Khi những người hàng xóm đang tất bật chuẩn bị Tết thì người mẹ già Nguyễn Thị Dưỡng (62 tuổi, trú tại xóm 4, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vẫn tựa cửa nhìn ra phía đường cái ngóng tin con về. Chốc chốc, khi chiếc xe khách dừng lại trả khách, mắt bà lại ánh lên niềm hy vọng, nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu khi bà biết những người vừa xuống xe ấy không phải là con mình.
Cảnh tượng ấy đã lặp đi lặp lại 10 năm nay nhưng người mẹ già nua, gầy yếu ngồi đứng trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, xập xệ ấy chưa khi nào nguôi hy vọng rằng đứa con của mình sẽ về nhà ăn Tết trên một chuyến xe nào đó.
Bà Dưỡng sống một mình trong ngôi nhà vắng lạnh. Thực chất đó là là túp lều nhỏ trên mảnh đất bốn bề là ao phủ. Lúc còn là thanh niên, cô thôn nữ Nguyễn Thị Dưỡng đi thoát ly, xin làm công nhân thuộc Công ty đường sắt số 6 tuyến đường Hà Nội - Yên Bái. Với dáng người nhỏ nhắn, xinh tươi lại chịu thương, chịu khó cùng với cái nết hay lam, hay làm của con nhà nông nên bà được không ít thanh niên cùng trang lứa ở công ty thầm yêu trộm nhớ.
Cuối cùng, bà chọn một người làm cùng đội, nhà gần công ty thuộc xã Phùng Thái, huyện Cẩm Khê (Vĩnh Phúc) làm bạn đời. Bà lần lượt sinh được cậu con trai và cô con gái kháu khỉnh. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong công ty cũng phải ghen tỵ với hạnh phúc của đôi vợ chồng.
Trong thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, công việc của công ty ngày càng ít đi, nhiều người phải xin về mất sức sớm để chuyển sang làm công việc khác. Cuộc sống gia đình bà Dưỡng cũng rơi vào cảnh túng thiếu… nhưng thay vì tìm việc làm thêm, phụ giúp gia đình, người chồng lại lao vào chơi bời, trai gái.
Sau bao lần khuyên nhủ, người chồng không những không thay đổi mà còn dẫn cả người tình về ở tại nhà, đánh đập vợ con và ép vợ ký vào đơn ly dị. Cuộc sống gia đình càng thêm căng thẳng, ngột ngạt. Suy đi tính lại, thấy không thể sống cảnh như vậy mãi được, bà đành chấp thuận ly hôn và đưa các con về quê ngoại ở Nam Định sinh sống.
Trở về quê, với số tiền trợ cấp ít ỏi của chế độ về mất sức, ba mẹ con phải ở hết nhà người quen này đến nhà người quen khác. Cuối cùng, các cấp chính quyền địa phương thương tình cấp cho mấy chục mét vuông đất ở khu ruộng mạ cho ba mẹ con làm nhà, sinh sống và 3 sào ruộng khoán làm kế sinh nhai. Dù khó khăn, nhưng ba mẹ con vẫn chăm chỉ làm lụng, mò cua bắt ốc bươn trải với cuộc sống.
Bà Dưỡng vẫn còn nhớ như in cái ngày định mệnh cuối năm 2003. Bà nhận được điện của người em chồng trên Vĩnh Phúc báo tin con gái cưới, mời mẹ con bà lên quê ăn cưới. Nhà đang bận đồng áng, nên chỉ có người con trai lớn Bùi Văn Thu (sinh năm 1976) đi lên quê. Trước khi đi, anh con trai còn nói với bà: “Mẹ ơi con đi 2 hôm, rồi con về để còn tát nước cấy thửa ruộng không hết nước mẹ ạ”.
