Đã lâu lại nhìn thấy người đàn bà hát với một dung nhan thật lạ. Mái tóc tém sát đầu trông chị trẻ lại chừng 10 tuổi, xinh tươi và ăm ắp sức sống của một người đàn bà đẫm mùi đàn bà. Đã mấy tháng nay, Thanh Lam dọn về nhà ở với bố mẹ và gia đình em trai.
Căn phòng nhỏ trên tầng 3 dành cho Thanh Lam đã được bố và em trai sửa lại hoàn tất và kỹ lưỡng như một phòng của khách sạn sang trọng để chị bằng lòng. Để những khi mỏi mệt sau đêm diễn, sau những ngày dài đi công tác, chị trở về và thả mình vào không khí chan hòa yêu thương ruột rà của gia đình.
Nhạc sĩ Thuận Yến sung sướng khi đón được con gái yêu trở về nhà. Ông nói: "Thương lắm, sửa cho con căn phòng này thật đẹp như ý nó muốn, với lại kêu con về để nó đỡ xài tiền thuê nhà hoang quá. Chừng ấy năm thuê nhà đủ để xây một cái nhà đẹp đàng hoàng của mình rồi, vậy mà nó có tính toán được đâu. Năm ngoái mẹ nó bắt mua một miếng đất ngoài đê sông Hồng, năm nay tính góp tiền để xây cho nó, ngặt nỗi thi công được bức tường rào thì bị đập vì chưa có sổ đỏ. Mẹ nó lại chạy ngược chạy xuôi, tôi nói với bà ấy, mình chưa có giấy tờ, phải làm cho đủ mới xây được chứ. Con Lam thì mặc kệ mẹ, nó bảo để con đi hát dành dụm tiền trả mẹ nhé. Hơn nửa cuộc đời rồi, làm mẹ của 3 đứa con đã lớn, đứa lớn nhất đến tuổi trưởng thành rồi, thế mà bây giờ nó mới nhớ ra đi hát dành dụm tiền đưa mẹ để làm nhà". Nhạc sĩ Thuận Yến nói vậy rồi cười, nụ cười của một người cha đã già suốt đời cưng con nghe rưng rưng đến lạ.
![]() |
Ca sĩ Thanh Lam. |
Cũng có thể khi trở về căn nhà của cha mẹ sinh thành, trở về với nơi chốn mình sinh ra và lớn lên, Thanh Lam trở nên bé nhỏ lại, trẻ trung ra và dịu dàng hơn khi thỉnh thoảng lại đi chợ xuống bếp cùng gia đình. Người đàn bà hát với ham muốn luôn cháy rừng rực trong con người chị là hát, là sáng tạo. Chẳng thế mà chị luôn là người đi tiên phong trong những phong cách hát mới, luôn tìm tòi, thể nghiệm một mình tìm lấy và đi trên con đường riêng của mình mà không phải bất cứ một lối mòn nào.
Bởi thế mà Thanh Lam luôn đối diện với khó khăn, luôn chênh vênh giữa được và mất, luôn muốn là người đầu tiên đến với khán giả bằng con đường chinh phục gian nan nhất. Tất cả những bài hát, dù đã cũ, hay mới, qua chị đều khác lạ đi, đều đến với khán giả, thính giả bằng một hơi thở khác, một phong cách khác. Có thể sự khác lạ mới mẻ ấy không phải lúc nào cũng được đón nhận. Thanh Lam là người luôn nương nhờ vào thời gian để minh chứng cho con đường âm nhạc của mình, luôn mong mỏi thời gian sẽ thuyết phục được khán giả chấp nhận chị trong những thể nghiệm mới.
Trong chiều mưa Hà Nội, nơi căn phòng cha mẹ dành cho mình, chị ngồi bó gối trò chuyện trong một nỗi buồn mơ hồ, đầy dự cảm. Chị nói không biết có ảo tưởng không khi luôn mong muốn và khao khát đóng góp vào âm nhạc đương đại Việt Nam những phong cách mới, hơi thở mới. Bởi khán giả bây giờ hình như không còn mặn mà với âm nhạc chính thống.
