Chiều 13/5, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người - cho biết có 2 người Việt Nam muốn hiến tặng phổi để ghép cho "bệnh nhân 91" - phi công người Anh mắc Covid-19.
Một người là phụ nữ ngoài 40 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, có gia đình. "Thôi thì cứ để tình thương lan toả tình thương, mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác", người phụ nữ này nhắn kèm đăng ký về Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Người còn lại là một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông. Qua hội chữ thập đỏ, ông tìm được số điện thoại liên hệ với Trung tâm và bày tỏ nguyện vọng của mình.
"Tôi tự hào về nền y tế của Việt Nam, Chính phủ đã rất nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau", cựu chiến binh chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc bày tỏ cảm kích trước tấm lòng của những người muốn hiến phổi, nhưng ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi.
Hiện hai phổi "bệnh nhân 91" đã xơ hoá, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động và đang phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM dù không sốt, mạch và huyết áp ổn định, nhưng tiên lượng xấu.
Trước đó, nhiều chuyên gia đầu ngành của nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam đã hội chẩn liên viện để cân nhắc phương án ghép phổi cho nam bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa đủ điều kiện ghép phổi.
Hơn nữa ghép phổi là một kỹ thuật cực kỳ khó; đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội. Tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận.
Phạm Chiểu