NBC News đã tiếp cận Zubair Nazeri và theo anh trong suốt hành trình một năm anh này tìm cách vượt biên vào châu Âu. Khi phóng viên gặp Zazeri vào tháng 5/2017 ở Serbia, anh đã đi được một phần trong hành trình kéo dài hai năm rưỡi từ Afghanistan đến tây Âu. Nazeri cho biết anh đã tiếp xúc với hàng chục kẻ buôn người khi đi qua 12 quốc gia. Một trong số đó từng dẫn anh qua một bãi mìn và một tên khác đưa anh vượt qua vùng biển nguy hiểm ở Địa Trung Hải - tuyến đường cướp đi 27.000 sinh mạng kể từ năm 1993.
Bên cạnh đó, Nazeri cũng từng chứng kiến một phụ nữ đồng hành đã phải nghiền nát một viên thuốc an thần trong tay, hoà tan với nước rồi cho con gái 2 tuổi của cô uống. Nazeri nhớ rằng thuốc an thần đã khiến em bé ngủ hơn một ngày. Đó là một trong những yêu cầu của bọn buôn người. Chúng đã dẫn nhóm của Nazeri từ Serbia qua biên giới Croatia và sau đó đến Slovenia để tìm cách vào châu Âu.
Dưới đây là cách thức hoạt động của mạng lưới buôn người bất hợp pháp được ước tính trị giá hàng tỷ USD mỗi năm do phóng viên NBC News tìm hiểu.
Mật mã
"Trò chơi sẽ bắt đầu sau một giờ nữa, trò chơi đã bắt đầu, trò chơi bị huỷ", Nazeri kể lại một loạt những tin nhắn mà anh nhận được từ bọn buôn người. "Trò chơi" là một trong những mật mã được chúng sử dụng để liên lạc với người di cư nhằm tránh bị phát hiện. Mật mã sẽ được thay đổi mỗi khi các nhà chức trách bắt đầu nghi ngờ. "Tôi đã phải sử dụng từ 'trò chơi' hơn 1.000 lần trong 2 năm qua ", Nazeri (25 tuổi) nhớ lại.
Những kẻ buôn người cũng dùng mật mã ám chỉ cảnh sát. Chúng gọi các sĩ quan là sa sa, từ trong tiếng Farsi dành cho chó. Sau đó, chúng chuyển sang gọi cảnh sát là ma ma gan.
Ngành công nghiệp chết người
Các doanh nhân đều muốn giảm chi phí ở mức tối thiểu vì sợ rủi ro trong tài chính, nhưng khi nói đến bọn buôn người, chúng lại thường gặp rủi ro liên quan đến tính mạng khách hàng. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư vào châu Âu năm 2015 xảy ra khi 71 người được tìm thấy chết trong một chiếc xe tải đông lạnh bị bỏ rơi ở Áo.
Nazeri cho biết trẻ em dưới 4 tuổi được dùng thuốc an thần để không khóc hay gây ồn ào. Nếu một đứa bé khóc sẽ làm lộ cả nhóm và "trò chơi" kết thúc trong khi các gia đình vẫn phải trả một khoản chi phí cho bọn buôn người.
Hai kẻ buôn người Thổ Nhĩ Kỳ chuyên vận chuyển người di cư qua biển Địa Trung Hải đến Hy Lạp thậm chí đã ra lệnh cho Nazeri và những người đồng hành khác của anh không được mang hành lý và áo phao lên thuyền. Chúng giải thích rằng áo phao không cần thiết vì con thuyền đủ an toàn và mang nhiều hành lý sẽ làm thuyền có thể trở nên quá tải.
Lần khác, Nazeri bị nhồi nhét trong một chiếc xe hơi với 17 người trong suốt 4 tiếng. "Bạn phải đặt cược mạng sống của bạn vào tay họ", Nazeri nói về những kẻ buôn người khi nhớ lại những chuyện trên.
'Tiền trao cháo múc'
Trung tâm hành trình của Nazeri là một trung tâm mua sắm ở giữa thành phố Kabul. Tầng hầm của toà nhà này chứa nhiều đại lý du lịch và các công ty đổi tiền tệ. Thông qua một trong những văn phòng tại đây, Nazeri đã chuyển ít nhất 8.000 USD để thanh toán một loạt các chi phí cho những kẻ buôn người.
Cơ chế rất đơn giản. Trước khi chuẩn bị vượt qua một biên giới, họ hàng của Nazeri sẽ gửi tiền đến văn phòng. Số tiền này được giữ trong quỹ ký gửi với phí 59 USD/lần, cho đến khi Nazeri được đưa qua trót lọt. Trong khi đó, bọn buôn người cũng phải trích một khoản tương tự mỗi giao dịch cho đại lý chuyển tiền.
