![]() |
Sự ra đi của Jobs khiến cả thế giới bất ngờ và sửng sốt. Ảnh: Kotaku. |
Trên hành trình thay đổi thế giới điện toán và di động của mình, cựu CEO Apple nhiều lần gặp thất bại, nhưng với ông, có vấp ngã mới có thành công. "Tôi chính là người duy nhất tôi từng biết đã mất một phần tư tỷ dollar trong một năm. Đó là cách tôi xây dựng tính cách", Jobs nhận xét về bản thân và được trích đăng trong cuốn Apple Confidential 2.0 (2004).
Giống như hai thiên tài khác của thế giới, Bill Gates và Mark Zuckerberg, Jobs bỏ học giữa chừng. Chàng trai 17 tuổi khi ấy thiếu định hướng vào đời. "Tôi không có ý niệm muốn làm gì trong tương lai và cũng không hiểu trường học sẽ giúp tôi xác định lối đi thế nào. Ở đó, tôi tiêu hết số tiền mà bố mẹ dành dụm cả đời. Vì thế tôi quyết định nghỉ học với niềm tin rằng rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi", Jobs nói trong bài phát biểu tại Đại học Stanford năm 2005.
Bài học ở đây không phải khuyến khích thanh thiếu niên nghỉ học mà là họ cần biết họ muốn gì, đam mê điều gì và theo đuổi niềm đam mê đó như thế nào. Tuy quyết định bỏ học, Jobs vẫn đăng ký tham gia một khóa học viết chữ đẹp, nhờ vậy ông mới có thể kết nối những kinh nghiệm đó vào các sản phẩm sau này. "Một phần khiến Macintosh tuyệt vời là những người làm ra nó từng là nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà động vật học và cả nhà sử học nhưng giờ lại trở thành những chuyên gia máy tính hàng đầu thế giới", Jobs lý giải về thành công của Mac. Một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cũng chỉ ra rằng sự sáng tạo, mới mẻ không tự nhiên sinh ra mà đòi hỏi khả năng huy động, móc nối một cách vô hình nhiều kinh nghiệm trước đó.
Nếu Bill Gates là một thiên tài kinh doanh đi làm phần mềm thì Steve Jobs là một nghệ sĩ đi làm máy tính. Ông có thiên hướng hippy nổi loạn nhưng luôn kiên định trên con đường thay đổi thế giới. Năm 1983, ông lôi kéo John Sculley, khi đó là giám đốc điều hành hãng Pepsi, về đầu quân cho Apple bằng câu hỏi nổi tiếng: "Anh muốn cả đời đi bán thứ nước ngọt có gas ấy hay muốn có cơ hội để thay đổi thế giới?". Thế nhưng một năm sau, chính Sculley đã khiến Jobs bị Apple sa thải vì bất đồng quan điểm trước khi hãng này mời ông trở về vào năm 1997.
![]() |
Jobs và người bạn đồng hành trong những ngày đầu sáng lập Apple. Ảnh: Geek. |
Sau này, bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở Stanford về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát của Steve Jobs đã trở thành một trong những bài diễn văn để đời và đáng nhớ nhất trong lịch sử nhân loại. Những lời tâm sự của ông với các bạn sinh viên ở một trong số những trường đại học uy tín nhất thế giới gói gọn trong ba câu chuyện. Chuyện về việc kết nối các dấu chấm, về tình yêu và sự mất mát, về cái chết.
Với câu chuyện kết nối các dấu chấm, theo ông, chúng ta không thể kết nối các dấu ấn tương lai, bạn chỉ có thể móc nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó - sự can đảm, số phận, cuộc đời, định mệnh hay bất cứ điều gì - cách nghĩ đó đã tạo nên những sự khác biệt trong cuộc đời ông.
Sau 10 năm làm việc miệt mài, Jobs và người bạn đồng hành đã biến một cái garage thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4.000 nhân viên. Ở tuổi 30, Jobs bị sa thải. Tuy nhiên, bước ngoặt tại Apple không thay đổi con người ông. Jobs bị từ chối, nhưng ông vẫn còn yêu. Vì thế người đàn ông này quyết định làm lại từ đầu.
![]() |
Nhưng bài học quan trọng nhất mà Steve Jobs luôn nhắc nhở chính mình là: 'Sống khát khao. Sống dại khờ'. Ảnh: Halloum. |
Sau này ông đã nhận ra hóa ra bị sa thải lại là điều tốt nhất dành cho mình. Sức ép duy trì sự thành công đã được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của người mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ diễn ra. Nó giải phóng Jobs để bước vào giai đoạn sáng tạo nhất cuộc đời.
Bài học thứ ba là về cái chết. Sinh, tử là quy luật của cuộc sống và không ai có thể cưỡng lại vòng quay ấy. Năm 17 tuổi, Jobs nói mình có đọc ở đâu đó rằng: "Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng. Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?. Nếu câu trả lời là Không kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi".
Năm 2004, Jobs biết mình bị ung thư. Bác sĩ bảo ông bệnh này không chữa được và chỉ có thể sống thêm 3 đến 6 tháng nữa. Ông ấy khuyên Jobs về nhà và sắp xếp lại công việc, cố gắng trò chuyện với bọn trẻ những điều định nói với chúng trong 10 năm tới, nhưng giờ phải tâm sự trong vài tháng. Nói cách khác, hãy nói lời tạm biệt. Lúc còn trẻ, Jobs từng đọc một cuốn sách thú vị Earth Catalog (Cẩm nang thế giới). Nội dung sách được soạn bằng máy đánh chữ, bằng kéo và bằng máy ảnh polaroid. Ở bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường trong ánh bình minh, bên dưới là dòng chữ: "Sống khát khao. Sống dại khờ". Và đó cúng chính là bài học quan trọng nhất ông nhắc nhở mình bởi như thế, con người mới có thể đi đến tận cùng của sự đam mê, sáng tạo và thay đổi.
Thiên tài thường đoản mệnh. Steve Jobs qua đời ngày 5/10 sau bảy năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy, bỏ lại nhiều kế hoạch dang dở. Ông hiểu sự khắc nghiệt của thời gian nên đã khuyên các sinh viên tại Đại học Stanford rằng: "Thời gian của bạn không nhiều, đừng lãng phí bằng cách sống cuộc đời của người khác. Đừng nghe lời giáo điều, vì đó là suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm ồn ào lấn át tiếng nói bên trong bạn. Hãy biết bạn muốn gì. Mọi thứ khác chỉ là thứ yếu".
Tùng Dương