Trong cuộc phỏng vấn hôm 4/10, người mẹ 36 tuổi, không rõ danh tính, cho hay cô biết mình không có tử cung năm 15 tuổi. Hơn một thập kỷ sau, cô biết đến nghiên cứu cấy tử cung cho phụ nữ do giáo sư Mats Brannstrom, giảng viên sản phụ khoa tại Đại học Gothenburg và Stockholm IVF, dẫn đầu.
"Tôi cảm thấy rất tồi tệ khi bác sĩ nói tôi sẽ không bao giờ có thể mang thai đứa con của mình. Giáo sư Mats cũng nói với vợ chồng tôi rằng không có gì đảm bảo là nghiên cứu sẽ thành công, nhưng dù sao đó cũng là một ý tưởng tuyệt vời", cô nói.
Theo AFP, một phụ nữ 61 tuổi là người quen của gia đình đã hiến tử cung cho người phụ nữ trên. Các bác sĩ ở Đại học Gothenburg tiến hành cấy ghép tử cung hiến tặng cho bệnh nhân. Họ đã phải sử dụng nhiều loại thuốc để chống thải ghép. Một năm sau, bác sĩ quyết định chuyển một trong số những phôi đông lạnh, được thụ tinh trong ống nghiệm từ trứng của người phụ nữ trên và tinh trùng của chồng cô, vào trong tử cung cấy ghép. Sau đó, người mẹ này đã mang thai và sinh con ở tuần thứ 31 của thai kỳ.
Vincent, tên của đứa bé, theo tiếng Thụy Điển nghĩa là "chiến thắng", chào đời bằng phương pháp mổ vào tháng trước với cân nặng 1,78 kg sau khi mẹ em có biểu hiện của chứng tiền sản giật.
"Đây thực sự là một hành trình gian khổ kéo dài suốt nhiều năm, nhưng bù lại chúng tôi đã có một đứa con đáng yêu nhất", bố của bé Vincent cho hay.
Tạp chí y học Lancet miêu tả sự ra đời của Vincent là một bước đột phá trong lĩnh vực y học, đồng thời mang lại hy vọng cho những phụ nữ vô sinh.
"Thiếu tử cung chỉ là một dạng gây ra tình trạng vô sinh ở phụ nữ và từ trước đến nay người ta vẫn xem căn bệnh này là không thể chữa trị", các bác sĩ cho biết.
Hướng Dương