Thượng Hải - thành phố lớn bậc nhất Trung Quốc - được mệnh danh là nơi giao thoa hài hòa giữa những nét phương Đông cổ kính xen lẫn nét phương Tây hiện đại, gấp gáp. Thành phố này còn được biết tới là "thủ đô của những câu chuyện ngôn tình" khi được lấy làm bối cảnh của đa phần các cuốn tiểu thuyết hiện đại ở Trung Quốc và trở thành thành phố trong mơ của nhiều bạn trẻ.
Dưới đây là 10 điều không thể bỏ qua khi tới Thượng Hải do 2 blogger người Singapore là Evans và Raevian ghi lại trong chuyến đi cách đây không lâu:
1. Thăm Bến Thượng Hải
Có lẽ chẳng có chuyến đi nào tới Thượng Hải mà lại có thể bỏ qua địa danh nổi tiếng này. Bến Thượng Hải hay còn gọi là The Bund trước đây là khu tô giới người nước ngoài sinh sống.
Trong quá khứ, không ít câu chuyện, bộ phim thời dân quốc nhắc tới bến Thượng Hải và dòng sông Hoàng Phố, thậm chí có hẳn hai bộ phim lấy tên theo địa danh này từng chiếu ở Việt Nam và được nhiều khán giả yêu mến.
Cảnh quan phía bờ Tây khá cũ kỹ, cổ kính, còn nhìn sang phía Đông là những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát, luôn sáng đèn tới khuya. Đây cũng là hiện thân của một Thượng Hải trẻ trung và năng động. Từ phía bến, bạn có thể nhìn sang tháp truyền hình Đông phương Minh Châu - biểu tượng của thành phố - ở bên kia sông.
2. Mua sắm ở phố Nam Kinh
Phố Nam Kinh (Nanjing) là con đường đi bộ dài 5,5 km tập trung nhiều nhà hàng, trung tâm thương mại trong những căn nhà có kiến trúc cổ điển châu Âu. Nơi này được tác giả miêu tả giống như những thước phim, truyện tiểu thuyết về Thượng Hải những năm 1930 thế kỷ trước.
Nếu mỏi chân, bạn có thể lên xe điện đi dọc con phố, dành cho những ai ngại cuốc bộ. Giá mỗi chuyến là 5 nhân dân tệ (khoảng hơn 15.000 đồng).
3. 'Săn' đồ ăn
Do là trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc nên nền ẩm thực ở Thượng Hải cũng vì thế mà rất phong phú do người nhập cư mang món ăn quê hương mình tới đây "góp cỗ". Bạn có rất nhiều lựa chọn, từ nhà hàng sang trọng cho tới những quán vỉa hè, từ bàn ghế lãng mạn cho tới xếp hàng mỏi chân. Trong đó có các món vịt quay Bắc Kinh, há cảo, bánh bao nước, đậu phụ thối...
4. Lang thang ở khu Tô giới Pháp cổ kính
Phần hồn châu Âu nhất của Thượng Hải nằm ở khu tô giới Pháp, nơi nằm trong sự quản lý của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20. Khu vực này ngày nay hầu như vẫn giữ nguyên dáng dấp của mình với những căn nhà kiến trúc cũ kỹ nhưng sang trọng.
Bạn nên ghé qua khu Tân Thiên Địa (Xintiandi) - khu tổ hợp vui chơi, ăn uống trong những căn nhà cổ đầy tính nghệ thuật. Khu vực này luôn chìm trong không khí vui vẻ từ sáng tới tối và là đại bản doanh của khách du lịch thập phương.
Đường Sinan và Shaoxing nổi tiếng với hàng cây xanh nổi tiếng được trồng từ cách đây cả trăm năm, cùng những tòa nhà rêu phong. Đường phố vắng lặng khiến khách du lịch tưởng như lạc vào khu phố châu Âu.
Điền Tử Phường (Tianzifang) lại là một khu vực sống động với những con hẻm nhỏ truyền thống, san sát quán cà phê, quán bar, cửa hàng thủ công, phòng trưng bày nghệ thuật và quán ăn đường phố.
5. Ghé Lujiazui - trung tâm kinh tế sầm uất nhất Trung Quốc
Lujiazui nằm ở quận Phố Đông, trung tâm tài chính kinh tế nổi tiếng nhất ở đất nước tỷ dân. Khác với khu phía Tây cổ kính, Phố Đông nhộn nhịp, hiện đại và tấp nập bởi dòng người, xe luôn hối hả, vội vã cùng những tòa nhà chọc trời đã trở thành biểu tượng của Trung Hoa hiện đại.
