Khi đi siêu thị, nhiều người tin đồ đắt tiền mới là đồ tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Hãy xem danh sách các loại thực phẩm dưới đây, thay thế chúng bằng các sản phẩm rẻ có chất lượng tương đương để tiết kiệm.
1. Gia vị
Gia vị tạo nên các món ăn tuyệt vời. Bạn có thể chọn mua các lọ gia vị trên kệ hàng ở siêu thị theo tiêu chí rẻ nhất hoặc theo nhãn hiệu. Dù lựa chọn là gì, hãy để ý tới ngày hết hạn vì theo thời gian, mùi hương, chất lượng của chúng có thể thay đổi. Bạn cũng cần lưu ý tới điều này khi muốn mua gia vị theo số lượng lớn.
2. Muối ăn
Muối là loại gia vị được sử dụng phổ biến nhất khi chế biến món ăn. Thành phần của muối ăn đắt tiền và rẻ tiền không khác biệt là mấy nên có thể chọn loại rẻ.
3. Chất tẩy rửa
Chất tẩy rửa mua ở siêu thị thường có các thành phần chính: natri hypoclorit, chất hoạt động bề mặt anion (một trong những thành phần quan trọng của chất tẩy rửa và máy rửa bát) và hương thơm.
Nếu bạn vẫn muốn chọn một nhãn hiệu chất tẩy rửa nhất định vì yêu thích mùi hương của nó, điều này ổn. Nhưng để tiết kiệm ngân sách, sẽ không phải là ý kiến tồi nếu bắt đầu thử một số nhãn hiệu rẻ hơn. Đồng thời, chất tẩy rửa đắt không có nghĩa là chúng hiệu quả hơn loại rẻ.
4. Các loại hạt khô
Các loại hạt, chẳng hạn như hạnh nhân, quả phỉ, đậu phộng và quả óc chó rất tốt cho sức khỏe và không lo dư cân. Tuy nhiên, ở một số nơi, giá của chúng có thể hơi mắc.
Có hai cách tránh chi quá nhiều tiền cho chúng: một là chọn thương hiệu riêng của chuỗi siêu thị (nếu họ cung cấp sản phẩm này), hai là mua số lượng lớn và đông lạnh một phần. Không cần thiết phải luôn luôn chọn mua hạt khô của thương hiệu đắt tiền nhất.
5. Túi đựng thực phẩm
Đây là sản phẩm dùng một lần, do đó không cần chi quá nhiều tiền để mua. Khi chúng được dùng để trữ đồ nhà bếp hoặc đựng bánh sandwich, đồ ăn vặt, bạn có thể chọn các nhãn hiệu rẻ tiền. Nếu mục đích là sử dụng để cấp đông thì nên kiểm tra loại rẻ hơn có đủ khả năng đựng thực phẩm hay không. Đừng quên chúng ta có thể thường xuyên giặt và tái sử dụng chúng, do đó giúp tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
6. Đồ ăn vặt
Đôi khi, bạn có thể thử các loại đồ ăn vặt giá thấp hơn để tìm hiểu xem chúng có ngon không. Khi có buổi tụ họp đông người, bạn có thể chọn loại bim bim rẻ thay vì loại đắt.
7. Bột mì
Bạn có thể tìm thương hiệu bột mì chất lượng tốt trong siêu thị hoặc các loại bột khác rẻ tiền hơn để chế biến công thức nấu ăn đơn giản tại nhà. Khi mua, bạn cần đảm bảo nó có các thành phần giống như loại bạn thường sử dụng. Một mẹo khác là có thể sử dụng bột mì làm bánh ngọt hoặc bánh kếp, thay vì hỗn hợp làm sẵn vì chúng có hạn sử dụng và đắt hơn.
8. Ngũ cốc đóng hộp
Khi mua ngũ cốc, bạn có thể chọn một số nhãn hiệu kinh tế nhất khi có mục tiêu tiết kiệm tiền lúc đi siêu thị. Ngoài thương hiệu hay giá cả, người tiêu dùng nên xem lại bảng thành phần dinh dưỡng trên hộp ngũ cốc, đặc biệt là lượng đường để có lựa chọn tốt nhất.
9. Đậu
Đậu là loại thực phẩm chính và không cần mua loại đắt nhất trên kệ siêu thị. Điều này không chỉ áp dụng với đậu mà còn với các loại ngũ cốc hoặc cây họ đậu khác, chẳng hạn đậu lăng và đậu xanh.
Những người tiêu thụ thực phẩm đóng hộp nên cân nhắc sự đa dạng của các nhãn hiệu có thể có một số khác biệt về hương vị hoặc kết cấu, vì vậy lựa chọn của bạn phụ thuộc vào sở thích cá nhân (chứ không phải giá cả hoặc cách tiếp thị của sản phẩm). Bạn nên nếm thử và so sánh.
10. Trái cây và rau quả
Khi nói đến trái cây đông lạnh, không có sự khác biệt lớn giữa các thương hiệu, vì vậy bạn có thể chọn loại rẻ thay vì đắt. Một cách khác để tiết kiệm là mua chúng ở các quầy rau quả và làm lạnh chúng tại nhà.
Giảm tiêu thụ những hộp nhựa đựng trái cây đã rửa sạch, cắt nhỏ và sẵn sàng để mang đi là một biện pháp khác để tiết kiệm, cũng như nên chọn nhiều trái cây và rau theo mùa hơn vì chúng rẻ hơn.
Tú Anh (Theo Bright Side)