Thứ ba, 13/2/2018, 00:03 (GMT+7)

Chợ quê đồng bằng Bắc Bộ họp phiên cuối năm

Rổ rá, chiếu, lạt, lá dong, đũa tăm tre bày bán nhiều tại phiên chợ cuối cùng trong năm tại chợ Nủa (Thạch Thất, Hà Nội).

Chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) tồn tại hàng chục năm, nằm dưới những tán cây xà cừ cổ thụ. Toạ lạc trong một khuôn viên rộng, ngày 27 tháng chạp tết Bính Thân là ngày họp phiên cuối cùng trong năm.

Chợ họp vào các ngày: Mùng 2, 7, 12, 17, 22 và 27 (âm lịch). Chợ Nủa là chợ hiếm hoi còn giữ được nét văn hoá của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Phiên chợ quê có từ rất lâu đời nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Những thứ đồ chỉ có giá vài trăm đồng cho đến cả triệu bạc đều xuất hiện tại đây.

Khu bán cau tập trung đông các bà các chị. Những buồng cau được lái buôn thu gom ở nhiều xã vùng ven để chờ đến ngày họp chợ mang ra bán. Cau tròn, to, đẹp mã có giá tới 10 nghìn đồng một quả.

Bánh kẹo, mứt Tết bày bán đỏ một góc chợ.

Gà trống được bán nhiều nhất trong khu buôn bán gia cầm. Giá gà vào thời điểm này có phần tăng nhẹ so với ngày thường, từ 130.000 đến 180.000 đồng/kg.

Đường phèn, một thứ hàng hóa từ lâu không còn thấy bán trên thị trường, vẫn xuất hiện tại chợ Nủa.

Người dân mua tăm đũa tre chọn lựa bằng cách ngửi mùi.

Chiếu cói xưa kia dần được thay thế bằng chiếu mành, dệt công nghiệp.

Hương thơm từ gian hàng đồ khô, mang, mộc nhĩ, nấm hương, cá chỉ vàng, bánh đa, miến mang không khí Tết đến gần hơn.

Ống giang dùng để chẻ lạt gói bánh chưng nhập từ các tỉnh vùng cao như Lào Cai, Yên Bái chỉ xuất hiện nhiều vào phiên chợ ngày giáp Tết.

Rá, rổ, xảo, dần, sàng, mẹt làm được đan thủ công tại chỗ bày bán la liệt trong khu đồ thủ công.

Tết là thời điểm nhà nhà, người người, từ già đến trẻ có cơ hội sắm quần áo mới, giầy dép mới.

Ngọc Thành

Đánh giá phiên bản mới