Có những văn phòng chỉ rộng khoảng 20 m2 mà có đến 10-15 bàn máy vi tính san sát nhau. Điều này khiến cho những người làm việc văn phòng đối diện với nhiều nguy cơ sức khoẻ. Thách thức sức khoẻ đầu tiên là môi trường không khí ở văn phòng: Máy hút ẩm không có tác dụng làm sạch không khí mà chỉ làm cho không khí ấm hay mát hơn.
Cải thiện môi trường nơi làm việc cũng là một trong những yếu tố để tăng tuổi thọ. Do đó, các văn phòng nên có máy lọc không khí, rất cần cho những người bị hen và dị ứng. Nhưng loại máy này khá đắt nên không phải cơ quan nào cũng sắm.
Nhiều người muốn đặt nhiều chậu hoa trong văn phòng để hút dioxide (CO2) và các chất gây ô nhiễm khác, nhưng tác dụng của nó cũng chưa rõ ràng.
Máy tạo ozone không làm thuần khiết không khí, không lọc được bụi và những thành phần như phấn hoa gây dị ứng. Do đó, để bầu không khí trong văn phòng bớt ô nhiễm, phải có hệ thống thông khí tốt, máy hút bụi và giảm sử dụng các chất tẩy rửa độc hại.
Sau đây là những vấn đề sức khỏe ở văn phòng:
Dị ứng: Rất dễ xảy ra ở những văn phòng mới xây dựng hay không thông thoáng, hay có hiện tượng ẩm mốc, đặc biệt với những người mẫn cảm. Các biểu hiện là ngứa ngáy, nổi mẩn, mề đay, phù, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, khó thở, viêm kết mạc, đỏ mắt, ngứa mắt... Chất gây dị ứng histamin tự do nếu nằm ở dạ dày sẽ làm dạ dày tiết nhiều axít, dễ gây viêm loét.
Nhiều toà nhà sử dụng chất liệu đa năng có sợi abestos chống ồn, chống cháy, ngăn cách (ốp tường). Việc phơi nhiễm lâu dài với các sợi asbestos có thể gây ung thư phổi, dính phổi, ung thư màng lồng ngực. Hút thuốc làm tăng cơ may mắc các bệnh liên quan đến asbestos (rất may là các văn phòng thường không cho phép hút thuốc trong nhà). Tuy nhiên, chỉ những vật liệu bị hư hỏng, rách mới làm bung ra các sợi abestos.
Bệnh do máy tính: Thường xuyên làm việc với máy vi tính được xem là một yếu tố gây stress tái diễn. Hiện tượng này xảy ra khi một số cơ, dây chằng phải làm việc quá nhiều hay ở trong tư thế không thuận lợi. Để phòng ngừa, nên chú ý đến cách ngồi và các động tác làm việc.
Cần có một ghế ngồi làm việc thoải mái, độ cao thích hợp giúp cho đùi ở tư thế ngang, 2 bàn chân đặt trên sàn nhà và phần sau của gối hơi cao hơn mặt ghế. Lưng ghế cần trở thành điểm tựa của phần thắt lưng. Nên thỉnh thoảng ngả lưng và co chân trong vài giây. Vai thoải mái, cẳng tay và cánh tay tạo thành góc vuông, cổ tay và bàn tay như trên một đường thẳng.
Bấm phím máy tính như chơi piano, chỉ cử động các ngón tay, không dùng khớp cổ tay làm điểm tựa để bấm phím chữ ngoài rìa. Con chuột trên cùng mặt phẳng với bàn phím, dùng cả cánh tay để di chuyển con chuột, không nên chỉ dùng cổ tay.
Sau mỗi giờ làm việc trước máy tính, nên dành 5-10 phút để thở sâu. Đôi lúc ngừng làm việc để mắt được nghỉ ngơi; tránh ánh sáng chói và phản chiếu, giảm ánh nắng chiếu vào màn hình. Tránh bị mỏi mắt do màn hình đặt cao quá tầm mắt. Thỉnh thoảng xoa bóp nhẹ nhàng vùng mắt, má, trán… để giúp máu đến mắt nhiều hơn và các cơ được thư giãn.
Hội chứng đau bao khớp cổ tay (sưng đau, tê bì hay cảm giác nhoi nhói ở cổ tay) hay xảy ra với người phải viết nhiều trên máy vi tính, khớp cổ tay không được nghỉ ngơi nên chất nhờn không kịp tiết ra. Dây thần kinh giữa bị chèn ép và có thể bị teo, ảnh hưởng đến cử động của ngón cái và 3 ngón đầu tiên. Vitamin B6 có thể giúp làm dịu các triệu chứng và dấu hiệu đau bao khớp, nhất là với phụ nữ có thai hay đang dùng viên thuốc uống tránh thai, liều lượng 50-100 mg một ngày trong ít nhất mỗi tháng.
Vẹo cột sống do ngồi vắt chân: Kiểu ngồi này làm cho xương chậu không có tư thế đúng và cột sống bị vẹo. Khi ngồi như vậy, xương bánh chè phải dựa tối đa vào xương đùi. Khi thôi không ngồi vắt chân nữa, phần trước của khớp gối có thể bị đau, nhất là với những người có sụn xương bánh chè đã thoái hoá hoặc bị bệnh hư khớp.
Khi ngồi vắt chân, dây thần kinh toạ cũng bị đè ép, gây ra cảm giác kiến bò ở bàn chân và bụng chân, đôi khi có rối loạn cảm giác. Khi đó, nên đứng dậy và đi lại. Tư thế ngồi này cũng làm máu có xu hướng bị ứ đọng ở chi dưới, hậu quả là nề mắt cá chân, cảm giác nặng nề ở cẳng chân. Ngồi vắt chân cũng làm tăng nguy cơ tạo cục máu ở tĩnh mạch cẳng chân, gây viêm tĩnh mạch, chuột rút.
Hội chứng mỏi mệt mạn tính: Do chưa hiểu rõ về hội chứng này nên có thời kỳ nhiều thầy thuốc đã coi đây như một “bệnh tưởng”. Một người được coi là bị mỏi mệt mạn tính khi tình trạng mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng, khởi phát đột ngột, nghỉ ngơi cũng không đỡ và kèm ít nhất 4 triệu chứng như: suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, đau họng, sưng hạch, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, ngủ không ngon giấc, cảm giác khó chịu và kiệt sức sau khi gắng sức.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này như nhiễm khuẩn, trầm cảm, rối loạn chuyển hoá đường, thiếu máu, thiểu năng tuyến giáp, ung thư và cả làm việc quá sức, nhất là với phụ nữ.
(Theo Tuổi Trẻ)