Top 5 cụm từ hot trend của gen Z
1. Mai-đẹt-ti-ni
Câu thoại "Mai đẹt-ti-ni" đến từ bộ phim Thái Ngược dòng thời gian để yêu anh. Trong phim, sau khi trải qua những thử thách, khó khăn, cặp nam, nữ chính đã đến được với nhau. "Mai đẹt-ti-ni" là câu nói mà nhân vật nữ chính dành cho người yêu, được hiểu là: "Anh là định mệnh của cuộc đời em". Về nghĩa gốc, "mai đẹt-ti-ni" là phiên âm của cụm từ tiếng Anh "My destiny", nghĩa là định mệnh đời tôi.
Sau khi phim phát sóng, nhiều bạn trẻ đã gọi người yêu của mình bằng cụm từ "Mai đẹt-ti-ni".
2. Ra dẻ
"Ra dẻ" là cách đọc chệch của cụm từ "ra vẻ". Đây là một khẩu ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày, dùng để chỉ hành vi cư xử, thể hiện những thứ bản thân không có. Cụm từ này không mới nhưng được sử dụng nhiều kể từ tháng 8, bắt nguồn từ chương trình truyền hình thực tế 2 Ngày 1 Đêm, khi các thành viên, nhất là Lê Dương Bảo Lâm, thường xuyên nói: "Hay ra vẻ quá à" để bình luận việc người khác tự tin nhưng thực hiện thử thách thất bại. Trong trường hợp này, "ra dẻ" mang hàm ý giễu cợt nhẹ nhàng, hài hước.
Ngoài "ra dẻ", giới trẻ còn có các cách viết khác như "da zẻ", "ra dzẽ"...
3. Độc lạ Bình Dương
"Độc lạ Bình Dương" xuất hiện từ năm 2019, là tên của fanpage chuyên chia sẻ những câu chuyện lạ lùng ở Bình Dương. Các nội dung đăng tải đều là chuyện lạ kỳ. Cuối tháng 11 năm 2022, cụm từ này bất ngờ trở thành xu hướng, dùng để chỉ những sự việc, hiện tượng độc lạ, khôi hài.
Không chỉ dừng lại ở tỉnh thành này, Gen Z sửa đổi thuật ngữ và thay bằng một số địa điểm khác như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP HCM hoặc thậm chí là sự kiện World Cup 2022. Ví dụ, chiến thắng của Saudi Arabia trước Argentina tại vòng bảng được cho là chuyện "độc lạ World Cup", bởi đội tuyển bóng đá đến từ Trung Đông là đội duy nhất đánh bại nhà đương kim vô địch ở giải đấu năm nay.
4. Ô dề
"Ô dề" dùng để chỉ hành vi lố lăng, làm quá, không giống ai, được cho là xuất phát từ video trên Tik Tok. Trong video, một người phụ nữ trung niên mặc áo dài vàng định nghĩa rằng: "Làm quá thì nó ô dề, ô dề là lố lăng". Từ này là từ lóng - ngôn ngữ không chính thức, được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.
Một số người lầm tưởng "ô dề" với "oh yeah", một từ cảm thán bằng tiếng Anh, dùng để diễn đạt cảm xúc tích cực như vui mừng, phấn khích hay đồng tình. Sự trái ngược về ý nghĩa của "ô dề" và "oh yeah" vô tình khiến từ "ô dề" lan truyền khắp TikTok, sau đó lan rộng ra các trang mạng xã hội khác.
Ví dụ cho cách sử dụng từ "Ô dề":
- Mình rủ bạn đi ăn nhậu, kêu bạn mặc bình thường nhưng tới nơi, bạn mặc ô dề còn mình mặc bình thường.
- Dù đi đổ rác, mình cũng phải mặc thật ô dề để lỡ va phải chân ái của cuộc đời.
- Mọi người hãy chỉ mình cách để trang điểm mắt tự nhiên chứ đừng ô dề nhé?
5. OTP
OTP lại là cách viết tắt của cụm từ tiếng Anh: One true pairing, có nghĩa tương tự như từ "ship" (đẩy thuyền). OTP hoặc ship dùng để nói về sự kết hợp giữa hai người thành một cặp được mọi người yêu thích, ngưỡng mộ. Với fan Kpop, đây còn là cụm từ chỉ việc kết hợp các thành viên một nhóm nhạc này với thành viên nhóm nhạc khác. Ví dụ, trong nhóm EXO có một số thành viên được fan ghép cặp như Chanyeol - Baek Hyun thì sẽ viết là OTP Chan - Baek.
