Bún riêu vốn không có nguồn gốc từ Đà Lạt mà được người dân từ nơi khác mang đến. Thế nhưng sau nhiều năm, nó trở thành một trong những món đặc trưng trong ẩm thực của thành phố ngàn hoa mà du khách nhất định phải thử. Bún riêu Đà Lạt nấu từ riêu cua, huyết và xương heo cho nước dùng vị hơi ngọt, ăn kèm với đủ loại rau sống bào mỏng. Thực khách thích ăn chua thì vắt thêm vài lát chanh. Khi ăn, bạn nêm thêm mắm tôm và tương ớt xào kiểu miền Trung là chuẩn. Xương heo mềm, riêu thơm, nước dùng đậm đà.Địa chỉ gợi ý: Loạt quán ở Ấp Ánh Sáng gần chợ Đà Lạt; tiệm bún riêu bà Lan trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Bún bò Đà Lạt cũng mang nét rất rất riêng, là sự kết hợp giữa món bún bò Huế và bún chả cá miền Trung. Lớp váng dầu màu vàng nổi trên tô bún trông hấp dẫn, nhưng ăn không bị ngấy nhờ nước dùng có chút vị chua. Xương bò hầm mềm dễ ăn, kết hợp với chả cá dai sần sật thơm mùi tiêu. Bún sợi nhỏ, ăn kèm hành tây bào mỏng, ngò và không thể thiếu đĩa rau sống gồm xà lách, rau thơm, giá...Địa chỉ gợi ý: Bún bò Thiên Trang, bún bò ở khu Nhà Chung, Ấp Ánh Sáng. Bánh canh không quá phổ biến ở Đà Lạt nhưng chắc chắn sẽ không khiến bạn thất vọng khi nếm thử. Đa phần bánh canh ở đây đều nấu kiểu bánh canh chả cá Phan Rang, sợi bánh bột gạo màu trắng đục, không dai. Nước bánh canh trong veo, vị thanh không dầu mỡ. Khi ăn, bạn chan một chút nước mắm mặn với tỏi, ớt xay kiểu Khánh Hòa, vắt lát chanh. Trái với các món bún thường được bán buổi sáng thì người Đà Lạt ưa ăn bánh canh vào buổi chiều hơn. Do đó các hàng bánh canh thường mở cửa trễ.Địa chỉ gợi ý: Khu nhà Chung, bánh canh Phan Rang đường Trần Hưng Đạo, bánh canh Dốc Đá đường Phù Đổng Thiên Vương. Một trong những món khó có thể bỏ qua khi du lịch phố núi là thịt nướng thơm lừng. Có hàng tá loại thịt rừng, heo, bò, gà... cho bạn lựa chọn. Và đa số các quán nướng tại Đà Lạt chuộng dùng bếp than để nướng thịt sẽ cho ra vị thơm, ngon hơn so với bếp điện. Dù nướng bếp than rất ám khói, nhưng nó là lựa chọn không tồi vào buổi tối tiết trời se lạnh. Bạn vừa nướng, vừa thưởng thức món ăn, lại có thể sưởi ấm.Địa chỉ gợi ý: Quán nướng ngói Cu Đức, quán nướng Chu, quán Khói bbq. Còn nếu có dịp vào các khu du lịch gần Lang Biang hay hồ Tuyền Lâm, bạn đừng quên thưởng thức món cơm lam thịt nướng trứ danh. Cơm nếp nấu trong ống nứa, có mùi thơm nhẹ, dẻo ăn rất ngon. Bạn chỉ việc chấm với muối đậu phộng hoặc muối mè là được. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn cơm cùng các loại thịt heo, gà ta nướng dậy mùi thơm nức mũi, giữa không gian xanh mát của núi rừng.Địa chỉ gợi ý: Quán Khương Duy, Hương Rừng, Kim Gia... Ngoài những món dân dã ra thì Đà Lạt không thiếu những quán nhậu, lẩu nướng theo phong cách mới. Minh Triệu mê món thịt xào với sả, hành tây thấm vị. Sả được cắt nhỏ, một phần thì chiên giòn như sợi rơm, một phần là sả tươi. Thịt thái mỏng, chế biến tương tự như tái lăn nên ăn không bị dai, vừa miệng.Địa chỉ gợi ý: Các quán lẩu nướng theo phong cách Hàn Quốc trên đường Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng. Điều thú vị là dù ở trên cao nguyên, nhưng ốc bươu là một trong những món bạn nhất định phải ăn khi có đến Đà Lạt. Đây là món "đinh" trên bản đồ ẩm thực phố núi, thường được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn ẩm thực trong và ngoài nước. Thịt ốc trộn với thịt nạc heo xay nhuyễn, đem nhồi lại trong vỏ ốc rồi hấp cùng sả non. Khi ăn, bạn ngửi rõ mùi sả quyện với thịt ốc thơm, dai dai, chấm nước mắm gừng pha ớt là "hết sẩy". Các quán bán ốc bươu nhồi thịt thường mở cửa sau giờ ăn trưa đến tối muộn, không chỉ là điểm đến hút khách du lịch mà còn được lòng cả dân địa phương.Địa chỉ gợi ý: Loạt quán nướng trên đường Hai Bà Trưng. Vi YếnẢnh: Minh Triệu