Nhân viên Huawei mô tả công ty đang trong "tình trạng thời chiến" khi Mỹ ra lệnh cấm Huawei mua chip và các thành phần điện tử khác được phát triển hoặc sản xuất dựa trên công nghệ Mỹ. Như vậy, Huawei sẽ không còn nguồn cung cấp chip cho các thiết bị viễn thông 5G, điện thoại thông minh và các mảng kinh doanh khác.
"Công ty đã thúc giục chúng tôi làm quen với tình trạng thời chiến này", một nhân viên trong bộ phận nghiên cứu và phát triển của Huawei cho biết. "Nhưng chúng tôi vẫn lo lắng. Liệu lợi ích của chúng ta có bị hy sinh, sự sa thải cuối cùng có tìm đến tôi không?".
Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ được công bố hôm 17/8 đã đóng lại mọi kẽ hở trong các hạn chế trước đây do Washington áp đặt. Lệnh cấm này là "bản án tử hình" đối với Huawei bởi mọi công ty công nghệ quốc tế, từ Qualcomm đến Samsung, Sony, đều sử dụng phần mềm, bản quyền sở hữu trí tuệ, công cụ thiết kế chíp và nguyên vật liệu của Mỹ.
"Những người cực kỳ quan trọng đã rời đi", một nhân viên phụ trách nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Huawei nói. Một kỹ sư khác cho biết anh không còn phải làm thêm giờ, đó là điều "đáng lo ngại" tại công ty luôn bận rộn như Huawei.
"Nếu tất cả các loại chip, dù là cao cấp, trung cấp hay sơ cấp đều bị cấm thì chúng ta còn có thể tạo ra những sản phẩm nào?", một nhân viên khác của Huawei đặt câu hỏi.
Các nhân viên và nhà phân tích cho biết lệnh cấm có thể chấm dứt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị 5G của Huawei, đồng thời ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác mà hãng đang cố gắng phát triển như như điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo.
Các nhân viên Huawei cho biết giai đoạn này xảy ra nhiều biến động nhân sự giữa các bộ phận. Lần đầu tiên số người bỏ việc, người bị sa thải tăng lên kể từ khi hãng bành trướng hoạt động kinh doanh ra toàn cầu. Huawei đã tập trung trở lại thị trường nội địa, nơi doanh số bán điện thoại thông minh đang bùng nổ và nhu cầu đối với các sản phẩm viễn thông ở mức cao trong bối cảnh Trung Quốc triển khai 5G.
Bộ phận tiếp thị toàn cầu có số lượng nhân sự rời bỏ công ty nhiều nhất, trong đó có các giám đốc điều hành. Công ty kiếm được 65% doanh thu ở nước ngoài trong năm 2013, nhưng năm ngoái con số này chỉ đạt 41%.
"Ngày càng có nhiều nhân viên từ nước ngoài trở về. Trước đây, các nhân viên sẽ xếp hàng để nộp đơn xin việc ở nước ngoài nhưng giờ đây quy trình này đang bị đảo ngược", một nhân viên ở bộ phận nhân sự của Huawei cho biết. Nhân viên này cũng nói thêm nhu cầu tuyển dụng ngày càng ít và người ứng tuyển thì lo lắng về tình trạng căng thẳng quốc tế ngày càng gia tăng.
Năm 2019, doanh thu của Huawei đạt 123 tỷ USD. Công ty này là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Thâm Quyến, nơi được mệnh danh thung lũng Silicon Trung Quốc. Huawei cũng là một đơn vị đầu não nghiên cứu công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, với khoảng một nửa trong số 194.000 nhân viên tham gia nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Nhà thiết kế chip nội bộ của Huawei, HiSilicon cũng đang bị ảnh hưởng sau khi đối tác sản xuất chính của họ - nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC, ngừng nhận đơn đặt hàng. Richard Yu, người đứng đầu bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết động thái của TSMC có thể kết thúc thời đại của chip Kirin - chip tiên tiến nhất và là niềm tự hào của Huawei.
"Rất nhiều người đã rời đi, những người ở vị trí hàng đầu", một nhân viên thuộc công ty con HiSilicon nói.
Không phải tất cả nhân viên Huawei đều lo lắng về các lệnh trừng phạt. Một số nhân viên cho biết đã quen với các thông báo của Washington và hầu như không chú ý đến nữa. Họ cho biết công ty đã chuẩn bị và có các dự án nghiên cứu tự phát triển công nghệ.
Huawei đã cố gắng tồn tại và phát triển trong hai năm qua khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng của Mỹ đối với khách hàng và chuỗi cung ứng của họ. Dù bị Mỹ cho vào danh sách đen, Huawei vẫn vươn lên vị trí số một trong lĩnh vực điện thoại thông minh và mạng viễn thông 5G trên toàn cầu.
"Có một đối thủ mạnh sẽ buộc chúng tôi phải trở nên mạnh mẽ hơn nữa", một nhân viên Huawei nói.
Sơn Nam (Theo Finalcial Times)