Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Kyodo News, công chúa Akiko - con gái cả của cố hoàng tử Tomohito (em họ thượng hoàng Akihito) - cho biết các hoạt động của mình chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo rằng trẻ em Nhật Bản có cơ hội tiếp xúc với di sản văn hóa truyền thống. Cô thực hiện điều này thông qua Shinyusha - một tổ chức phi lợi nhuận do cô thành lập năm 2012.
Công chúa Akiko nói chuyến du học ở Anh năm 19 tuổi là nguồn cảm hứng cho công việc hiện tại của cô. Khi đó, cô sinh viên Đại học Gakushuin (Tokyo) đã dành một năm học 2001-2002 tại Đại học Oxford. "Tôi là sinh viên Nhật Bản duy nhất trong khóa học của mình, vì vậy tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về Nhật Bản. Trải nghiệm này khiến tôi nhận thức sâu sắc về việc cần trau dồi kiến thức để có thể nói đúng về đất nước mình với những người nước ngoài", công chúa 40 tuổi nói.
Shinyusha của công chúa Akiko đã tổ chức các buổi hội thảo bao gồm so sánh hương vị của trà Nhật Bản đóng chai và pha trong ấm trà, cách nấu nước dùng dashi (nước dùng để chế biến các món ăn truyền thống của Nhật như súp miso) từ tảo bẹ kombu và cá ngừ khô bào sợi.
"Trẻ em là tương lai của Nhật Bản. Tôi muốn bắt đầu bằng cách truyền đạt cho chúng hương vị đậm đà của cơm, súp miso và niềm vui của những điều nhỏ bé như nằm trên chiếu tatami. Sau đó, tôi quyết định bắt đầu các hoạt động để truyền lại văn hóa Nhật Bản đích thực cho trẻ em", công chúa Akiko nói.
Để thực hiện kế hoạch này, công chúa Akiko đã trở lại Đại học Oxford để nghiên cứu các bộ sưu tập nghệ thuật Nhật Bản tại Bảo tàng Anh từ năm 2004 đến năm 2009. Cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong hoàng gia Nhật Bản có bằng tiến sĩ. Đây cũng là thời gian khiến cô nhận ra văn hóa truyền thống sẽ không được bảo tồn trừ khi không chỉ các nhà nghiên cứu mà cả công chúng đều hiểu và chung tay bảo vệ.
Công chúa cho biết rất khó để thu hút sự chú ý của mọi người khi lần đầu ra mắt Shinyusha vào năm 2012, nhưng hiện cô rất vui vì nhiều người quay lại tham gia các hoạt động sau một lần trải nghiệm. Do đại dịch Covid-19, các buổi trò chuyện về chủ đề văn hóa của Shinyusha được tổ chức trực tuyến hai lần một tháng.
Tất cả các hoạt động của Shinyusha - nơi công chúa Akiko làm Chủ tịch - được tài trợ bởi phí thành viên, các khoản quyên góp và phí từ các công ty, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động.
"Khi còn nhỏ, cha đã nói với tôi rằng vai trò của gia đình hoàng gia là kết nối với mọi người và làm những gì mọi người muốn. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn ghi nhớ những lời cha dạy và thực hiện các nghĩa vụ của mình", Akiko nói.
Công chúa Akiko cho biết cô thấy mình cần gánh vác trách nhiệm với tư cách là một thành viên của hoàng gia khi lần đầu tham dự buổi lễ mừng năm mới do nhật hoàng Akihito chủ trì (nay là thượng hoàng Akihito) năm 2011. "Tôi nghe thấy tiếng hò reo rung chuyển mặt đất và nhìn thấy những lá cờ nhỏ phấp phới trong tay người dân. Tôi cảm thấy được sức nặng trong lời nói của bệ hạ khi một số người rơi nước mắt. Khi đó, tôi nhận ra mình phải là một người xứng đáng để đứng ở vị trí như vậy", Akiko nói.
Ngoài việc điều hành Shinyusha, công chúa còn là Chủ tịch của Hội Japan-Turkey Society và là người bảo trợ danh dự của Hội Japan-British Society. Kể từ tháng 4, cô là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, miền tây Nhật Bản.
"Cha tôi luôn nói tài sản lớn nhất của ông ấy là công chúng và tôi cũng vậy. Tôi hy vọng bằng cách tương tác với mọi người thông qua Shinyusha và các hoạt động khác, sẽ nhiều người ủng hộ ý tưởng của tôi hơn", công chúa Akiko nói.
Công chúa thừa nhận việc nắm giữ nhiều chức vụ là một thách thức, tuy vậy cô vẫn quyết tâm thực hiện các dự án mang lại lợi ích cho mọi người. Akiko cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn truyền thống văn hóa của hoàng gia. Cô cho biết đã học được rất nhiều điều độc đáo về gia đình hoàng gia và những kiến thức liên quan khác từ bà ngoại 99 tuổi của mình - công nương Yuriko, thành viên lớn tuổi nhất của hoàng gia Nhật Bản.
Công chúa Akiko là một trong năm nàng công chúa còn độc thân của hoàng gia Nhật Bản. Cô có một em gái còn độc thân - công chúa Yoko (38 tuổi). Theo luật hoàng gia Nhật Bản năm 1947, những công chúa sau khi kết hôn sẽ mất đi tước vị hoàng gia, trở thành dân thường.
Sơn Nam (Theo Kyodo)