Bạn có thể ghé qua tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu với 2 quả cầu hồng, nức tiếng một thời, từng là tòa nhà cao nhất thế giới, hiện vẫn đứng đầu châu Á hay tháp Kim Mậu, đường đi bộ Lujiazui hình tròn khổng lồ, Apple store...
6. Đi tàu nhanh chóng mặt
Không nhiều người biết rằng tàu cao tốc Maglev ở Thượng Hải là một trong những tuyến tàu có tốc độ nhanh kinh hoàng, thuộc bậc nhất trên thế giới với tốc độ đạt 430 km/h. Để đi quãng đường từ sân bay quốc tế Pudong về ga Longyang trong thành phố (dài 30 km) nó chỉ tốn chưa tới 8 phút, kể cả thời gian dừng ở các bến.
Bạn có nhiều cách để vào thành phố từ sân bay này. Tuy nhiên, đừng nên bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm cảm giác đi nhanh như gió độc đáo này. Evan còn gợi ý rằng, không có quá nhiều khác biệt giữa vé hạng thường và hạng VIP (đắt gấp đôi). Do đó, bạn chỉ cần mua vé hạng thường là ổn rồi.
7. Chu du tới Chu Gia giác
Cổ trấn Chu Gia giác (Zhujiajiao) có nghĩa là ngôi nhà của họ Chu, là một thị trấn cổ nằm cách Thượng Hải không xa, vốn rất nổi tiếng với khách du lịch. Từ trung tâm thành phố, bạn đi mất khoảng một tiếng để tới với nơi này, một không gian Trung Hoa xưa cũ với tuổi đời lên tới 1.700 năm, đem lại một cái nhìn rất khác về thành phố.
Ngoài những căn nhà cổ bên dòng nước, Chu Gia giác còn có một dãy quán cà phê, nhà hàng mở ngay sát những con kênh, là địa điểm lý tưởng cho những ai cần sự yên tĩnh, nhìn ngắm hoàng hôn trên cổ trấn rêu phong.
8. Tản bộ dọc bờ Đông
Nghĩ tới sông Hoàng Phố, người ta thường nghĩ tới Bến Thượng Hải ở bờ Tây nhưng ít ai để ý tới khu bờ Đông tưởng chừng như chỉ có những tòa cao ốc công sở cũng có một khu phố đi bộ sát bờ sông rất êm đềm và lãng mạn. Dọc bên bờ sông là chuỗi những quán cà phê như Starbucks, kem Häagen-Dazs hay Muskcat Coffee.
9. Sắm vai nhân vật phim thời dân quốc
Phim trường Thượng Hải được xây dựng và hoàn thành vào năm 1999, tái hiện những con phố thập niên 20-30 thế kỷ trước. Đây là nơi thực hiện các cảnh quay của hầu hết những bộ phim về thời kỳ này. Lạc bước vào phim trường, bạn sẽ tìm thấy những góc thật thân quen bởi từng xem đi xem lại rất nhiều lần trong những bộ phim nổi tiếng.
Phim trường cách trung tâm Thượng Hải khoảng gần một giờ xe chạy, bạn có thể tới đây bằng xe bus hoặc tàu điện ngầm. Vé vào cửa là 80 tệ (khoảng 280.000 đồng) nhưng rất xứng đáng, nếu bạn là fan của phim ảnh. Phim trường chia làm nhiều khu, mở cửa từ 8h30 tới 16h30.
10. Thăm chùa Tĩnh An, vườn Dự Viên
Đây là hai công trình kiến trúc mang dáng dấp thời phong kiến. Dự Viên được xây dựng dưới thời nhà Minh và được trùng tu vào năm 1961 nên hầu hết các hạng mục trông còn khá mới và nguyên vẹn. Dự Viên còn nổi tiếng với dãy hàng ăn, quán cà phê nổi tiếng; trong đó đông đúc nhất là nhà hàng Nanxiang Steamed Bun luôn luôn có hàng dài khách đứng xếp hàng.
Chùa Tĩnh An được xây dựng từ thế kỷ thứ 3, sau đó tới năm 1216 thì được di dời về vị trí hiện tại - lọt thỏm giữa những tòa cao ốc ở Thượng Hải. Ngôi chùa là địa điểm tâm linh để người dân tìm đến chốn bình an. Nơi đây cũng trưng bày pho tượng phật ngọc lớn nhất Trung Quốc, cao tới 4m. Tuy nhiên, để vào được chùa phải mua vé với chi phí từ 50 đến 100 tệ (khoảng 175.000-350.000 đồng).
Hà Nguyên