Trước Tết cả tuần, mẹ chồng liên tục đánh tiếng qua chồng cô rằng hai đứa phải về sớm sắm Tết cho gia đình, sắm lễ để biếu họ hàng nội ngoại nhà chồng, vì Ngà là dâu mới.
Nhưng công việc cuối năm bận rộn, sao có thể dứt ra được. Ngà đành gửi tiền về, nịnh ngọt để bà mua sẵn hơn chục phần quà Tết để vợ chồng cô đem đến nhà họ hàng cho đủ thủ tục. Nhưng đâu phải thế đã xong, mẹ chồng Ngà liên hồi gọi lên cho con dâu, lúc bàn bạc mua cái này, lúc bổ sung món kia, khiến những ngày làm việc của cô vô cùng bận rộn. Cứ buông điện thoại của khách hàng là vài phút sau mẹ chồng cô đã réo rắt gọi. Ngà cứ phải lén lút thì thầm, khiến nhiều đồng nghiệp tỏ ý khó chịu.
Rồi ai đó nói đến tai sếp và Ngà bị bắt quả tang buôn chuyện với mẹ chồng quá nhiều trong giờ làm việc. Vốn là người ghét nhân viên làm chuyện riêng trong 8 giờ vàng ngọc, sếp tuyên bố trừ một phần ba tiền thưởng Tết của Ngà. Số tiền thưởng ít ỏi của hai vợ chồng bắt đầu được Ngà lên kế hoạch chi tiêu sát sao, nào là tiền quà biếu sếp to, sếp nhỏ của cả hai vợ chồng, nào là tiền sắm bánh trái, hoa quả, tiền biếu cho bố mẹ bên nội, bên ngoại, tiền lì xì đầu năm... trăm thứ lo, khiến Ngà phát ốm.
Chen chúc trên "chuyến xe bão táp" về quê chồng, hai chân Ngà tê cứng. Cả người mỏi nhừ, đến nhà vừa kịp chào hỏi một lượt thì mẹ chồng gọi xuống bếp làm cơm tất niên. Ngà nhắm mắt, nhắm mũi cắt tiết gà, cái việc mà chưa bao giờ Ngà phải làm. Nhưng chỉ vì một cái liếc mắt, một câu "nhờ vả" nhẹ nhàng của mẹ chồng "con cắt tiết giúp mẹ con gà", Ngà đành cum cúp vâng lời. Sau một hồi hì hục với cái cổ gà bị cắt choe choét, buông tay ra, con gà vẫn lạch bạch nghiêng cổ chạy khắp sân. Trong khi Ngà run người vì sợ, thì cả nhà chồng sắp thành hàng đứng trên hiên cười nghiêng ngả. Vừa xấu hổ, vừa ức, cứ thế Ngà tu tu lên khóc...
Khi ấm nước trên bếp sôi, một tay Ngà nhắc ấm nước rót vào phích, tay kia Ngà nhanh nhảu bắc cái chảo lên bếp, xong phích nước Ngà quay sang định thực hiện món xào thì ôi thôi, cái đáy chảo đỏ rực, nhấc cán lên, đáy chảo rơi xuống bếp than. Hoảng quá, Ngà kêu toáng lên, mẹ chồng và chồng chạy vội xuống, lần này cũng chẳng ý tứ gì, mọi người lại phá lên cười. Thì ra, bếp than ở quê dùng than kíp-lê với quạt khò, nhiệt cao gấp hàng chục lần bếp than tổ ong, nếu không tắt quạt, để chảo hoặc nồi không trên bếp chỉ 3 phút là rụng đáy...
Đề tài cắt tiết xong gà vẫn chạy và làm rụng đáy nồi ngày Tết của Ngà chẳng hiểu sao được lan truyền nhanh chóng trong họ hàng nhà chồng. Mọi người lấy đó làm câu chuyện vui, khiến Ngà xấu hổ không biết chui vào đâu.
Lại nữa, đêm 30 Tết, Ngà mệt phờ, ngủ quên đến Giao thừa cũng không tỉnh, chồng phải lay dậy để đón Giao thừa cùng mọi người. Nhìn mâm cơm cỗ có gà, có xôi, có bánh mà Ngà chả có hứng thú gì đụng đũa vì hai mắt cô cứ sụp xuống vì buồn ngủ...
5h sáng ngày mồng 1, mẹ chồng đã khua xoong nồi loảng xoảng, Ngà bị kéo dậy, mắt nhắm, mắt mở lao xuống bếp, lại hành trình gà qué và nấu cỗ. Rồi ăn, rồi đi chúc Tết, rồi lì xì, đến đâu cũng phải đon đả chào hỏi từ cổng chào vào...
3 ngày Tết liên tiếp lặp lại với cỗ bàn, với lễ lạt, xong xuôi lại quay ra tiếp khách nhà chồng đến chúc Tết, mừng dâu mới. Ngà cứ chạy ra, chạy vào, hai chân lúc nào cũng chỉ chực khuỵu xuống vì mệt...
Sáng mồng 5 Tết, vợ chồng Ngà mới được thả về nhà ngoại. Trên xe Ngà ngủ lăn lóc, đến nhà mẹ đẻ Ngà chào bố mẹ, rút ra mấy phong bao lì xì mừng tuổi bố mẹ, anh chị em, rồi chân trước chân sau cô chui tọt vào buồng, nằm thẳng cẳng, đánh một giấc đến chiều, chẳng màng đến cơm nước...
Không biết những nàng dâu mới khác, có phải chịu những ấm ức, hay rơi vào những pha dở khóc, dở cười như Ngà hay không? Nhiều người lớn đã kinh qua việc làm dâu đều nói "làm dâu quê không dễ, tuy nhiên chỉ cần chú ý làm sẽ làm tốt" nhưng có lẽ những câu dâu như Ngà vẫn không thấy yên lòng.
Theo Eva