Cậu ấm thơ ngây
"Em muốn nhắm mắt để mọi thứ tối đen nhưng khi em làm việc đó thì có những thứ đã hiện ra rõ ràng..." - có lẽ cô ấy, Patricia Franchini, cái cô gái người Mỹ nhỏ nhắn và nhiều hoang mang trong bộ phim của Godard, đã nói một điều có lý. Giờ thì tớ thực sự nhận ra nỗi buồn của mình.
Tớ cái thằng 26 tuổi chưa bao giờ thấy mình khôn lớn như số tuổi, co mình trong tấm chăn bốc mùi, nghe loảng xoảng bên ngoài tiếng hàng xóm chuẩn bị cơm chiều, đang nôn nao buồn lắm. Buồn hơn cả khúc buồn Adagio in G minor của Albinoni ấy chứ. Và tớ quyết định đạp chăn. Bật đèn. Khoác thêm cái áo để đi bộ mà không hề nghi ngại trời chiều đã nhá nhem.
Tớ không hay đi bộ. Tớ chỉ làm việc đó khi cần tập trung cho việc viết kịch bản. Bằng cách đó, tớ nghe rõ tiếng trò chuyện của các nhân vật của mình hơn. Và một trong những lần như thế, tớ thấy mình giống Virginia Woolf vào cái đêm 28/3/1942, bà đã nhét đá đầy vào những túi áo khoác rồi đi bộ tới con sông Ouse gần nhà để trầm mình. Lúc đó, không biết chồng bà đã kịp thức giấc, mở lá thư cuối cùng của vợ. Tớ thì sẽ viết thư tuyệt mệnh cho ai? Hay cho cả nhân loại dù mong muốn phi lí như trong vở Những cái ghế của Ionesco.
"Em cảm thấy chắc chắn rằng em sắp sửa điên trở lại. Em cảm thấy chúng ta sẽ không thể vượt qua những thời khắc khinh khủng đó thêm nữa. Và lần này em không thể hồi phục lại... Em sẽ không tiếp tục phá hỏng đời anh được nữa. Em không tin rằng có thể có hai người nào lại từng hạnh phúc hơn chúng ta".
Cậu thân mến! Giờ thì tớ đang bước đi thật chậm trên vỉa hè, qua nhiều quán ăn, phòng hát karaoke và siêu thị. Nhìn bộ dạng tớ chắc giống một thằng ất ơ hay chán sống lắm. Mặc dù tớ chẳng mảy may muốn cúi xuống nhặt một cục đá nào cho đầy túi. Trên người tớ không chứa đựng gì ngoài một chùm chìa khóa gồm ba chiếc cổng, phòng, xe máy và một cái điện thoại vì nhờ có cậu nó trở thành vô giá. Nhưng vẫn nặng nề vô cùng tận, đó là sự đeo gông của nỗi buồn này.
Thử tưởng tượng nếu túm cổ được nó, tớ sẽ gằn lên: Bố khỉ mày là cái thá gì mà hành hạ tao thế. Biến đi! Biến ngay đi! Nhưng chẳng bao giờ có lời đe dọa hay thần chú nào xua đuổi được chúng. Và dù có nổi đóa kiểu gì thì cuối cùng, tớ vẫn sẽ thấy chán chết nếu không có nó trên đời. Rõ ràng là tớ muốn sống cùng nó, được có nó. Những nỗi buồn có và cả không có nguyên cớ ấy. Những nỗi buồn đến từ tớ hay của riêng cậu ấy.
Cậu ơi! Giờ thì cuộc đi bộ cùng nỗi buồn bị đổi hướng vào một quán trà dưới gốc một cây trứng cá còm cõi cậu ạ. Đọc tin cậu trả lời cho tin nhắn trước đó hai tiếng của tớ, và cứ thế, tớ uống hết cốc trà nóng này đến cốc khác trong khi chúng mình đã nhắn qua lại rất... vui. Vui hơn bất cứ một hài kịch cười ra nước mắt nào.
Vậy tại sao khi muốn đập phá thứ gì không đập phá chính nhau? Không, chả bao giờ là như vậy. Nếu có thể, chúng ta sẽ làm theo cái cách mà cậu chọn. Ôm thật chặt nhau cho sự bình tĩnh trở lại. Và có thể cũng chẳng cần một sự bình tĩnh nào cho hết điên khùng. Tớ không và sẽ không bao giờ tò mò về những nguyên cớ. Có thể một trong những nguyên cớ khiến cậu khùng đến mức im lặng là chính tớ. Nhưng tớ biết cậu buồn thì tớ cũng buồn, cậu điên thì tớ cũng chẳng thể yên ổn nổi. Đêm vì thế mà cứ thành trắng. Không thể ngủ được vì lo cho cậu.
