Những ngày này, Lê Hoàng Nghi đang miệt mài tập luyện chuyên môn và trau dồi thêm các kiến thức văn hóa, kỹ năng sống. Đây cũng là những việc mà chàng trai sinh năm 2003 vẫn tiếp tục làm sau khi đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Cần Thơ và đầu quân cho Đoàn nghệ thuật cải lương Long An. Theo đoàn từ tháng 2 năm nay, Nghi được giao vai Thiên Tứ - một kép đẹp trong vở Kiếp hoa trong thời loạn. Nghi thích vì được hát xuyên suốt vở diễn và nhất là được thực hiện nhiều pha vũ đạo.

Lê Hoàng Nghi trong tạo hình nhân vật Thiên Tứ tại vở Kiếp hoa trong thời loạn. Ảnh: NVCC
Với Kiếp hoa trong thời loạn, Nghi có nhiều suất diễn trước đông đảo bà con Long An. Vở diễn cũng có doanh thu tại tỉnh Bến Tre, Đồng Nai. Vở cải lương cổ trang, mang tính dã sử, được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại được giới chuyên môn đánh giá là một nỗ lực thu hút khán giả của đoàn. Vở diễn được làm mới gần như hoàn toàn từ kịch bản gốc Nát cánh hoa rơi của tác giả Nam Sơn, trên cơ sở "đo ni đóng giày" để các nghệ sĩ trẻ trong đoàn, trong đó có Nghi có "đất diễn", từ đó phát huy hết sở trường, thế mạnh.
Tham gia vở diễn, Lê Hoàng Nghi có cơ hội đứng chung sân khấu cùng các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Vương Sang, NSƯT Vương Tuấn và nhất là lứa đồng nghiệp trẻ như Thu Mỹ, Trần Minh, Phú Yên. "Các bạn đều là những hạt nhân tiềm năng, có tài năng và cả đam mê, là thế hệ tiếp nối của Đoàn hiện tại", NSND Hồ Ngọc Trinh, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An từng chia sẻ với báo giới.
Để cùng các đồng nghiệp mang đến "luồng gió mới" cho vở diễn, thu hút khán giả ở nhiều lứa tuổi, Nghi cho biết cậu phải tập luyện miệt mài cho vai diễn. Nghi vận dụng tối đa những kiến thức được học ở trường như vũ đạo, hóa trang, diễn xuất, đồng thời không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp. "Tôi phải tập luyện nhiều, từ cách hóa trang đến diễn xuất, vũ đạo, thể hình sao cho phù hợp với nhân vật", Nghi nói.

Lê Hoàng Nghi chụp hình kỷ niệm nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, 30/4/2025. Ảnh: NVCC
Có năng khiếu ca hát từ nhỏ, sở hữu "cách ca đĩnh đạc, nhịp nhàng, giọng mùi ấm và cuốn hút" như lời nhận xét của ban tổ chức "Chuông vàng vọng cổ 2024", nhưng vũ đạo, diễn xuất, hóa trang vẫn là những điều mới mẻ với Lê Hoàng Nghi. Đây cũng từng là những khó khăn lớn nhất của Nghi khi theo đuổi con đường cải lương. Cậu chia sẻ, bản thân hoạt động cải lương đến nay khoảng 4 năm, khi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Cần Thơ là mới chập chững bắt đầu. "Những ngày đầu tiếp cận với cải lương, tôi vẫn chưa hiểu nhiều, lúc đó chỉ nghĩ cải lương là hát vọng cổ thôi. Khi vào học, mới biết cải lương cần hội tụ nhiều yếu tố như thế nào, diễn viên cải lương không chỉ biết hát mà phải biết diễn xuất, khi diễn trên sân khấu thì phải biết những kỹ thuật, kỹ xảo của những bộ môn khác nữa", Nghi nhớ lại. Chàng diễn viên trẻ thừa nhận, nghề này học không bao giờ là đủ hết, mà vẫn cần học từng ngày, từng ngày. "Khó khăn lớn nhất của tôi khi theo đuổi con đường cải lương chính là khi mới bắt đầu, phải làm quen với những vũ đạo, kỹ năng diễn xuất rất mới mẻ với suy nghĩ của tôi", Nghi nói.
Bên cạnh chút khó khăn ban đầu, Nghi thừa nhận, bản thân có nhiều thuận lợi khi theo nghề. Đó là tình yêu cải lương đã có từ tấm bé, với "gen" cải lương thừa hưởng từ cha - người từng theo các đoàn hát biểu diễn trước khi Nghi ra đời. Cải lương đã là một phần cuộc sống của Nghi khi gia đình vẫn thường xuyên nghe vọng cổ. Nghi cũng thích ca hát từ bé. Thời học cấp 1, 2 cậu vẫn hát những bài về thầy cô, trường lớp ở trường. Đến năm lớp 10 (2018), nhân dịp 20/10, Nghi mạnh dạn ca vọng cổ trước sân trường, tặng thầy cô bạn bè. Một thầy giáo đã quay video Nghi hát, đăng lên trang cá nhân. Sau đó, video clip "Học sinh trường PTTH Cây Dương, Tân Hiệp Kiên Giang ca vọng cổ tặng thầy cô" được nhiều trang mạng xã hội chia sẻ lại khiến Nghi cũng như thầy giáo đều bất ngờ. Đây chính là cơ duyên đầu tiên cho Nghi vững tin bước chân vào con đường cải lương, từ đó cậu ca cải lương ở trường nhiều hơn và quyết tâm theo học chuyên ngành sau khi tốt nghiệp trung học.
Có giọng hát, có khả năng về âm nhạc nên Nghi dễ dàng theo học bộ môn cải lương. "Khi hoạt động cải lương, tôi nhận được sự hỗ trợ của mọi người rất nhiều. Thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp trong nghề yêu thương nhau và tôi nhận được những sự hỗ trợ, yêu thương đó. Tôi chỉ biết rằng mình phải cố gắng học hỏi từng ngày", Nghi chia sẻ. Gia đình cậu dù biết theo đuổi sự nghiệp cải lương có thể khó khăn hơn những ngành nghề khác nhưng khi thấy Nghi quyết tâm thì đều hết sức ủng hộ, động viên.

