Ông Tôn cúi đầu nghe tòa tuyên. |
Sáng nay, thứ 7, có khoảng hơn 1.000 người tập trung về sân TAND Thái Bình và dọc 2 bên đường Hai Bà Trưng, thành phố Thái Bình để nghe tuyên án. Vì đây là ngày nghỉ cuối tuần nên lượng người kéo đến tòa đông hơn hơn so với ngày thường. Trong số này có rất nhiều người từng học và biết đến ông Tôn.
Được nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, ông Tôn đã tỏ ra hối hận, xin lỗi nhân dân Thái Bình và cử tri cả nước. Bị cáo Tôn cũng mong tòa xem xét, khoan hồng vì đã có nhiều công trạng, thành tích cho ngành giáo dục Thái Bình.
Còn bị cáo Ánh cũng không còn quanh co, đổ tội cho thày Tôn nữa mà thừa nhận hành vi lừa đảo của mình và mong tòa khoan hồng để có cơ hội sửa mình và trở về với xã hội.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, trong thời gian từ 12/2005 đến 6/2006, ông Tôn với quyền hạn giám đốc Sở Giáo dục đào tạo đã tạo điều kiện cho Ánh thực hiện dự án ma, lừa mua của 5 công ty tổng cộng 435 máy vi tính để bàn, 34 máy tính xách tay, 28 máy chiếu đa năng... với số tiền hơn 4 tỷ đồng. Trong số này có 2 doanh nghiệp ở Thái Bình (Công ty TNHH điện tử Ánh Chinh, Công ty TNHH Kiên Cường) và 3 công ty ở Hà Nội (Công ty ASP, Công ty STC, Công ty ISA).
Ông Tôn chỉ đạo các trường phải chi 20% tổng trị giá số máy để chi phí cho dự án. Theo cơ quan điều tra, ông Tôn đã nhận hơn 150 triệu đồng của 15 đơn vị, trường học, cá nhân. Ngoài ra, ông còn nhận của Ánh số tài sản trị giá trên 60 triệu đồng. Tuy nhiên, tại toà, ông Tôn chỉ khai nhận nhận của 15 đơn vị trên số tiền 78 triệu đồng và 5 đồ vật của Ánh trị giá hơn 23 triệu (đã trả tiền cho Ánh).
Sở dĩ các đơn vị, trường học, cá nhân và 5 công ty bán máy tính dễ dàng bị Ánh lừa với số tiền lên tới hơn 4,6 tỷ đồng (hơn 4 tỷ tiền mua máy, hơn 600 triệu tiền lừa đảo chiếm đoạt) là do ông Tôn giới thiệu Ánh với các cơ quan này. Ông còn bút phê vào thư tay của Ánh, chỉ đạo cho cấp dưới tạo điều kiện cho Ánh dễ dàng hơn trong việc thực hiện hành vi lừa đảo. Hành vi của ông Tôn tuy không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng khi làm mất niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội và ngành giáo dục.
Trần Thị Ánh bị dẫn giải về trại. |
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử tại toà, bị cáo Tôn đã thành khẩn khai báo. Những lời khai của ông Tôn tương đối phù hợp với tài liệu của cơ quan điều tra và lời khai của những người bị hại, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, căn cứ vào nhân thân tốt cùng những thành tích của ông Tôn trong quá trình công tác, hội đồng xét xử. Tuy nhiên, vì đây là vụ án trọng điểm, gây xôn xao dư luận Thái Bình, cần phải xử lý nghiêm, nên hội đồng xét xử đã tuyên phạt Mạc Kim Tôn mức án 8 năm, cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát vào ngày hôm qua.
Riêng bị cáo Ánh “dựa bóng” ông Tôn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị bán thiết bị tin học và 46 đơn vị, trường học, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Bình, hưởng lợi hơn 460 triệu đồng. Tại toà, Ánh chỉ khai nhận chiếm đoạt của 31 đơn vị với hơn 300 triệu đồng. Trước tòa, Ánh khai báo không trung thực, quanh co. Xét thấy hành vi của bị cáo Ánh là gây hậu quả nghiêm trọng, nên hội đồng xét xử tuyên phạt Ánh 15 năm tù.
Ngoài ra, ông Tôn và Ánh còn phải liên đới bồi thường tiền máy tính cho Công ty Kiên Cường 422 triệu đồng, cá nhân Ánh phải bồi thường cho Công ty ISA 17 triệu, ông Tôn bồi thường số tiền chiếm hưởng của các trường học.
Khánh Ngọc