Cổ phiếu của Microsoft đã tăng 1,2% tại New York vào hôm 22/6, đủ để gã khổng lồ công nghệ phần mềm này cùng Apple Inc. trở thành hai công ty có vốn hóa thị trường đạt 2.000 tỷ USD. Hồi tháng 12/2019, hãng dầu khí Saudi Aramco đã vượt qua ngưỡng này trong thời gian ngắn, hiện vốn hóa của tập đoàn này khoảng 1,9 nghìn tỷ USD.
Kể từ khi nắm quyền điều hành Microsoft vào năm 2014, CEO Satya Nadella đã định hình lại phương thức kinh doanh, biến Microsoft thành công ty lớn mạnh nhất trong lĩnh vực điện toán đám mây. Cho đến nay, Microsoft cũng là một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ đã tránh được làn sóng giám sát gần đây từ các cơ quan quản lý chống độc quyền của Mỹ, giúp họ tự do hơn trong cả việc mua lại và mở rộng sản phẩm.
Hai nhà đồng sáng lập Microsoft: Paul Allen (trái) và Bill Gates xem một trận đấu bóng rổ ở Seattle, Washington, năm 2004. Ảnh: AP.
Cổ phiếu của Microsoft đã tăng 19% trong năm nay, vượt qua cả Apple và Amazon.com Inc., khi các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ này với kỳ vọng tăng trưởng doanh thu dài hạn, đồng thời mở rộng trong các lĩnh vực như máy học và điện toán đám mây. Kết quả kinh doanh quý III của công ty, được công bố vào cuối tháng 4, đã vượt qua kỳ vọng và cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trên các mảng kinh doanh của Microsoft.
"Microsoft đã nhúng tay vào rất nhiều thứ và đang làm tốt tất cả từ lĩnh vực game, điện toán đám mây, tự động hóa, phân tích, AI. Hiện Microsoft là một cái tên có giá trị hấp dẫn trong giới công nghệ và công ty này sẽ còn được hưởng lợi bởi thống trị trong lĩnh vực điện toán đám mây và phần mềm doanh nghiệp sẽ mở rộng hơn nữa trong thế giới hậu đại dịch", Hilary Frisch, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Clearbridge Investments, nhận định.
Được đồng sáng lập vào năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen, Microsoft tạo ra ngành công nghiệp phần mềm máy tính cá nhân và thống trị thị trường hệ điều hành PC và phần mềm Office trong nhiều năm. Khi các trình duyệt internet như Netscape ngày càng trở nên quan trọng trong những năm 1990, Microsoft đã chạy đua để giới thiệu sản phẩm của riêng mình đi kèm với phần mềm Windows. Điều đó dẫn đến một vụ kiện chống độc quyền gay gắt, được đệ trình vào năm 1998 bởi chính phủ Mỹ, với một thẩm phán liên bang kết luận công ty có tội vào năm 2000.
Dù Microsoft đã tránh được việc ngừng hoạt động kinh doanh, nhưng hình phạt mà chính phủ đưa ra ban đầu trong vụ kiện chống độc quyền trên đã khiến nhà sản xuất phần mềm này bỏ lỡ sự ra đời của phần mềm di động, mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trên internet, tụt lại phía sau các đối thủ mới như Google và Apple.
Với một loạt thay đổi chiến lược, trong 7 năm qua, CEO Nadella đã khôi phục Microsoft trở thành công ty tiên phong về công nghệ với trọng tâm là điện toán đám mây, điện toán di động và trí tuệ nhân tạo.
Trụ sở chính của Microsoft tại thành phố Redmond, bang Washington, Mỹ. Ảnh: FT.
Những động thái chiến lược của CEO Nadella đã giúp Microsoft hưởng lợi từ các xu hướng kinh doanh nảy sinh trong thời kỳ đại dịch toàn cầu. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã thúc đẩy khách hàng tăng tốc độ hiện đại hóa mạng phần mềm, ứng dụng dịch vụ đám mây và game của công ty.
Trong khi Microsoft phải mất 33 năm kể từ khi IPO để đạt được giá trị 1.000 tỷ USD đầu tiên vào năm 2019, thì nghìn tỷ tiếp theo chỉ mất khoảng hai năm trong bối cảnh sự gia tăng phổ biến của các cổ phiếu công nghệ trong thời kỳ đại dịch. Apple đã làm nên lịch sử đạt 2.000 tỷ USD vào năm ngoái.
Những nhà đầu tư cũng phản ứng tích cực về chiến lược M&A của Microsoft. Gần đây Microsoft đã thông báo đang thực hiện thương vụ mua lại công ty tiên phong trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói Nuance Communications Inc.
Trong số các công ty tên tuổi của Mỹ, Amazon, công ty có vốn hóa thị trường gần 1,8 nghìn tỷ USD và Alphabet Inc., được định giá khoảng 1,6 nghìn tỷ USD, được dự đoán sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ 2.000 tỷ trong tương lai.
Sơn Nam (Theo Bloomberg)