1. Đáp lại bằng sự đón nhận
Nếu ai đó khen bạn và bạn không biết phải đáp lại thế nào, ít nhất hãy đón nhận, cảm ơn họ. Lúc này bạn có thể nói: "Cảm ơn vì lời khen".
2. Đáp lại bằng sự khiêm tốn
Khi người khác khen ngợi bạn, bạn có thể chọn những từ ngữ khiêm tốn để đáp lại họ. Ví dụ, khi lãnh đạo hoặc người lớn tuổi khen bạn, bạn có thể nói: "Cảm ơn sự ghi nhận của anh. Nếu không có sự hướng dẫn của anh, tôi cũng chẳng làm tốt công việc đó. Tôi sẽ học hỏi thêm từ anh trong tương lai".
Nếu đồng nghiệp khen ngợi bạn, bạn có thể nói đó hoàn toàn là công lao của mọi người. Hoặc nói: "Cảm ơn bạn, lần này tôi đã gặp may mắn hơn lần trước".
3. Đáp lại bằng một lời khen
Nếu có tài ăn nói, bạn cũng có thể thử đưa ra vài lời có cánh vừa phải với người khen bạn. Ví dụ, nếu ai đó khen bộ quần áo của bạn đẹp, bạn có thể nói: "Chiếc áo sơ mi bạn mặc hôm nay cũng rất đẹp, tôi rất thích nó".
Hoặc khi người khác khen ngợi bạn, bạn có thể trực tiếp cảm ơn, sau đó khen người đó nói chuyện hay. Bạn có thể tiếp tục câu chuyện bằng đoạn hội thoại: "Tài ăn nói của bạn không phải dạng vừa đâu. Bạn đã phát triển khả năng ăn nói của mình như thế nào? Tôi muốn học hỏi thêm từ bạn". Mẫu câu đa mục đích này rất linh hoạt.
4. Đáp lại bằng sự trêu chọc
Ví dụ, nếu ai đó khen bạn xinh đẹp, bạn có thể nói rằng: "Tôi rất vui khi được nghe lời này. Như thế, tôi sẽ không xấu hổ khi đứng bên cạnh bạn". Hoặc "Tôi rất thích nghe lời nịnh này", "Sao bạn có thể cướp lời thoại của tôi? Tôi cảm thấy rất vui khi được một người phụ nữ xinh đẹp khen ngợi".
5. Trả lời bằng cách thay đổi chủ đề
Nếu ai đó khen ngợi tài năng của bạn nhưng bạn biết mình chưa giỏi đến thế, bạn không cần tập trung vào chủ đề đó mà hãy bày tỏ suy nghĩ một cách khéo léo. Hãy tìm chủ đề khác để nói.
Ví dụ, nếu đồng nghiệp khen bạn mặc bộ quần áo đẹp, bạn có thể nói: "Cảm ơn vì lời khen, bạn có thích nó không? Chiếc váy này tôi mua ở cửa hàng A, nếu bạn thích, cuối tuần tôi sẽ đưa bạn đến đó mua được không?". Bằng cách này, chủ đề đã được thay đổi rất khéo léo.
Hằng Trần (Theo Zhihu)