Video ghi lại cảnh giáo sư Ding Yanqing ở ĐH Bắc Kinh than phiền về điểm số kém của con gái đang được chia sẻ rộng khắp trên các mạng xã hội nước này. Ông Ding cho biết con gái là học sinh trường Tiểu học ĐH Bắc Kinh, đứng cuối lớp về thành tích học tập.
"Tôi kèm mỗi ngày nhưng con bé vẫn thấy khó tiếp thu", ông Ding nói trong video xuất hiện hồi tháng trước trên Douyin, nền tảng được xem như TikTok của Trung Quốc.
Ông Ding cảm thấy bối rối khi nhận ra đây là số phận và bất lực vì không thể làm gì. Video hiện thu hút hơn 1,7 triệu lượt thích trên Douyin, trên 460 triệu lượt xem trên Weibo, với 45.000 bình luận bên dưới.
Theo ông Ding, hàng ngày sau khi đón con từ trường, ông đưa tới phòng làm việc để "ép học hoặc làm bài tập về nhà". "Thời gian đó, ngày nào mọi người ở tầng ba trong tòa nhà văn phòng đều có thể nghe thấy tiếng la mắng và tiếng hét từ tôi hoặc con gái", ông Ding kể.
Ông Ding tốt nghiệp ĐH Bắc Kinh, một trong những trường danh tiếng ở Trung Quốc, xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng của QS Global World Rankings, và có bằng tiến sĩ của ĐH Columbia ở New York, Mỹ. Ông từng tự nhận là "một đứa trẻ kỳ diệu" và khẳng định có thể nhớ một cuốn từ điển bằng tiếng Trung năm lên 6 tuổi. Vợ ông cũng là cựu sinh viên ĐH Bắc Kinh.
"Con gái tôi không phải đứa trẻ xuất sắc. Chỉ số IQ của nó thấp hơn nhiều so với bố mẹ. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. Tôi có thể làm gì nếu không chấp nhận điều đó?", ông Ding giãi bày trong video trên Douyin.
Trong một video khác, ông Dinh tâm sự đã chấp nhận việc có một đứa con "tầm thường". "Dù bạn có xuất chúng thế nào, con bạn cũng có thể chỉ là một người bình thường. Nhận thức được điều này sẽ rất hữu ích cho tất cả mọi người", ông Ding chia sẻ.
Vị giáo sư đánh giá 95% con gái ông không thể vào được ĐH Bắc Kinh trong tương lai. Ông Ding quyết định từ bỏ những biện pháp gây sức ép nhằm cải thiện tình hình học tập của con sau khi thấy rằng, mặc dù điểm số có cải thiện nhưng cô bé trở nên lo lắng và trầm cảm.
Ding cho hay tất cả "mỗi đứa trẻ là duy nhất" và bố mẹ không nên áp một chuẩn mực nào đó để đo lường chúng.
"Các phụ huynh nên biết được những khả năng đặc biệt của con mình ở các lĩnh vực khác ngoài việc học. Bố mẹ nên tìm ra con đường phù hợp để phát triển và hỗ trợ chúng đúng cách", giáo sư Ding khuyên.
Quan điểm của ông Ding nhận được nhiều sự ủng hộ của các phụ huynh.
"Tôi vui khi thấy ngay cả giáo sư của ĐH Bắc Kinh cũng đối mặt với những khó khăn tương tự các bố mẹ bình thường", một người khác bày tỏ.
Tuy nhiên, ngoài những ý kiến đồng tình, một số người có quan điểm trái chiều với giáo sư Ding.
"Ông có thể nói vậy nhưng tôi không đồng ý. Yếu tố quan trọng để vào đại học là điểm số và điều kiện tiên quyết để tìm được một công việc ổn định là bằng cấp. Ngay cả khi tìm bạn trai hay bạn gái cũng cần phải xem xét trước nền tảng giáo dục", một người để lại bình luận trên Weibo.
Các bố mẹ Trung Quốc được cho là thường có kỳ vọng cao với con cái, muốn chúng đạt được kết quả học tập xuất sắc. Sức ép từ cha mẹ lên việc học hành của con dẫn tới sự cạnh tranh căng thẳng trong các học sinh. Ông Ding sốc khi biết rằng nhiều học sinh trường Tiểu học ĐH Bắc Kinh, nơi con gái ông theo học, đã biết được hơn 1.000 từ tiếng Anh.
"Cách đây nhiều năm, nhiều người tin rằng với một đứa trẻ 5 tuổi sống ở Mỹ, biết 1.500 từ tiếng Anh là đủ. Nhưng con số đó là chưa đủ để chúng cạnh tranh với bạn bè nếu sống ở quận Hải Điến, thành phố Bắc Kinh. Tôi từng nghĩ chỉ là chuyện đùa nhưng giờ tôi nhận ra đó là sự thật", ông Ding nói.
Quận Hải Điến là khu vực có nhiều đại học nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó có ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa, cũng là nơi tập trung các trường tiểu học và trung học danh giá nhất.
Bình Minh (Theo SCMP)