Tối 30/7, tình trạng người dân ùn ùn kéo đến các siêu thị trên địa bàn Đà Nẵng đã khiến nhiều khu vực xảy ra tình trạng tập trung đông người, nhất là tại các quầy tính tiền vì ai cũng mua nhiều hàng hóa, mất nhiều thời gian thanh toán.
Tại siêu thi Big C trên đường Hùng Vương (quận Thanh Khê), các quầy bán thịt, cá, tôm và rau, củ, hoa quả hết sạch lúc 20h50, mặc dù nhân viên của siêu thị liên tục đưa hàng từ kho lên kệ.
Nhiều người cho biết họ đi mua hàng trước lo ngại thành phố sẽ hạn chế việc đi lại. "Tôi cũng chọn cách tích trữ một số thực phẩm trong tủ lạnh của gia đình để những ngày tới không phải ra đường, hạn chế tiếp xúc", chị Lan, trú quận Thanh Khê, nói.
Trong khi đó, nhiều người chọn cách mua vừa đủ lượng lương thực cần thiết sử dụng trong 2-3 ngày tới. "Rút kinh nghiệm ở ba đợt dịch trước, tôi tin hàng hóa không khan hiếm nên chỉ mua đủ dùng", chị Phạm Vũ Như Phước (30 tuổi, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), nói.
Theo chị, người dân Đà Nẵng không còn bất ngờ với việc phải giãn cách xã hội, nhất là khi thành phố từng là tâm dịch hồi tháng 7/2020. "Tôi không nghĩ lại đông người đi mua hàng đến vậy", chị nói thêm.
Không riêng gì siêu thị Big C, nhiều siêu thị và khu chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố cũng xảy ra tình trạng tương tự. "Tôi đi chợ theo phiếu được phát nhưng mua không đủ thực phẩm như dự tính, đành chờ ba ngày sau đến phiên đi chợ tiếp theo để mua tiếp", anh Sơn, trú đường Hoàng Hoa Thám, nói.
Theo ghi nhận, mặc dù lượng người đi mua sắm đông nhưng không xảy ra tình trạng giành giật, chen lấn. Các siêu thị, chợ đều yêu cầu người dân đeo khẩu trang, sát khuẩn, một số nơi bố trí nhân viên đo thân nhiệt.
Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương khẳng định nguồn hàng cung ứng cho các siêu thị và chợ trên địa bàn thành phố luôn đảm bảo và ổn định, không xảy ra khan hiếm các mặt hàng thiết yếu.
"Dù sắp tới thành phố siết chặt các quy định phòng, chống dịch nhưng các chợ, siêu thị vẫn hoạt động bình thường. Người dân cầm theo giấy đi chợ, 3 ngày/lần, là có thể đi mua lương thực, thực phẩm. Các siêu thị cũng có lực lượng shipper riêng, nên người dân ngại tiếp xúc có thể đặt hàng", bà Phương nói.
Cũng theo bà Phương, nhờ việc các tài xế được cấp mã QR để vận chuyển theo "luồng xanh" đến các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nên hàng hóa luôn được cung ứng đến người tiêu dùng. "Do đó người dân không nhất thiết phải tích trữ hàng hóa", bà Phương nói.
Đà Nẵng đang là địa phương có nguy cơ rất cao về dịch. Trong vòng 20 ngày qua, từ ngày 10/7 đến nay, thành phố đã ghi nhận 633 ca mắc Covid-19, nhiều chuỗi lây nhiễm phức tạp khi có trên 150 bệnh nhân liên quan; nhiều ca lây nhiễm cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Trước tình hình này, chiều 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết 08 về tăng cường môt số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 18h ngày 31/7, thành phố sẽ ban hành các biện pháp giãn cách, hạn chế người và phương tiện ra đường khi không cần thiết. Những người vi phạm sẽ bị xử phạt.
Thành phố cũng đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là ở khu phong tỏa, cách ly, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với quyết tâm "không để bất cứ người dân nào thiếu ăn".
Thành Linh