Thứ ba, 5/11/2019, 00:07 (GMT+7)

'Làng Doraemon' yên bình trong mắt nhiếp ảnh gia Việt

Nhật BảnĐặc trưng của Shirakawago là những ngôi nhà có kiến trúc mái cao và dốc xuống như bàn tay hình búp sen đang cầu nguyện.

Tâm Bùi - nhiếp ảnh gia du lịch - có dịp thăm làng Shirakawago, tỉnh Gifu vào những ngày đầu thu. Trời se lạnh, lá cây bắt đầu chớm vàng. Để đến ngôi làng, anh đáp máy bay từ Sài Gòn tới sân bay Chubu (Nagoya), và mất thêm khoảng 2 tiếng đi xe hơi (hoặc xe buýt) từ trung tâm Nagoya đến làng cổ.

Xe chạy qua 54 quả núi để đến Shirakawago. Anh chia sẻ, sở dĩ đếm được chính xác như vậy là vì từ Nagoya, mỗi hầm được đánh số thập phân từ 1/54 đến 54/54. Người Nhật không xẻ núi làm đường đèo mà họ đào hầm xuyên qua núi. Việc xẻ núi chi phí thấp hơn nhưng ảnh hưởng nhiều đến cây cối mọc trên sườn núi. Đào hầm giúp rút ngắn đoạn đường đi chuyển, an toàn hơn và bảo vệ rừng.

Đến nơi, du khách băng qua cây cầu treo, bề ngang vừa cho 3 làn người qua lại bắt ngang con suối để vào làng. 

Chui ngang một chiếc cổng thần đạo ở cuối cây cầu, du khách như lạc vào một thế giới nơi thời gian ngưng đọng. Ở đây có 114 mái nhà, nhà cổ nhất hơn 400 năm tuổi. Đây cũng là nơi ông Fujiko F. Fujio đã chấp bút những tập truyện tranh Doraemon gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Do đó nó còn được gọi là "làng Doraemon".

Đặc trưng của Shirakawago là những ngôi nhà mang kiến trúc mái cao và dốc xuống như bàn tay hình búp sen đang cầu nguyện. Có người bảo hình tượng này có ý nghĩa cầu nguyện một cuộc sống an ổn cho người dân.

Mái nhà lợp bằng cỏ tranh rất dày để chống lại cái lạnh của mùa đông tuyết phủ. Mùa thu ẩm ướt, rêu phủ xanh từng mảng trên mái.

Bên đường lên đồi là rãnh nước hẹp để nước từ suối chảy xuống thung lũng. Rãnh nước chảy ngang đường làng, người ta ngăn dòng chảy lại thành những đập nhỏ để nuôi cá. Hàng chục con cá rất to, có con đứng yên bất động tận hưởng dòng nước chảy qua đôi vây của mình. Con to nhất cũng cỡ bắp chân một người trưởng thành.

Shiragawa thích hợp cho những ai thích lối sống chậm rãi, thảnh thơi. Du khách có thể ghé vào quán trà bên vệ đường, nhấm nháp tí nước trà ấm, nhìn người qua kẻ lại cũng đủ mang lại cảm giác hạnh phúc.

Bước ra cạnh mấy cây linh sam, hít cho căng buồng phổi thứ không khí tinh khiết ở miền quê xứ sở hoa anh đào. Hãy mua một trái hồng vừa được hái trong vườn nhà, cắn một cái để cảm thấy vị ngọt mát ứa ra trên đầu lưỡi. Trái cây ăn ngay, không cần rửa.

Dân làng sống chủ yếu bằng kinh doanh du lịch, trồng hoa quả và lúa. Họ chỉ trồng một vụ lúa mỗi năm. Mỗi vụ mất 6 tháng mới thu hoạch. Lúc Tâm Bùi tới, lúa đã gặt được khoảng 10 ngày. Sau khi gặt xong, đất được nghỉ ngơi qua hết mùa đông tuyết phủ. Sang xuân họ bắt đầu vụ mới.

Làng được bảo vệ bằng một cánh rừng linh sam cổ thụ bao quanh. Loài cây này giống cây thông, nhựa toả ra mùi thơm nhẹ, hơi chát, cảm giác vô cùng dễ chịu, thư giãn và có tính năng trị liệu tinh thần. Khi đi vào rừng, mùi linh sam toả ra mát dịu, sảng khoái. Để chụp được toàn cảnh từ trên cao và cũng là view đẹp nhất của làng, Tâm Bùi men theo bìa làng, cạnh rừng linh sam, leo lên ngọn đồi phía Bắc.

Muốn ở lại qua đêm tại Shirakawago, bạn phải đặt homestay trước khá lâu, nhất là vào cao điểm mùa thu và mùa đông. Gần Giáng sinh và đầu năm mới là thời điểm đông đúc nhất vì làng sẽ phủ toàn tuyết trắng. Đêm đến, người ta thắp đèn lung linh huyền ảo.

Vi Yến
Ảnh: Tâm Bùi

Đánh giá phiên bản mới