Bên cạnh đó, fan còn sử dụng từ viết tắt OT (One True) đi kèm với số lượng thành viên nhóm để thể hiện sự yêu thích đối với tất cả hoặc một số thành viên trong nhóm nhạc đó. Nếu yêu thích tất cả các thành viên trong nhóm sẽ viết: Tên nhóm + OT + số lượng thành viên đầy đủ. Để thể hiện sự yêu thích với 7 thành viên của nhóm nhạc BTS, các fan sẽ gọi nhóm này là BTS OT7. Nếu chỉ yêu thích một số thành viên nhóm sẽ viết: Tên nhóm + OT + Số thành viên bạn thích + Tên số thành viên bạn không thích. Ví dụ, một bộ phận fan không thích sự xuất hiện của Jimin trong nhóm thì họ sẽ gọi là BTS OT6 Jimin.
Trái nghĩa với OTP là NOTP (Not OTP), có nghĩa là nhất quyết không muốn cặp nào đó thành đôi, là "lật thuyền".
Các câu nói gắn với cụm từ OTP thường được giới trẻ sử dụng là:
- OTP mãi real: Ý chỉ cặp nào đó được tin là có mối quan hệ thật ngoài đời.
- OTP mãi mận: Ý chỉ cặp nào đó mặn mà. Đây còn là cách để fan tán dương thành tích, tài năng của ai đó.
Top 5 câu nói hot trend của giới trẻ
1. Bất ngờ chưa bà già?
Nguồn gốc câu nói "bất ngờ chưa bà già" bắt nguồn từ video của một TikToker có hơn 100.000 lượt theo dõi tên "EYEIYAGI bất ổn". Nhân vật chính của loạt video hay có câu chào cửa miệng "hello bà già". Sau đó, trong một đoạn video, cậu con trai đã có màn tặng quà sinh nhật gây ngạc nhiên cho mẹ với hai cái bánh Trung Thu thay cho bánh sinh nhật kèm theo câu "bất ngờ chưa bà già".
Sau khi lan truyền rộng rãi, câu nói "Bất ngờ chưa bà già" được sử dụng để bày tỏ sự ngạc nhiên, hoặc để thể sự hài hước trước những nội dung vui nhộn. Có thể hiểu, "bất ngờ chưa bà già" để chỉ sự việc mà khiến đối phương không ngờ tới.
2. Mẹ biết mẹ buồn đó
"Mẹ biết mẹ buồn đó" là câu nói được Gen Z sử dụng để bày tỏ sự thất vọng về một hành động, sự việc mang tính hài hước. Đây là bất ngờ trở nên phổ biến trên mạng xã hội kể từ đầu tháng 10, bắt nguồn từ một video hài. Trong đoạn video, một cô gái bắt gặp cảnh em trai mình đang đội tóc giả, thử trang phục nữ giới và đeo trang sức. Thấy vậy, cô liền thốt lên: "Ấy, làm gì á? Mẹ biết mẹ buồn đó", kèm theo những lời chất vấn khác.
Giọng điệu thảng thốt của cô gái này đã được lồng ghép vào nhiều đoạn video ghi lại tình huống dở khóc, dở cười hoặc để châm biếm. Ngoài chủ ngữ là mẹ, mọi người có thể thay chủ ngữ khác như sếp, cô giáo, đồng nghiệp... tùy hoàn cảnh.
3. Hay quá chị yêu
Đây là một trong những gợi ý bình luận phổ biến trên mạng xã hội Facebook cùng với "Chúc mừng chị yêu", "Đẹp lắm shop"... Các câu bình luận được soạn sẵn này đều rất ngắn gọn, đại trà. Nhiều câu cảm thán còn có nội dung không liên quan đến bài đăng, tuy nhiên chúng lại được yêu thích và trở thành xu hướng.
4. 2, 3 con mực
Cụm từ "2, 3 con mực" lần đầu xuất hiện vào cuối tháng 9, mở đầu cho bài hát Anh yêu em cực của rapper Linh Thộn và Minh Vũ. Trong đó, đoạn nhạc "2, 3 con mực/Anh yêu em cực/Ba chai tăng lực/Yêu em căng cực" nhanh chóng trở nên viral với gen Z.
Nhiều bạn trẻ đã sử dụng cụm từ này và còn gieo vần thơ bốn chữ. Ví dụ: "2, 3 con mực/Đi làm rất bực", "2, 3 con mực/Một đống tiêu cực"... Ngoài ra, bạn trẻ còn thay "con mực" thành những loài động vật khác. Sau đó, họ sáng tác câu thơ thứ hai sao cho gieo vần phù hợp.
5. Báo quá trời báo
Trong những tháng cuối cùng của năm 2022, từ "báo" bỗng trở thành phổ biến trong từ điển gen Z. Giới trẻ hay dùng các cụm từ: "báo quá nha", "báo quá chừng báo", "báo quá trời báo", "sao báo dữ vậy chèn"...
Theo đó, "báo" được dùng để chỉ những người không làm được gì có ích. Còn ý nghĩa phê phán nặng hơn là một người gây ra hậu quả và khiến người khác phải gánh chịu, giải quyết hộ. "Báo quá trời báo" là chỉ những người không lo làm mà chỉ lo chơi, gây sự cố, nợ nần và tìm về nhà để nhờ bố mẹ giúp đỡ, xử lý hậu quả...
Tú Anh