Cậu của tớ!
So sánh rồi mới thấy chúng ta có những cơ hội buồn bã, nổi giận hay khó chịu đùng đùng ngang nhau. Vậy cớ gì tớ lại ngây ra như thế, lại thấy mình bị hắt hủi đến thế, thấy mình giống tội đồ đến thế, thấy mình ủy mị đến thế trước một trạng thái bất ổn và chỉ muốn im lặng của cậu. Phải chăng đó là sự phụ thuộc cảm xúc không cần bất cứ thứ gì làm bằng và không dựa trên bất cứ một loại quyền nào cả. Quyền của cậu. Quyền của tớ.
Cậu của tớ!
Cậu ngốc nghếc của tớ! Cậu còn nhớ trò chơi Xanh hay Đỏ của chúng ta không? Cái trò Ruth hay Karty? Violin hay Harmonica? Angkor wat hay Cu Ba?... ấy. Gần 3h sáng, lúc đó bố tớ đã dậy để xem ngoại hạng Anh. Không muốn bố ầm ĩ vì tớ sẽ cười khanh khách hay đò đưa qua điện thoại, tớ đã tắt đèn, giả bộ ngủ rồi lẳng lặng tuồn ra khỏi nhà.
Chó sủa ầm ĩ vì chúng đánh hơi được bóng tờ lờ mờ di chuyển. Tớ thì sợ đến toát mồ nhưng cuối cũng cùng tìm được một chỗ tử tế để cùng cậu chơi trò này. Dưới vùng sáng của cột đèn đầu ngõ đủ để xem màn trình chiếu những mảng mưa xuân và yên lặng tuyệt đối để đảm bảo là cậu đang nghĩ tớ đã rúc vào chăn.
Giờ thì tớ bật mí trò chơi này. Thực ra cả Angkor Wat và Cu Ba đều là những nơi tớ muốn đến nhất trên thế giới. Và vì thế cậu chọn nơi nào cũng sẽ làm tớ sung sướng. Tương tự như vậy với bất cứ sự lựa chọn nào của cậu Violin hay Harmonica? Ruth hay Karty?... cũng sẽ làm tớ mãn nguyện. Và nhất là câu hỏi cuối, khi tớ đột ngột hỏi Tớ hay cậu? Dù cậu láu cá đến mức trả lời là "Tớ" thì cậu có biết từ "Tớ" ấy đặt trên miệng tớ thì cũng chính là tớ rồi. Còn trong sự tính toán của tớ, tất nhiên tớ thích Cậu như chính tớ thích Tớ vậy.
Đôi khi tớ sống với những gì còn sót lại của cậu. Những câu nói nhắn ngủn và dễ thương. Kiểu như Hà Nội mùa này... Ừ, tớ đồng ý Hà Nội mùa này vắng những cốc sấu ngâm. Chỉ còn những trái sấu mang mã vạch mã số và nhất định không chịu lên men trong các siêu thị. Nhưng cậu ạ, trên đường Phan Đình Phùng hôm rồi tớ phóng xe qua, những cây sấu đã kịp lên lá mới xanh tơ và chỉ độ sang tháng thôi những chùm hoa trắng nhỏ xíu đầu tiên cũng sẽ bung ra, len vào trong gió mùi thơm dìu dịu. Và mình thì cứ bồi hồi chờ đến mùa "những trái sấu chín lăn lăn trên đường, tớ đi về phía cậu. Thiên thần!" có phải không?
Tớ của cậu.
Vài nét về blogger:
Cao 1 mét 72 nặng 50 cân mốt. Soi gương đếm đủ xương sườn. Co mình đầu gối quá tai. Nhấm nháp móng tay để nuôi lớn hình hài ủ đột - Cậu ấm thơ ngây.
Bài đã đăng: Nhân trường hợp của 'Bi, đừng sợ', Trước khi đi ngủ, Trẻ con lắm, trẻ con không chịu nổi, Lá thư cũ gửi cô giáo cũ, Quick, Snow và tôi, Tôi không thể.