khả năng cạnh tranh dựa trên một loạt những yếu tố, cơ sở và chính sách quyết định mức độ năng suất lao động và qua đó quyết định gián tiếp sự phồn vinh của một quốc gia. WEF coi những quy định có tính chất hạn chế thị trường lao động, sự quan liêu kém hiệu quả, mức thuế và luật thuế cũng như trình độ lao động không tương ứng là sự cản trở chính đối với khả năng cạnh tranh của một nền kinh tế.
(Theo TTXVN)