1. Không nghe điện thoại cá nhân ở khu vực chung
Đồng nghiệp không cần và cũng không muốn biết lịch hẹn cá nhân hay những câu chuyện riêng tư của bạn. Để giữ không gian làm việc chuyên nghiệp và tôn trọng người khác, hãy nghe những cuộc gọi cá nhân ở phòng trống hoặc khu vực riêng tư. Điều này thể hiện sự tinh tế và ý thức với không gian chung.
2. Giới thiệu đồng nghiệp để thoát khỏi cuộc trò chuyện khó xử
Những lúc tiệc tùng hay giao lưu tại văn phòng đôi khi dẫn đến những cuộc trò chuyện kém thoải mái. Sarah Jane Ho, chuyên gia nghi thức xã giao từ Harvard, gợi ý một mẹo tinh tế: Hãy giới thiệu người đang nói chuyện với một đồng nghiệp khác. Ví dụ: "Bạn đã gặp [đồng nghiệp X] của tôi chưa? Bạn nhất định phải nói chuyện với cô ấy. Cô ấy rất giỏi và ấn tượng". Cách chuyển tiếp này tự nhiên đến mức họ thậm chí không nhận ra bạn đã rời đi.
3. Gửi email rõ ràng
Theo khảo sát 2.000 nhân viên văn phòng tại Mỹ của Babbel, 60% cho biết khối lượng email gây thêm căng thẳng cho ngày làm việc của họ. Bạn có thể không hoàn toàn tránh được Outlook, nhưng có thể luyện tập viết email sao cho không khiến đồng nghiệp khó chịu. Hãy áp dụng khung GROW:
- Goal (Mục tiêu): Bạn cần đạt được điều gì thông qua email này?
- Reality (Thực tế): Nội dung email có phản ánh đúng tình hình thực tế không?
- Options (Lựa chọn): Email có cung cấp các lựa chọn tiếp theo không?
- What will we do (Hành động tiếp theo): Đã rõ ràng về bước tiếp theo cần thực hiện chưa?
Việc viết email rõ ràng, trực tiếp giúp người nhận dễ hiểu và nâng cao hiệu quả làm việc.
4. Giữ âm lượng vừa phải khi gọi điện tại bàn làm việc
Nếu cần gọi điện công việc tại bàn, hãy kiểm soát âm lượng giọng nói. Tiếng nói quá lớn không chỉ làm phiền người xung quanh mà còn khiến bạn bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp.
5. Không để bát đĩa bẩn tại bàn làm việc
Không gian làm việc lộn xộn là một vấn đề lớn sau đại dịch, theo Christina Gialleli, giám đốc nhân sự tại Epignosis. Một chiếc đĩa bẩn hay thức ăn thừa trên bàn làm việc có thể tạo ấn tượng xấu với đồng nghiệp. Hãy giữ bàn làm việc gọn gàng để xây dựng hình ảnh ngăn nắp và sạch sẽ.
6. Trả lời email trong vòng 24 giờ
Chồng chất email chưa đọc có thể gây áp lực lớn. Theo khảo sát, 36% nhân viên Gen Z có hơn 1.000 email chưa mở. Hãy cố gắng phản hồi email trong vòng 24 giờ để giữ tiến độ công việc, đồng thời tạo dựng lòng tin và uy tín với đồng nghiệp. Đây là một cách hiệu quả để thể hiện trách nhiệm và chuyên nghiệp của bạn.
7. Tham dự các sự kiện công ty, dù chỉ một lúc
Bỏ qua những sự kiện giao lưu tại công ty có thể khiến bạn bị hiểu lầm là không quan tâm đến đồng nghiệp. Bạn không cần ở lại quá lâu, nhưng việc xuất hiện trong 30-40 phút đầu tiên đủ để thể hiện sự tôn trọng và hòa đồng với mọi người.
8. Đừng phô trương danh sách công việc
Khoe khoang về khối lượng công việc bận rộn không giúp bạn được ngưỡng mộ. Theo nghiên cứu của Đại học Georgia, những người liên tục nói về áp lực công việc thường bị coi là kém năng lực và thiếu kiểm soát cảm xúc. Hãy giữ danh sách việc cần làm cho riêng mình và xử lý chúng một cách hiệu quả.
9. Tôn vinh và ghi nhận đồng nghiệp
Một lời khen ngợi hoặc ghi nhận những nỗ lực của đồng nghiệp có thể tạo động lực lớn. Dành thời gian gửi một email khen ngợi sau dự án hoặc tổ chức một bữa tiệc nhỏ mừng sinh nhật là những cách đơn giản nhưng hiệu quả để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp nơi công sở.
10. Tránh nhắc đến công việc trong giờ nghỉ
Trong các buổi giao lưu, tránh đề cập đến các dự án hay thời hạn công việc. Thay vào đó, hãy tìm hiểu về đồng nghiệp ở mức độ cá nhân hơn, như sở thích, gia đình hay những câu chuyện ngoài công việc. Điều này không chỉ giúp gắn kết mà còn làm giảm căng thẳng giữa những người làm việc cùng nhau.
Phạm Linh (Theo CNBC)