Dự kiến hôm nay, VPF có con dấu và chỉ cần tiến hành Đại hội cổ đông vào tuần tới, VPF sẽ chính thức đi vào hoạt động. Như vậy, lộ trình thành lập VPF không có trở ngại nào đáng kể, có chăng chỉ là những vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo về quyền lợi trong nội bộ giữa VFF và các ông bầu. VPF ra đời, báo hiệu một cột mốc mới trong hướng đi mới của bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, VPF đang phải đối mặt với một núi khó khăn phía trước. Đầu tiên, chính là việc “chọn mặt gửi vàng” để kiện toàn bộ máy nhân sự. Theo dự đoán của giới phân tích, ông Lê Hùng Dũng và Nguyễn Đức Kiên gần như chắc chắn sẽ là Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn nhiều khả năng làm Tổng giám đốc, còn 2 vị trí Phó tổng giám đốc có thể thuộc về ông Phạm Phú Hòa và Nguyễn Hữu Bàng. Theo dự kiến nhân sự, có thể ông Phạm Phú Hòa sẽ đảm nhiệm vị trí Trưởng giải V-League, còn ông Nguyễn Hữu Bàng sẽ là Trưởng giải hạng nhất.
Có thông tin, ông Viễn sẽ kiêm luôn cả chiếc ghế Trưởng giải V-League, nhưng nhiều người lại lo ngại ông phải ôm nhiều việc quá. Ông Hòa đang là người có khả năng nhất, lại được các ông bầu kính nể. Trên thực tế, với vai trò một Giám đốc điều hành suốt 10 năm qua ở Đồng Tâm, ông Hòa được xem là người hiểu mọi ngõ ngách của bóng đá Việt Nam, rất hợp với vị trí phải hứng chịu nhiều áp lực nhất trong bộ máy điều hành V-League.
![]() |
Ông Phạm Phú Hòa (phải) có nhiều kinh nghiệm điều hành ở CLB V-League. Ảnh: Thế Ngọc. |
Sau khi thống nhất bộ máy nhân sự qua việc bỏ phiếu tại Đại hội cổ đông, hàng loạt công việc mà VPF sẽ phải làm ngay bởi mùa giải 2012 chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra.
Vấn đề cấp bách thứ hai chính là VPF phải giải quyết ngay được những vấn đề tồn đọng của bóng đá Việt Nam những năm qua. Đó là tạo nên hai sân chơi bóng đá quốc nội có chất lượng, hướng tới sự ổn định, phát triển để làm lực bật cho các đội tuyển quốc gia. VPF đang hướng tới là tạo điều kiện ra sân cho các cầu thủ nội, đặc biệt là các cầu thủ trẻ, cùng với kế hoạch cắt giảm suất ngoại binh trong danh sách đăng ký. Lộ trình cụ thể để áp dụng quy định này là vấn đề cần được VPF cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng dù sao cầu thủ nội trong tương lại sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển, với điều kiện là tất cả CLB đều ý thức được vấn đề mang tính thay đổi tận gốc này, hơn là chạy theo thành tích.
Ngoài ra, VPF cần đẩy mạnh các kế hoạch kinh doanh để thu lời cho VPF và chính các CLB, bán thương hiệu ở các CLB, giải đấu, nâng cao chuyên nghiệp ở các CLB... Theo đó, bản quyền truyền hình V-League sẽ được chuyển giao toàn bộ sang cho VPF từ năm 2012.
Một nguồn thu khác cũng rất lớn, chính là bán thương hiệu từ các CLB. Ở các nước có nền bóng đá phát triển, đây chính là nguồn thu khổng lồ. Tuy nhiên theo ông Viễn, muốn làm tốt được, yêu cầu bắt buộc phải là nâng cao chất lượng giải đấu nhằm thu hút khán giả tới sân. Phải khi nào V-League thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn người xem, khi ấy các khoản thu sẽ tự động đến với VPF.
Còn rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, điều hành, kinh doanh, thậm chí là những mâu thuẫn phát sinh. Thế nhưng, cứ đi rồi sẽ thành đường, không có thành công nào tự nhiên mà đến. Với bóng đá Việt Nam, con đường tới thành công càng gian nan hơn bao giờ hết.
Mai Hương