Dòng nhạc thị trường đang chiếm ưu thế hiện nay. Những bài hát với âm nhạc ca từ đơn giản, thậm chí vô nghĩa và phản cảm. Ca sĩ trẻ bây giờ chỉ một chút nhan sắc và giọng hát, không cần học hành trường lớp bài bản, không cần kỹ thuật gì hết, đi cùng một ê kíp quảng cáo và dựng thần tượng, thế là nghiễm nhiên trở thành sao, trở thành ăn khách và hái ra tiền. Những lo lắng buồn bã của chị không phải mơ hồ nữa mà dường như đã thường trực mất rồi.
Thế nhưng với người đàn bà hát, người từng được vinh danh là "nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam" không vì thế mà bớt đi đam mê nhiệt huyết. Chị vẫn kiên trì, bền bỉ với con đường của mình bằng tất cả sự nỗ lực bứt phá. Trong chừng 5 năm lại đây, và hơn 2 năm cùng với sự kết hợp cộng tác với nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn, chị đã chứng minh được sự sáng tạo không mệt mỏi.
Mỗi một CD của chị từ Ru mãi ngàn năm, Này em có nhớ, Em và đêm, Nắng lên, Thanh Lam - Trọng Tấn, Giọt Lam... đều dồn chứa đến kiệt cùng sức lực của mình cho mỗi bài hát, mỗi đêm diễn. Hiện nay chị gấp rút hoàn thành CD jazz - pop với một tên gọi đầy kiêu hãnh. Tên gọi này chị muốn bí mật đến tận cùng, và chị chắc chắn sẽ đem lại một sự ngạc nhiên đến kỳ thú cho khán giả. Chị đã định ra mắt CD nhân dịp sinh nhật lần thứ 38 của mình vào ngày 19/6 tới. Thế nhưng phải tới tháng 10, chị mới có hai đêm công diễn ở Nhà hát lớn, để ra mắt CD này.
Với một màu sắc âm nhạc jazz - pop xuyên suốt trong toàn bộ các bài hát, CD sẽ là một sự mới lạ của Thanh Lam. Trong CD này, chị sẽ hát các bài hát của nhạc sĩ tiếng tăm trong làng nhạc. Đó là Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương và nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn, anh sẽ phối khí và biên tập chính cho CD của chị. Chị tâm sự "Tôi dám thử thách con đường riêng của mình, tôi luôn khát khao tìm đến cái mới và tôi cần có thời gian để chờ đợi cho sự chấp nhận của khán giả. Trước những luồng khen chê khác nhau của dư luận, tôi không quá áp lực, mệt mỏi. Tôi sống có lý tưởng, luôn khát khao sáng tạo. Tôi tự hào vì đã được mệnh danh là nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam. Tôi quý trọng gìn giữ những gì khán giả đã dành cho tôi và luôn cố gắng để đền đáp".
Nhiều người từng mê Thanh Lam khi tiếng hát chị cất lên trong sáng và say đắm như một khúc thiên thanh, cũng từng nghe chị như gào thét, như quằn quại bởi những ám ảnh âm nhạc. Nhưng cũng có những khó chịu của khán giả khi chị lạm dụng quá nhiều sức mạnh của mình trong những bài hát. Chị cười, nói mà thấy thương rằng tâm hồn chị như thế nào thì chị hát như vậy. Nhiều lúc khi ra sân khấu, chị tự dặn mình phải tiết chế bớt cảm xúc, và cái đó cũng là một áp lực đối với ca sĩ "thừa năng lượng" như chị. Giờ đây, chị đã là một người đàn bà đầy trải nghiệm, đã qua những vấp váp, được mất trong cuộc sống, làm sao tìm lại được một Thanh Lam với sự trong trẻo như suối ngàn.
Tiếng hát của chị bây giờ cũng khác xưa lắm, với một người đàn bà chở nặng những thăng trầm, đổ vỡ của cuộc đời mình, chị khắc khoải hơn, đằm sâu hơn, và cũng đau khổ hơn. Rồi như là sự may rủi của đời mình. Không phải chị không muốn làm một người đàn bà nguyên thủy. Bằng chứng là chị có tới 3 đứa con, hai lần kết hôn và chừng ấy lần đổ vỡ. "Tôi không bao giờ được bình yên trong cuộc sống của riêng mình, và đi kèm với sự không bình yên ấy là những mất mát không đo đếm nổi. Khi chia tay với Quốc Trung, tôi dành quyền nuôi con cho anh ấy, đó là sự hy sinh lớn nhất của một người mẹ. Tôi hiểu rằng sống với gia đình anh ấy, các con tôi sẽ lớn tốt hơn, sẽ có một nền tảng vững chắc và một tương lai tốt.
