Hàng quà, nước mọc lên như nấm ở các điểm thi. |
Một chị bán nước ở điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM, đã rất "thức thời" chuyển quán ăn di động đến trước các địa điểm thi. "Sáng hủ tiếu, chiều đồ uống, mỗi ngày cũng lãi được khoảng 100.000 đồng, gấp mấy lần ngày thường", chị hào hứng kể.
Theo quan sát của VnExpress, so với thường nhật, giá cả các mặt hàng bán xung quanh điểm thi đắt hơn 500-1.000 đồng. Ví dụ hủ tiếu là 5.000 đồng/tô, nước ngọt 3.500-4.000 đồng/chai. Chỉ với cái bàn và hơn chục ghế nhựa nhỏ, nguồn hàng thì linh động từ mấy tiệm tạp hoá ở các phố lân cận, mấy chị bán hàng quanh điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai khẳng định sẽ "trực chiến" đến hết kỳ thi.
Giới bán báo rong thường đảo qua các điểm thi vào lúc 9h sáng và 14h chiều, khi thí sinh đã vào phòng thi còn phụ huynh ngồi chờ. Chẳng có việc gì làm, lại muốn xua đi cảm giác nóng ruột vì con đang làm bài thi, nhiều ông bố, bà mẹ sẵn sàng mua báo. Loại báo được mua nhiều nhất là Thể thao, Bóng đá, Tin nhanh Euro vì đăng tải những tin nóng hổi nhất về Euro. "Ngồi 2-3 tiếng đọc tạm tờ báo cho nhanh hết thời gian" - ông Tám, quê Cà Mau đưa con lên thi ĐH Khoa học tự nhiên - nói.
Nhưng vào cuộc sôi nổi nhất vẫn là các trung tâm luyện thi, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Tại mỗi điểm thi, ít nhất có 3-4 người, thậm chí 10 người đến tiếp thị các cua học, các điểm giới thiệu việc làm. Số này, phần lớn là sinh viên, cử nhân mới tốt nghiệp, nghỉ hè làm thêm. Gặp phụ huynh nào là họ đưa ra một tờ quảng cáo miễn phí về trung tâm. Thậm chí ở một số điểm như trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, ĐH Kiến Trúc..., họ đứng một hàng dài như đội bảo vệ ở cổng. Thí sinh vừa bước ra, họ dúi liền một loạt tờ rơi.
Thí sinh bị bao vây bởi các nhân viên phát tờ rơi. |
Trung tâm luyện thi ĐH Trường Sơn, Vĩnh Viễn, còn gây ấn tượng bằng cách: sáng thi xong môn Toán, buổi chiều, tại mặt sau các tờ quảng cáo đã in ngay bản photocopy lời giải bài thi. "Mỗi tờ giải một cách, không biết tờ nào đúng, tờ nào sai, nhưng nhiều người cũng mang về xem lại. Thế là bước đầu trung tâm quảng cáo có hiệu quả rồi" - một phụ huynh có con thi vào ĐH Giao thông vận tải, nhận xét. Tuy nhiên, có không ít người tỏ ra bất bình: "Con người ta mới thi xong môn thứ 2 đã chào mời luyện thi, khác gì trù cho rớt".
Tại Hà Nội, quanh các điểm thi cũng rất đông quán nước, người bán báo rong và nhân viên tiếp thị học tiếng Anh, Tin học... Xung quanh ĐH Giao thông vận tải có gần 20 hàng quán, bán chủ yếu là nước chè xanh, nhân trần. Giá bán 1.000 đồng/cốc. Lý giải sự tăng giá gấp đôi so với ngày thường, một bà bán nước cho biết: "Nóng thế này, đá cây lên đến 3.000 đồng/kg mà cũng không có để mua. Chi phí tăng thì giá cũng phải tăng chứ". Thực ra, với phụ huynh học sinh, chi phí tăng lên mấy trăm đồng không thành vấn đề nên chẳng mấy ai kêu ca. Họ vui vẻ mua nước uống, miễn là bà chủ quán không lườm nguýt khi có khách hàng ngồi tránh nắng từ 7h đến 10h sáng.
Trước cổng ĐH Sư phạm Hà Nội sáng qua, nơi có hàng cây rợp bóng mát, cũng mọc lên nhiều hàng quán. Song đây là khu vực tập trung nhiều điểm thi (của ĐH Sư phạm, Giao thông vận tải), cảnh sát trật tự liên tục rà qua rà lại nên chủ yếu là quán nước di động. Chỉ với một thùng đá, một bình nước chè pha sẵn và một khay thuốc lá, họ di chuyển rất nhanh từ nơi này đến nơi khác. Thỉnh thoảng, nghe nói có công an, họ lại thu xếp thật nhanh để chạy.
Cũng ở điểm thi ĐH Sư phạm, nhiều nhân viên tiếp thị của Trung tâm tin học PT (89A-91A Thợ Nhuộm) tận tình đưa đến tay từng phụ huynh tờ thông báo tuyển sinh kỹ thuật viên tin học. Một sinh viên của ĐH Mỏ địa chất còn photocopy bảng công thức Vật lý lớp 12 để bán cho phụ huynh có con thi ĐH. 500 đồng 2 tờ giấy photo hai mặt, cộng với tâm lý phụ huynh "cứ mua, biết đâu con mình chưa có", tính ra sáng qua cậu cũng bỏ túi gần 20.000 đồng.