Vào mùa thu hoạch, nông dân Nội Mông đi khắp cánh đồng, cắt phần bông hướng dương đã trổ hạt mang về khu vực tập kết. Hoa hướng dương có đường kính khoảng 30-40 cm, hạt bám ở nhụy hoa. Người nông dân dùng hai chiếc búa gỗ gõ mạnh vào bông để hạt rơi ra khỏi phần đế hoa màu vàng. Sau đó, họ mang hạt về các xưởng để rang hoặc chế biến.
Hình ảnh này được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội như Tiktok, Instagram. Phần lớn bình luận bày tỏ sự thích thú và bất ngờ, trong khi số khác lại cho rằng cách thu hoạch hướng dương này mất vệ sinh. Hoa hướng dương được vứt trên đất, lẫn cát bụi. Người nông dân đi ủng hoặc giày và ngồi lên trực tiếp lên hoa. Thực tế, đây là cách làm truyền thống lâu đời của dân địa phương. Các khâu tiếp theo thường là rửa sạch rồi rang nóng. Khi ăn hay chế biến, phần vỏ cũng được tách để đảm bảo vệ sinh.
Hướng dương có nguồn gốc ở Bắc Mỹ nhưng được trồng nhiều tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Phần lớn sản lượng hướng dương của nước này được trồng và sản xuất tại khu tự trị Nội Mông. Hoa hướng dương phải làm khô bởi nếu còn ẩm sẽ không tách được hạt. Do đó, những khu vực khí hậu khô cằn mới thích hợp cho loài cây này. Người nông dân thường phải kiểm tra độ khô của hoa liên tục, khi nào hạt cứng, vỏ có sọc đen trắng đặc trưng, hoặc đen hoàn toàn, tùy vào từng loại hoa, mới thu hoạch được.
Hạt hướng dương có nhiều tác dụng với sức khỏe như cải thiện xương khớp, chống lão hóa làn da, hỗ trợ thần kinh, tim mạch, ngăn ngừa thiếu máu. Loại thực phẩm này thường được dùng để ăn vặt, làm bánh hay nấu một số món.
Đây không phải lần đầu cách thu hoạch nông sản của người Trung Quốc gây tranh cãi. Trước đó, người dân Tân Cương thu hoạch táo đỏ "lẫn đất cát" cũng thu hút sự chú ý.