![]() |
Bồn rửa bẩn vì không được lau chùi (Ảnh chụp tại nhà vệ sinh Trường THCS Trương Công Định, quận Bình Thạnh, TP HCM). |
Trong nhà vệ sinh nữ chỉ có 3 phòng vệ sinh, ngoài ra, có 3 chỗ ngồi xổm để tiểu tiện nhưng cửa chính thì lại hư chốt cài.
Nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhà vệ sinh bẩn xảy ra ở một số trường học. Khảo sát tiếp ở một số trường, chúng tôi nhận thấy nhà vệ sinh trường học vẫn trong tình trạng báo động.
Trong khi ngành giáo dục TP đang tính đến chuyện bình chọn trường “sao” thì vấn đề đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của học sinh là nhà vệ sinh trong trường học lại chưa được các trường quan tâm đúng mức.
Chiều 15/10, có mặt tại khu vực nhà vệ sinh của Trường THCS Trương Công Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), PV nhận thấy 2 nhà vệ sinh nam và nữ còn khá mới nhưng lại bẩn và rất khai.
Trong nhà vệ sinh nữ chỉ có 3 phòng vệ sinh và trước các phòng này còn có 3 chỗ ngồi xổm để tiểu tiện nhưng cửa chính thì lại hư chốt cài. Trong 3 phòng vệ sinh nữ, có đến 2 phòng quá bẩn với bồn cầu đầy phân. Khi bước vào nhà vệ sinh này, chúng tôi bắt gặp một em học sinh đang tiểu tiện bên ngoài các phòng vệ sinh trong khi các phòng đều trống, em cười thẹn thanh minh: “Trong phòng dơ quá!”.
Một học sinh khác cũng cho biết: “Ở đây bẩn và khai quá, em không muốn vào nhưng vì không thể không đi nên đành nín thở đi đại”. Phía ngoài các phòng vệ sinh này có bốn lavabo rửa tay nhưng một cái thì quá bẩn như đã lâu lắm chưa được chùi rửa, vòi nước hư nên nước chảy liên tục xuống sàn. Hai cái lavabo khác cũng hư vòi, cái thì không có nước.
Trước cổng trường, một phụ huynh có con học ở trường này cho biết: “Tôi thường nghe con tôi nói rất ít đi vệ sinh ở trường bây giờ tôi mới biết lý do”.
![]() |
Cửa trống như thế này thì học sinh nào dám đi vệ sinh? (Ảnh chụp tại Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP HCM). |
Tại Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Thạnh), tình hình giữ vệ sinh có đỡ hơn mặc dù nhà vệ sinh ở trường này hơi cũ nhưng mỗi khi trời mưa khu vực này khá ẩm thấp và cũng có mùi khai khi bước vào. Bên trong phòng vệ sinh nữ, trên các bức tường quá bẩn với những vết bôi trét màu vàng vằn vện trông rất tởm.
Ngoài ra, có phòng đã mất chốt lẫn nắm cửa, làm trống một lỗ lớn khiến nhiều học sinh ngại không dám đi vệ sinh. Chị Thúy Hồng, có con học 3 năm tại trường này, cho biết: “Suốt 3 năm học cháu toàn “nín” về nhà đi vệ sinh vì nhà vệ sinh bẩn mà các cháu lại mặc áo dài trắng nên sợ bị dơ”.
Anh Quang Ngọc, phụ huynh một học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, cho biết: “Con tôi hay than rằng nhà vệ sinh ở trường dơ và hôi lắm, thường xuyên gặp cảnh “đại tiểu tiện” chưa được dội nước nên cháu rất ít khi đi, khi nào “kẹt” lắm mới phải đi thôi. Chúng tôi cũng thấy bức xúc điều này vì cháu thường ở trường nhiều hơn ở nhà. Đành rằng số lượng học sinh quá đông so với số nhà vệ sinh, nhưng nhà trường cũng phải tìm cách nào đó để khắc phục tình trạng này”.
Ông Huỳnh Văn Sinh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP HCM: Sạch hay không là do các trường. Từ lâu Sở GD-ĐT TPHCM luôn nhắc nhở các trường phải bảo đảm vệ sinh trong trường học nhưng thực tế vẫn có trường nọ, trường kia bị phụ huynh hoặc công luận lên tiếng về vấn đề không bảo đảm vệ sinh. Hiện nay, các trường đều than phiền rằng mức thu 5.000 đồng/tháng/học sinh đã quá lạc hậu, không đủ chi phí. Dưới góc độ của Sở GD-ĐT chúng tôi nhìn thấy điều đó. Song về vấn đề tài chính, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng các khoản thu trong trường hiện nay đều được giữ lại để chi cho các hoạt động của trường và trường được chủ động điều chỉnh các nội dung chi. Chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng ngoài khoản thu phí vệ sinh, các trường hiện nay đều có những khoản thu khác. Với tình hình mức thu như hiện nay nhưng có nhiều trường vẫn bảo đảm tốt vấn đề vệ sinh, tôi cho rằng giữ được vệ sinh hay không là do các trường. |
(Theo Người Lao Động)