Cuộc sống của tôi nay đây mai đó, tôi không có điều kiện để chăm sóc con, bên nó từ sáng đến tối. Không ai có thể chăm sóc con tốt hơn chính mẹ hoặc bố của đẻ. Suốt một thời gian dài sau ly hôn, tôi chống chếnh tưởng không thể cân bằng nổi vì phải rời xa các con. Mặc cho ai đó nói lời thị phi tôi không chịu nuôi con, bỏ con bỏ cái. Tôi hiểu những gì tôi đã phải chịu đựng và tôi biết mình đã hy sinh rất nhiều vì các con".
Còn về tình yêu, về những người đàn ông, Thanh Lam nói: "Trong tình yêu, tôi yêu mãnh liệt và luôn luôn đánh mất bản thân mình. Tôi đốt hết những năng lượng tinh thần cho người mình yêu. Tôi cưng chiều họ thái quá và cũng kỳ vọng họ quá nhiều, vì thế mới đổ vỡ. Tôi có lỗi vì tôi kỳ vọng ở người đàn ông, đó là lý do để tôi không trọn vẹn trong hôn nhân.
Tôi nghĩ đàn ông phải đủ lớn, đủ mạnh và đủ bao dung để che chở cho mình, bao bọc cho mình, và làm mình kính trọng. Tôi là người mù quáng trong tình yêu, sự thi vị tuyệt vời nhất, lãng mạn nhất đó là mù quáng và đánh mất chính bản thân mình khi yêu. Việc một số phụ nữ bây giờ sinh con không cần kết hôn là một dấu hỏi lớn cho đàn ông Việt. Tôi nghĩ, đàn ông Việt Nam hình như ngày càng càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình. Đó là một điều rất buồn".
Thanh Lam nói trong đời mình đã có hai tình yêu lớn nhất, chung thủy nhất, vô điều kiện nhất. Đó là tình yêu của người cha dành cho con gái, và tình yêu con trai dành cho mẹ. Không có bất kỳ một điều kiện, tình yêu đó chỉ có dâng hiến và cho đi tất cả.
Khi nhìn vào mắt con trai, Thanh Lam thấy cả một đại dương tình yêu ở trong đó đang vỗ về phía mình. Và với cha mẹ, quá nửa đời phiêu dạt, chị lại trở về trong vòng tay của gia đình. Cha mẹ chị là những người luôn âm thầm đi phía sau các con, đặc biệt với chị họ luôn là người nhặt nhạnh thu vén cho cái cuộc sống nghệ sĩ bừa bộn và vương vãi của chị.
Nhạc sĩ Thuận Yến là người đã cất đặt và gìn giữ từ cái bằng khen thời còn học sinh cho đến những huân chương, huy chương những thứ mà chị vất vả cả đời để đạt được, nhưng khi có nó trong tay rồi, chị lại hồn nhiên để quên đâu đó trong những lần chuyển nhà...
Thanh Lam nói nhiều về số phận tình yêu, và sự may rủi. Không phải cứ xinh đẹp, tài năng là sung sướng và giàu có. Có lẽ thân phận của những người phụ nữ Việt vẫn phải phụ thuộc ít nhiều vào may rủi của số phận. Nói ra điều đó ngẫm thật thương mà cũng thật buồn. Chị cũng khát khao yêu, mong mỏi hạnh phúc, nhưng theo chị, tình yêu và hạnh phúc còn trông chờ vào sự bí ẩn của duyên phận. Hãy để tình yêu đến và đi như số phận vậy. Và chị luôn là người bước những bước thản nhiên bên sự tranh chấp và giằng xé của cuộc đời, như bản năng hoang dã của mình từ khi sinh ra đã vậy.
(Theo An Ninh Thế Giới)