Tuy nhiên, đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy con. Sau 3 ngày vẫn chưa thấy con về, bà sốt ruột đánh điện lên trên quê chồng hỏi thì nói con về từ ngày hôm trước rồi. Chờ thêm hai ngày nữa vẫn chẳng thấy con về, lòng bà như lửa đốt. Bà mượn tiền cùng người nhà lên quê chồng hỏi rõ tin tức về con, nhưng mọi người cũng thuật lại chi tiết việc Thu đã lên rồi về như thế nào.
Nhà nghèo, chẳng có tiền tổ chức đi tìm kiếm hoặc nhờ đài báo nhắn tin, nên bà chỉ biết trở về chờ đợi con đến phát bệnh. Biết chuyện mọi người đến chia sẻ với bà, nhưng bà cứ quả quyết: “Cháu nó cũng đã 26-27 tuổi rồi chắc không sao, nó sẽ về với tôi bởi cũng năm hết Tết đến rồi”.
Thế nhưng, Tết năm đó người con trai của bà không trở về và những năm sau cũng thế. Từ đó trở đi, vì thương nhớ con nên tính bà trở nên lẩn thẩn, thường ngồi nói chuyện một mình như đang nói chuyện với con trai mình. Đêm nào, bà cũng nằm mơ thấy con về, lúc thì người bê bết bùn đất, đói rách, hỏi thì con bảo, bị bọn đào vàng bắt cóc đi từ lúc ở bến tàu, đưa vào một khu rừng sâu, có 6 trạm gác mà chẳng biết thuộc khu vực nào.
Có lúc bà lại mơ thấy con bị kẻ gian lừa bán ra nước ngoài hay thấy con đi làm công nhân ở một tỉnh ở tận trong miền Nam, lấy vợ và sinh cho bà những đứa cháu kháu khỉnh, nhưng vì chưa có điều kiện nên không thể về thăm bà được.
Ngôi nhà bà Dưỡng ở có diện tích chỉ khoảng 10 mét vuông, bốc mùi ẩm mốc cùng chuột bọ rúc rích. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc nồi cơm điện và cái giường nằm. Gian bếp bên cạnh bị cháy nham nhở đã nhiều năm nay nhưng bà cũng chẳng buồn nhờ người làm lại, vì theo bà, có làm lại cũng chẳng có người để dùng đến nó.
Bà cầm tấm ảnh con phía đầu giường rồi nghẹn ngào nói: “Thằng Thu nó ngoan lắm, sống chẳng mất lòng ai bao giờ, lúc đấy nó bảo qua năm con sẽ cưới vợ về để phụng dưỡng và sinh cháu cho mẹ bế bồng. Ai hỏi tôi cũng bảo cháu nó đi làm ăn xa, chưa có điều kiện về thăm mẹ. Năm nay, tôi vẫn gói bánh chưng chờ nó về để ăn Tết”.
Còn về cô con gái, số phận cũng hẩm hiu chẳng khác người mẹ của mình. Lấy chồng ở làng bên, nhưng anh chồng tối ngày rượu chè, đánh đập vợ con nên cuộc sống cũng trong cảnh nghèo khó. Không chịu đựng được nên con gái bà đã xin đi làm giúp việc ở Đài Loan kiếm tiền gửi về nuôi các con. Người con rể sau thời gian nát rượu, mắc bệnh rồi mất nên bây giờ bà lúc ở nhà ngóng tin con trai, khi thì chạy sang nhà con gái chăm 2 đứa cháu ngoại.
Ông Bùi Văn Tư, Trưởng xóm 4, cho biết: “Bà Nguyễn Thị Dưỡng là một người phụ nữ có hoàn cảnh ái ngại, cậu con trai đã mất tích 10 năm nay không có tin tức gì. Mong ai biết được tin tức gì thì xin báo cho mẹ cháu và địa phương biết. Đối với địa phương, chúng tôi cũng chỉ có thể động viên, giúp đỡ bằng cách đưa bà vào diện đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền”.
Theo Lao Động