Theo hành trình, Nazeri đáng nhẽ được đưa từ Afghanistan qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Macedonia, Serbia, Croatia, Slovenia, Italy, Pháp và cuối cùng đến Đức. Tuy nhiên, bọn buôn người đã không đưa Nazeri đi xa được như đã hứa. Vì vậy, Nazeri nói với anh em của mình không được chuyển tiền. "Tôi đã không trả tiền vì hắn nói dối tôi", Nazeri nhớ lại.
Môi giới di cư như môi giới du lịch
Reitano, phó giám đốc Sáng kiến toàn cầu chống lại tội phạm xuyên quốc gia có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, cho biết tại mỗi quốc gia, bọn buôn người có cách thức khác nhau nhưng tựu chung lại chúng vẫn hoạt động giống như "một đại lý du lịch".
"Đối với nhiều người trên thế giới, buôn người không phải là phạm pháp. Nó giống như dịch vụ của một công ty du lịch. Điều đó thật sai trái và không hề an toàn", Reitano nói.
Tại các nước như Afghanistan, di cư trở thành chuyện phổ biến và hầu hết mọi người đều dễ dàng tiếp cận được với các môi giới. Ngoài ra, Nazeri cũng khẳng định việc tìm người trung chuyển rất đơn giản. Anh đã gặp họ thông qua giới thiệu từ những kẻ buôn người khác hoặc từ bạn bè, tại các điểm nóng khét tiếng như Quảng trường Victoria ở Athens, Hy Lạp.
Nazeri được một người bạn giới thiệu cho môi giới đầu tiên trong một quán bar ở Kabul. Những kẻ buôn người sẽ cho Nazeri nơi ở và thức ăn trong khi chờ cơ hội vượt biên. Chỉ đôi khi Nazeri phải trả tiền thuê nhà, còn phần lớn những lần khác đã được tính trong giá chung. Tại mỗi địa điểm chờ đợi, những người di cư sẽ phải ăn tiêu tằn tiện, nếu không sẽ phải làm việc khi hết tiền. Có người sau đó đã quyết định trở thành kẻ buôn người.
Theo lời Nazeri, các tài xế và hướng dẫn viên giúp anh vượt biên hầu hết là dân địa phương và thường là thanh thiếu niên. Nazeri tin rằng những kẻ buôn người sử dụng người chưa đủ tuổi thành niên vì họ có thể sẽ bị hình phạt nhẹ hơn nếu bị bắt.
Thời điểm đến Hy Lạp, danh sách những kẻ buôn người có thể giúp Nazeri trở nên cạn kiệt. Tốc độ di chuyển của Nazeri cũng chậm lại. Anh mất 6 lần cố vượt qua biên giới Macedonia và sau đó mắc kẹt ở Serbia hơn một năm rưỡi với hơn 10 lần vượt biên vào Croatia thất bại.
Arezo Malakooti, một nhà nghiên cứu về di cư đến châu Âu và chuyên gia ở Afghanistan, tiết lộ nếu một người có đủ tiền trả cho toàn bộ chuyến đi thì hành trình có thể được hoàn thành sớm hơn. Nhưng nếu trả tiền lẻ tẻ từng chặng thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian.
Tị nạn
Nazeri bị bắt sau khi vào Slovenia. Sau đó, anh trốn thoát khỏi trại tị nạn với sự giúp đỡ của một kẻ buôn người. Tên này đã chở Nazeri đi về phía tây châu Âu, đến Italy (thoả thuận Schengen năm 1995 cho phép du lịch không cần visa trong 22 quốc gia thành viên).
Từ Milan, Nazeri tìm đường qua Pháp và vào Đức bằng phương tiện giao thông công cộng. Nazeri đã đến Đức vào tháng trước, đúng thời điểm bất ổn về chính trị khi việc nhập cư đe doạ tương lai của Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ do bà đứng đầu. Anh hiện bị giam giữ trong một trại tị nạn dành cho người di cư ở ngoại ô thành phố Dortmund. Nazeri cho rằng cuộc sống của mình sẽ gặp nguy hiểm nếu bị ép phải quay lại Afghanistan vì anh đã yêu vợ của một quan chức chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng trường hợp của Nazeria là điển hình của việc buôn người tới châu Âu. Nhận thức được rằng việc kể câu chuyện của mình có thể ảnh hưởng đến việc xin tị nạn và nhập cư ở châu Âu, Nazeri tuyên bố muốn đưa hoạt động tội phạm của kẻ buôn người ra ánh sáng.
Nazeri đang tự hỏi liệu hành trình đến phương Tây của mình có đáng không. "Tôi mất trí, mất sức, mất tiền của mình. Trong mỗi giấc mơ, tôi vẫn nhìn thấy rừng, cảnh sát, những kẻ buôn người, tôi không thể ngủ nổi. Tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm tất cả như thế này nữa", Nazeri nói.
Tùng Anh (Theo NBC News)