Thái độ đối với đồng tiền là một trong những thứ ngôn ngữ cho biết ta là ai?! |
Đinh Lê Ngọc Hà sở hữu làn da trắng nõn, song ít ai ngờ rằng, Hà lại lớn lên trong một gia đình lao động nghèo khó: bố chạy xe ôm, mẹ bán hàng khô ngoài chợ.
Chắt chiu từng đồng nuôi Hà ăn học nhưng nhiều khi chính bậc sinh thành ra nàng cũng phải chạnh lòng trước những câu nói không cần suy nghĩ của cô con gái rượu: “Bố chạy xe ôm làm gì, nhếch nhác mà kiếm được mấy đồng bạc, chẳng bõ bèn gì”.
Ra trường, Hà đến gõ cửa nhiều cơ quan để xin việc. Song khi được phỏng vấn lý do đi làm, Hà lại trả lời không thành thật: “Em đi làm cho vui thôi, không quan tâm đến tiền nong” Chính thái độ cố làm ra vẻ thờ ơ với đồng tiền đã khiến nàng đánh mất thiện cảm với nhà tuyển dụng. Kết quả, 3 năm qua, Hà vẫn ở nhà, “tầm gửi” vào những đồng tiền ít ỏi, cực nhọc của bố mẹ.
Trong một shop thời trang nằm trên đường Nguyễn Quý Đức, gần KTX Mễ Trì - ĐHQG Hà Nội, một chàng sinh viên (chắc mới nhận tiền “trợ cấp” của gia đình) dẫn cô bạn gái đi sắm áo rét.
Sau một hồi ngắm nghía, cô nàng “tia” được một chiếc áo dạ màu sữa rất bắt mắt, nhưng hình như hơi “mắc” nên cô thì thầm với người yêu điều gì đó. Nghe xong, chàng cười to và nói lớn: “Đáng bao nhiêu đâu em, cái chính là em thích!”. Mọi con mắt trong shop đều đổ dồn vào đôi nam nữ. Thấy thế, chàng càng hào hứng, rút ngay tiền thanh toán, rồi họ kiêu hãnh dắt tay nhau về.
Khinh tiền, trong quan niệm của một số người trẻ tuổi, là một thứ trang sức giúp họ đánh bóng bản thân.
Thanh Nga, nữ sinh khoa Văn, ĐH Sư phạm I, có thói quen đi chợ không mặc cả, cò kè, cùng bạn bè đi ăn uống bao giờ cũng xung phong trả tiền. Sự hào phóng hiếm thấy ở sinh viên ấy bắt nguồn từ một nguyên nhân như Nga thổ lộ: “Mình phải tỏ ra xông xênh, coi tiền như lá mít thì trong mắt mọi người mới được đánh giá là sang trọng, giàu có”.
Theo Tiền Phong, trả giá cho cái vỏ sang trọng ấy, không ai biết rằng, Nga vẫn phải ăn mì tôm trừ bữa, không phải vì “nghiện” mì mà chỉ vì mì rẻ. Tuần ba lẫn, mỗi bữa nàng phải đạp xe ngót hai chục cây số để gia sư kiếm tiền trả bà chủ trọ.
Xuân Trường, 24 tuổi, nhân viên bảo vệ của một nhà sách, là chỗ dựa cho một gia đình gồm mẹ già và hai em đang đi học. Rõ ràng, Trường đang làm việc để duy trì cuộc sống cho cả nhà, nhưng hễ có ai đó hỏi về thu nhập, Trường lại chép miệng: “Mấy đồng bạc lương chẳng đủ vài bữa nhậu. Nằm dài ở nhà sợ hư người nên phải đi làm thôi”...
Một vị giáo sư nổi tiếng cùng học trò của mình vào nhà hàng, sau khi “nghiên cứu” kỹ thực đơn, ông gọi món, không quên dặn người phục vụ: “Cháu làm vừa đủ cho hai người ăn thôi nhé!”. Quay sang học trò, ông bảo: “Khi ăn chớ nên để thừa, rất lãng phí. Đồng tiền kiếm được bằng lao động chính đáng quý lắm”. Người học trò nhìn thầy mỉm cười, thấy thầy thật gần gũi mà vẫn không mất đi vẻ lịch lãm vốn có.