Tự nhận mình "thuộc dạng khủng long" nên từ hồi con gái, Dương Nguyễn, đang sống tại Nhật Bản, đã rất ý thức chuyện ăn uống. Cô thậm chí còn ăn theo chế độ low carb và chăm chỉ vận động. Với cô hồi đó, "bị nhắc nhở về cân nặng là một nỗi xúc phạm". Thế nhưng, trong lần đi khám thai định kỳ gần đây, vợ chồng cô đã bị y tá gọi ra "giáo huấn" 15 phút về "cái tội tăng cân chóng mặt", khiến bà mẹ tương lai chỉ biết "run cầm cập" và đăng đàn "kêu cứu" các chị em chỉ cách giảm cân.
Dương kể, 3 tháng đầu, cô bị "nghén trầy trật, cả ngày chỉ ăn và ôm túi nilon nôn cho đến khi ra mật vàng thì thôi". Hết giai đoạn nghén (khoảng tuần thai thứ 11), chồng của cô vì thương vợ quá nên để cô về Việt Nam 6 tuần nghỉ ngơi trước khi "nhảy ổ". Ở nhà, cô được bà nội, bà ngoại chăm sóc chu đáo, cộng với đồ ăn hợp khẩu vị nên tới lúc sang lại Nhật, Dương tăng luôn 5 kg chỉ trong một thời gian ngắn.
Hiện tại, mang thai ở tuần thứ 25, Dương đã tăng 9 kg, em bé vượt chuẩn gần 100g trong khi bác sĩ giới hạn số cân nặng tối đa cô được tăng suốt cả thai kỳ là 8-10 kg. Hôm đi khám, cô không dám ăn uống gì, "chỉ húp tí vụn mì tôm và nước còn thừa trong bát của chồng, ngậm cái kẹo chocolate cầm hơi" mà nhảy lên cân đã 65,3 kg, chạm mốc cân nặng khi lên bàn đẻ.
Trước đây, Dương không lấn cấn nhiều về chuyện cân nặng khi mang thai bởi những người bạn của cô cũng đều tăng 16-27 kg suốt 9 tháng. Nhưng gần đây, khi biết đến trường hợp của một mẹ bầu phải nhập viện một tuần để giảm cân thì cô bắt đầu phải lên kế hoạch ăn uống nghiêm ngặt. Mỗi ngày, cô ăn 3 bữa chính, 2 bữa phụ theo hướng dẫn trong tháp dinh dưỡng hình tam giác ngược và đi bộ 3 lần một tuần (trung bình 6 km vừa đi vừa nghỉ). Những ngày không đi bộ, cô tập các động tác pilates nhẹ nhàng.
Dương rất "nhạy tinh bột", chỉ ăn chút cơm là có thể tăng cân nhẹ ngay, vì thế, cô thường ăn cơm gạo trắng trộn ngũ cốc (đậu đen, đậu xanh, ngô, mè đen, mè trắng... tất cả 18 loại). Cô cho biết, người Nhật cũng ăn như vậy để kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, bác sĩ còn dặn cô không ăn hoa quả, uống sữa tươi dưới 200 ml/ngày, không cần uống bổ sung vitamin, sữa bầu hay thực phẩm chức năng. Chocolate đen và lọ lạc rang "gối đầu giường" cũng được cô chuyển giao cho chồng.
Bà mẹ trẻ làm mọi cách có thể để không tiếp tục tăng cân ngoài tầm kiểm soát để đảm bảo sức khỏe của hai mẹ con hiện tại và cả sau này. Bản thân cô biết rõ việc sinh thường sẽ tốt cho con và giúp mẹ nhanh hồi phục hơn như thế nào nhưng vượt qua cảm giác "lúc nào cũng thấy đói" thật không dễ dàng.
"Mỗi lần mẹ đói, em bé đạp làm mẹ buồn ghê gớm. Em bé lúc đói đạp dữ dội tới mức không ngủ nổi. Mỗi lần mình nấu ăn, chẳng biết cu cậu có ngửi được mùi hay không nhưng đạp phấn khởi lắm. Mẹ ăn xong thì con cũng nằm im re tận hưởng... Yêu ơi là yêu... nên để con đói thương ghê gớm", bà mẹ trẻ chia sẻ.
Chia sẻ câu chuyện mình, Dương Nguyễn nhận thấy có sự khác biệt khá lớn trong chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong khi ở Việt Nam, mẹ bầu được "tẩm bổ" đủ thứ và em bé nặng ký là cả nhà "vui ra mặt", thì ở Nhật Bản, phụ nữ mang bầu tháng cuối vẫn "người dây, có mỗi cái bụng lồi ra và cứ phăm phăm ẵm bồng con lớn". Thậm chí, ngay cả khi bị nghén tới mức chẳng ăn uống được gì, bác sĩ cũng không chỉ định uống vitamin bổ sung vì với họ, "nếu vẫn uống được nước là ok rồi".