Lê Hoàng Nghi hát trong lễ khai mạc chương trình "Nét đẹp áo bà ba TP Cần Thơ 2024". Ảnh: NVCC
Việc Nghi đăng ký tham gia "Chuông vàng vọng cổ 2024" trong học kỳ tốt nghiệp cũng có sự khích lệ rất lớn từ người thân, thầy cô bạn bè. Qua những chặng của cuộc thi, không ngừng cố gắng và nỗ lực, cậu về đích ở ngôi vị quán quân. "Khi tên tôi được MC xướng lên, ánh nhìn đầu tiên của tôi là hướng về phía gia đình mình, mọi người lúc đó trong cảm xúc vỡ òa, ai cũng khóc, còn tôi thì ráng kìm. Cảm xúc của tôi đến bây giờ, sau 8 tháng, vẫn còn xúc động", Nghi chia sẻ.
Khi còn học ở Cần Thơ, Nghi cũng từng tham gia các hoạt động đờn ca tài tử của trong phạm vi tỉnh, cũng giành được những giải thưởng khích lệ của quận, huyện, thành phố. Lần đầu tiên Nghi tham gia một chương trình có nhiều thí sinh từ các địa phương dự thi là Chương trình Tiếng hát phát thanh của huyện Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) mở rộng năm 2023 và giành giải nhì.
Đăc biệt giải nhất cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ 2024" đã đưa hành trình cải lương của Nghi bước sang một trang mới, giúp tên tuổi của Nghi được mọi người biết đến nhiều hơn. Đây cũng là cơ duyên để Đoàn nghệ thuật cải lương Long An đón nhận Nghi, từ đó, chàng trai trẻ có thể làm nghề nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.

Vai diễn của Lê Hoàng Nghi trong vở Văn võ kỳ duyên của sân khấu Chí Linh-Vân Hà. Ảnh: NVCC
Trước những thắc mắc tại sao giới trẻ ngày nay không thích cải lương lắm, mà Nghi vẫn quyết tâm theo bộ môn nghệ thuật truyền thống này, Nghi cho biết, cậu cũng trăn trở khi chứng kiến những bạn đồng trang lứa không thích, không nghe cải lương nhiều. "Tuy nhiên, tôi là một người con miền Tây, được lớn lên với những câu vọng cổ, lớn lên cùng cải lương thì tôi cảm thấy mình yêu cải lương là đúng rồi", Nghi chia sẻ. Cậu bổ sung, cải lương vốn là hơi thở, là tiếng lòng của người miền Tây đi mở cõi, rất mộc mạc, chân phương, gắn bó với đời sống hàng ngày thì "tại sao những người con của miền Tây lại không thích nó?". Theo chàng trai Gen Z, giới trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn để tiếp cận và giải trí trong cuộc sống bình thường. "Tôi cũng mong những người bạn của mình thử tiếp cận với cải lương, thử tìm hiểu và chắc chắn họ sẽ thấy cải lương rất đáng để yêu thích", Nghi nói.
Cậu cũng mong muốn, một ngày nào đó được chứng kiến sân khấu cải lương quay trở lại thời hoàng kim mà nó đã từng có. "Là một người làm nghệ thuật, tôi muốn cải lương sẽ mãi giữ được vị trí của mình, là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng", Nghi chia sẻ.
Video: Tân cổ Anh ơi sao trời làm gió Nghi song ca cùng Như Ý, quay đầu năm 2024.
Kim Anh