Đến ngày 24/6, số người tử vong trong cuộc hành hương Hajj năm nay lên tới 1.301 người, nguyên nhân chủ yếu là do người tham dự phải đi bộ nhiều giờ dưới thời tiết 51,6 độ C khiến cơ thể kiệt sức. Theo chính quyền Arab Saudi, cuộc hành hương năm nay thu hút 1,8 triệu người, trong đó 1,6 triệu người đến từ nước ngoài. Hajj được xem là một trong năm cột trụ của đạo Hồi, bao gồm: Tôn sùng tuyệt đối Thánh Allah, cầu nguyện mỗi ngày 5 lần, làm bố thí, tuân thủ mọi điều cấm kỵ trong tháng lễ Ramadan và Hajj. Trong đó, hajj là hành hương về thánh địa Mecca bắt buộc ít nhất một lần trong đời nếu có khả năng chi trả và có đủ sức khỏe. Một số người Hồi giáo thực hiện hành trình này nhiều hơn một lần. Hajj kéo dài 5 ngày, với các nghi thức chính. Đầu tiên là Tawaaf đi bộ xung quanh Kaaba bảy vòng, công trình hình khối lập phương được coi là trung tâm của vũ trụ trong đạo Hồi (trong ảnh). Tiếp theo là Sa'i là đi bộ bảy lần giữa hai ngọn đồi Safa và Marwah. Wuquf là dừng lại tại Arafat, một ngọn núi gần Mecca, để cầu nguyện và cầu xin sự tha thứ của Thánh Allah. Nghi lễ Ramy al-Jamarat là ném đá vào ba cột đá. Cuối cùng là cắt tóc hoặc cạo đầu để thể hiện sự sùng đạo và thanh tẩy bản thân. Lễ Hajj diễn ra một lần một năm vào tháng 12 theo lịch Hồi giáo Dhul-Hijja. Năm nay, lễ Hajj sẽ diễn ra vào tháng 6. Hàng triệu người đổ về thánh địa Mecca - một thành phố ở Arab Saudi, được coi là thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi. Mecca được xem là nơi sinh của nhà tiên tri Muhammad và là nơi có Kaaba - công trình hình khối lập phương được coi là trung tâm của vũ trụ trong đạo Hồi. Mecca là một thành phố đa dạng về văn hóa, có nhiều nhà thờ Hồi giáo, chợ và bảo tàng. Kinh tế của Mecca phụ thuộc chính vào du lịch hành hương. Lễ hành hương Hajj là một nghi lễ quan trọng và thiêng liêng của đạo Hồi, thể hiện niềm tin và sự sùng đạo của các tín đồ Hồi giáo. Hajj còn được coi là một hành trình thanh tẩy tâm hồn, giúp con người xích lại gần Thánh Allah và thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng Hồi giáo. Lễ hành hương này cũng là cơ hội để con người suy ngẫm về cuộc sống, cầu xin sự tha thứ và hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Về mặt cộng đồng, Hajj đoàn kết những người Hồi giáo thuộc nhiều chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ và tầng lớp kinh tế trên khắp thế giới. Nhiều người hành hương mang theo những lời cầu nguyện từ gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, chặng đường Hajj năm nay khắc nghiệt hơn mọi năm dưới cái nắng oi ả như thiêu đốt hơn 50 độ C. Hàng triệu người Hồi giáo đi bộ ngoài trời đã gặp các vấn đề về sức khỏe, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mất nước gây kiệt quệ, ngất xỉu, nôn mửa, thậm chí dẫn đến tử vong. Lễ hành hương Hajj năm nay trở thành thảm kịch với số người tử vong cao kỷ lục, thậm chí còn được gọi là 'lễ hội chết chóc'. Một nửa số người tử vong tới từ Ai Cập thông qua các hoạt động hành hương 'chui', không báo cáo với chính quyền. Do đó, họ không được cung cấp đầy đủ các trang thiết bị tránh nóng cần thiết như được vào các lều điều hòa để giảm nhiệt. Những người này đi theo visa du lịch thay vì visa hành hương như theo quy định. Chi phí đi theo thị thực hành hương chính thức khá cao so với đi theo đường du lịch, ngoài ra visa chỉ được cấp với số lượng có hạn. Nếu đi theo diện du lịch phổ thông, mỗi người có thể tiết kiệm được hàng nghìn USD. Do đó, ước tính 400.000 người đã bất chấp nguy hiểm lựa chọn phương án này. Chính quyền Ai Cập đã thu hồi giấy phép hoạt động của 16 công ty du lịch tổ chức các cuộc hành hương chui, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người hành hương phải chịu cái nóng như thiêu đốt của vùng sa mạc. Theo thống kê, người tử vong cũng bao gồm 165 người hành hương từ Indonesia, 98 người từ Ấn Độ và hàng chục người khác từ Jordan, Tunisia, Morocco, Algeria, Malaysia và Mỹ. Hà Nguyên (Theo AP) Ảnh: AFP, AP