Chiều cuối tháng 11, tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, 10 đứa trẻ 4-5 tuổi vây quanh cán bộ Hà Thanh Hương, liến thoắng kể chuyện ở trường mẫu giáo. Thấy có khách đến chơi, bé Hoàng Thế Hùng (4 tuổi) nhanh miệng chào rồi chỉ tay về hai bảo mẫu giới thiệu "đây là mẹ Hương, kia là mẹ Yến...".
Không để các mẹ nhắc, đám trẻ đồng thanh chào, vui vẻ bắt chuyện với khách và đặc biệt thích thú khi xem chiếc iPhone với những tính năng đặc biệt mà từ trước đến nay chưa từng thấy. Riêng Nguyễn Tiến Mạnh, em út của nhóm, nhút nhát đứng ở góc xa nhìn. Nghe khách hỏi, Mạnh lí nhí trả lời: "Con đi học rất vui, được học hát, học tô chữ. Ở nhà con có rất nhiều bạn".
Từ hơn 2 năm nay, cán bộ của Trung tâm Bảo trợ đã trở thành cha mẹ của 10 đứa trẻ. Hàng ngày, các bảo mẫu lần lượt đưa các bé đến Trường mầm non Hoa Hồng (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) để học, hết buổi lại đón về chăm sóc.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, bà Đào Thu Thảo cho biết, 10 bé trai vào học tại trường từ năm 2013, được phân lớp theo nhóm tuổi. Các cháu hòa đồng với bạn bè, hiếu động, nhận thức như bao trẻ khác, không có biểu hiện khác thường. "Do ở môi trường tập thể không có bố mẹ ruột nên các cháu vẫn còn thiệt thòi hơn các bạn", bà Thảo nói.
Nhìn các bé nô đùa trong sân trung tâm, bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm bảo trợ, không thể quên được khoảng thời gian khó khăn hơn 2 năm trước.
Tháng 7/2011, công an tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giữ hơn 40 người về hành vi mua bán trẻ em, trong đó có 10 người Việt Nam. Nhà chức trách đã giải cứu 10 bé trai Việt Nam (nhỏ nhất 10 ngày tuổi và lớn nhất 7 tháng tuổi) bị bắt cóc bán sang Trung Quốc. Đến đầu tháng 5/2013, Trung tâm cùng Cục cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an tiếp nhận 10 bé trai từ các tỉnh, thành phía Nam, là nạn nhân bị buôn bán do Trung Quốc bàn giao.
"Hôm đó là ngày 3/5/2013, trời vừa tạnh mưa, chúng tôi đón các con ở cầu Ka Long (TP Móng Cái) do công an Trung Quốc bàn giao. Tất cả đều rất mệt vì đã trải qua cuộc hành trình dài từ Trung Quốc về Việt Nam. Khám sức khoẻ ban đầu, có một số bé bị suy dinh dưỡng, đa phần đường hô hấp có vấn đề do lạnh, có bé mắc bệnh đường tiêu hoá, bệnh ngoài da, nhưng thật mừng là không có bé nào bị mắc bệnh hiểm nghèo", chị Hà Thanh Hương nhớ lại.
Sau thời gian chăm sóc và được khám sức khỏe định kỳ, cả 10 cháu bé đã khỏe mạnh, thích nghi với môi trường ở trung tâm. Hiện 10 cháu vẫn chưa được bố mẹ đến nhận. "Nếu như không tìm được bố mẹ ruột, tôi mong các con được những gia đình có điều kiện nhận về làm con nuôi. Như vậy các con đỡ thiệt thòi và có một cuộc sống ấm no hơn", chị Hương nói.
Giải thích về 10 cái tên đặc biệt, chị Hương cho biết, với mong muốn các bé nhớ về nguồn cội, thương yêu nhau, cán bộ Cục cảnh sát hình sự đặt tên cho 10 bé lần lượt là: Cộng, Hoà, Xã, Hội, Chủ, Nghĩa, Việt, Nam, Hùng, Mạnh. Trong đó, Cộng lớn nhất 5 tuổi, Mạnh là em út 4 tuổi.
Bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm bảo trợ cho biết, trường hợp không ai nhận nuôi, Trung tâm sẽ nuôi các cháu đến khi trưởng thành. Hiện Trung tâm chăm sóc 120 cháu bé lứa tuổi từ mầm non đến hết THPT. Các cháu từ 9 tuổi trở xuống, được bảo mẫu tắm, giặt, đưa đi học. Buổi tối các cháu ôn bài ở nhà có giáo viên kèm cặp.
"Nếu bố mẹ các cháu đến nhận con, hoặc có người đến xin nhận làm con nuôi, chúng tôi sẽ làm mọi thủ tục theo quy định của pháp luật", bà Lan nói.
VnExpress