Người dân Aulnay-sous-Bois tuần hành phản đối bạo lực ngày 5/11. |
Quả thật những vụ gây cháy nổ của các nhóm thanh niên quá khích nay đã vượt khỏi khu vực xuất phát điểm của nó ở ngoại ô Paris và lan rộng ra nhiều tỉnh thành của Pháp. Bằng chứng là trong đêm 5 rạng sáng 6/11 có đến 554 xe bị đốt ở ngoài vùng Paris. Tính tổng cộng đến nay các nhóm thanh thiếu niên quá khích đã phá hủy đến 3.500 ôtô và có khoảng 800 trong số họ bị bắt giữ.
Ngọn lửa bạo lực đã lan đi quá nhanh. Chính quyền không hiểu nổi và có vẻ lúng túng trong biện pháp ngăn chặn. Người dân thường bắt đầu thấy bị sốc vì chưa từng thấy những cảnh tượng đối địch nhau giữa cảnh sát và các thanh thiếu niên phản kháng kéo dài dai dẳng đến vậy.
Tình hình ngày càng cho thấy những thanh niên này được tổ chức, chia thành nhiều nhóm nhỏ và hành động chớp nhoáng. Những kẻ gây rối, có nhóm đội mũ trùm đầu như các nhóm Hồi giáo quá khích, đã bắt đầu sử dụng vũ khí, xả đạn vào xe cộ đã bị hư hại. Thậm chí có những nhóm chiếm lĩnh những vị trí độc đạo trong khu phố để đương đầu với lực lượng an ninh khi đêm xuống.
gCửa kính một siêu thị bị ném vỡ. |
Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy dọa sẽ kết án nặng hơn đối với những thủ phạm bị bắt (nay cảnh sát bắt đầu dùng các thiết bị nghiệp vụ ghi hình những kẻ hung hãn nhất để bắt "nguội" sau đó). Trong khi đó, Thủ tướng Dominique de Villepin cũng đã gặp gỡ tám bộ trưởng chủ chốt và người đứng đầu giáo phận Hồi giáo Paris Dalil Boubakeur. Sau cuộc họp, ông Boubakeur kêu gọi chính phủ thay đổi giọng điệu bằng "những từ ngữ hòa bình" hơn.
Hẳn ông muốn liên hệ đến việc tuần trước Bộ trưởng Sarkozy mô tả những kẻ làm loạn là "cặn bã" và nhất mực không thay đổi cách nghĩ của mình khi được nhắc nhở. Nhiều người cũng cho rằng đây là nguyên nhân khiến bạo loạn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra những bản tin nói cảnh sát dùng lựu đạn cay gần một ngôi đền Hồi giáo cũng đã đổ thêm dầu vào lửa.
Cuộc bạo loạn còn được xem là sự biểu lộ bất bình âm ỉ lâu nay của giới thanh thiếu niên người Hồi giáo gốc Phi ở Pháp trước cách cư xử của cảnh sát, sự phân biệt chủng tộc, nạn thất nghiệp và thất học.
Có lẽ sẽ chẳng ai tìm được câu trả lời chính xác cho tình hình bạo loạn đang diễn ra bởi lẽ không ít vụ nổi loạn ban đêm chắc hẳn chẳng dính dáng gì đến động cơ phân biệt đối xử. Và đổ mọi tội lỗi cho các chính sách xã hội của chính quyền là cách thường thấy nhất. Cách đổ vấy ấy đang khiến các chính quyền khuynh hướng xã hội ở châu Âu dè chừng vì họ chẳng khác nhau là mấy khi đang phải đối đầu với tình trạng người nhập cư gia tăng nhanh chóng.
Ít nhất cho đến lúc này điểm đáng lạc quan nhất là người dân Pháp bắt đầu xuống đường kêu gọi chấm dứt bạo lực. Trong cuộc tuần hành trong im lặng hôm 5/11 vừa qua có cả cha mẹ của hai thiếu niên thiệt mạng khi trốn chạy cảnh sát, nguồn cơn của những ngày bạo loạn.
(Theo Tuổi Trẻ)