Nhưng nếu nói về những thay đổi đáng kể trong thị trường du học có thể nhắc đến hai sự kiện: gia tăng số lượng học sinh du học từ bậc trung học và sự lên đời của du học Thụy Sĩ, trong lúc Canada đang trên đà kém hấp dẫn.
Cuối tháng 6/2004, một nhóm gồm 5 trường trung học được đánh giá là đạt chuẩn chất lượng cao của New Zealand đã có buổi triển lãm giáo dục tại TP HCM. Đó là các trường Birkenhead College, Darfield High School, Edgewater College, Papatoetoe High School, Waiheke High School. Những trường này có đặc điểm chung là lớp học nhỏ: từ 8 đến 15 học sinh; có dịch vụ chăm sóc học sinh quốc tế cao hơn quy định của Bộ Giáo dục nước này. Đại diện các trường làm mê hoặc phụ huynh Việt Nam bằng những cam kết: nhà trường luôn có số điện thoại 24/24 để học sinh liên lạc bất cứ lúc nào cần thiết, luôn đáp ứng các yêu cầu rất nhỏ như thêm, thay đổi món ăn trong khẩu phần. Thậm chí điều quan trọng là ở những trường này đều có nhân viên tư vấn nói được bản ngữ của du học sinh!
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, sự tận tình của New Zealand không phải là quá mới, vì thị trường du học bậc trung học đã được Singapore và Mỹ chăm sóc khá kỹ từ trước đó. Nhiều phụ huynh ở Đà Lạt, Hải Phòng, TP HCM đã cho con sang Singapore ngay từ lớp 10 để có đủ tiếng Anh cho tương lai đến các quốc gia khác học tiếp bậc ĐH. Ngay như các trường ở TP Hồ Chí Minh: THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn... khá nhiều học sinh thường là học xong lớp 10 hoặc 11 đã lên đường sang Mỹ tiếp tục bậc trung học. Có khi bằng con đường du học tự túc hoặc thông qua các dạng học bổng trao đổi văn hóa do các đơn vị như ASPECT, OSD (47 Trương Định, TP HCM)... làm đối tác tuyển chọn.
Nếu phía Singapore hô hào học kỳ hè vừa học vừa chơi để phụ huynh dễ dàng gửi con sang tìm hiểu, phía Australia cũng có những chương trình tương tự nhằm thu hút du học sinh nhỏ tuổi, nên không lạ khi các trường New Zealand tuyên bố để giúp học sinh Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với cách học ở New Zealand, các trường có chương trình cho học sinh học thử. Phòng Tư vấn giáo dục New Zealand (40/7 Lữ Gia, quận 10, TP HCM) cho biết: Phía trường sẽ tài trợ học phí từ 2-3 tuần để học sinh học tiếng Anh và tham gia các lớp học tại New Zealand, học sinh chịu vé máy bay và ăn ở trong thời gian này, ước tính khoảng 1.500 USD. Ngoài ra, với học sinh Việt Nam, các trường còn dành một số học bổng (hỗ trợ 25% học phí) sau một cuộc phỏng vấn.
Vài năm trở lại đây, Thụy Sĩ trở thành hiện tượng nhờ sức hút của các ngành thuộc thế mạnh của mình là quản lý du lịch và khách sạn. Dù học phí rất cao, nhưng bù lại uy tín và cho phép du học sinh làm việc ngay tại quốc gia này với mức lương khá cao nên thu hút sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Tuyệt đại đa số sinh viên đang học tập tại Thụy Sĩ đều hài lòng với những điều kiện học tập mà trường học cung cấp với chương trình học phong phú, linh hoạt, cơ sở vật chất hiện đại, môi trường giao lưu văn hóa đa dạng, chế độ chăm sóc sinh viên ân cần, chu đáo. Chưa kể nguyên nhân làm gia tăng nhanh số học sinh chính là tốc độ xây dựng nhà hàng - khách sạn cũng gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các dịch vụ du lịch và các hoạt động liên quan nên tại Việt Nam, nhu cầu về một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực này còn rất thiếu. Phổ biến nhất là Trường HTMi, một trong những địa chỉ đào tạo chuyên ngành quản lý khách sạn du lịch bậc nhất của Thụy Sĩ mà Công ty Á - Âu (52 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận) làm đại diện tuyển sinh.
Mặt khác, cuộc lên ngôi của Thụy Sĩ một phần nhờ vào hệ thống các trường ĐH, học viện về du lịch nước họ đã thống nhất và liên kết chặt chẽ với nhau từ trong nước trước khi vào thị trường Việt Nam. Thậm chí nhiều công ty dịch vụ du học đã tự liên kết làm hội chợ du học Thụy Sĩ để thu hút học sinh hơn là giới thiệu riêng rẽ. Sáng 30/7 tới, lần đầu tiên một hội chợ du học Thụy Sĩ sẽ được tổ chức ngay tại điểm tụ họp phổ biến của giới trẻ là Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM mà theo lời của ban tổ chức là sẽ giới thiệu cơ hội chuyển tiếp từ nước này sang Mỹ và Australia.
Nhắc đến nguyên nhân của hiện tượng Thụy Sĩ còn nhờ vào chính sách visa tương đối thuận lợi, không yêu cầu phải chứng minh thu nhập hằng tháng của gia đình. Ngược lại, một hiện tượng trái ngược là Canada, thời gian gần đây xin visa du học càng lúc càng khó khăn. Tỷ lệ đậu visa thấp đến nỗi nhiều công ty chuyên làm dịch vụ du học Canada từ 6 tháng trở lại đây phải chuyển hướng sang làm thêm các thị trường khác, theo lời của một giám đốc là: "Nếu không chúng tôi chỉ có nước dẹp tiệm!". Được biết, nhiều trường ở Canada đã có phản ứng với chính phủ của mình về thực trạng này, mà theo nhiều nguồn tin là nếu trước kia tỷ lệ thành công visa của du học sinh lên đến 80% thì nay còn khoảng 20%, trong khi Tổ chức Giáo dục Canada ra sức bỏ công bỏ của quảng bá du học sinh đến nước này.