14 tháng tuổi, bé Kem, con gái Bảo Trâm, được mẹ duy trì cho bú ba cữ mỗi ngày vào sáng sớm, cuối giờ chiều và trước khi đi ngủ. Bà mẹ trẻ quan niệm sữa mẹ là thức ăn tốt nhất nên bé xứng đáng được bú để hưởng trọn nguồn dinh dưỡng quý, kể cả khi ở nhà và tại nơi công cộng. Trâm luôn mang bên mình chiếc khăn mỏng che chắn những lúc cho con bú. Cô chia sẻ đó là cách bảo vệ quyền được bú của con, đồng thời giữ gìn mỹ quan và thể hiện sự tôn trọng với mọi người.
- Một ngày của chị diễn ra như thế nào?
- Ngày mới của tôi bắt đầu lúc 6h bằng việc đánh thức con gái, cho bé ăn sáng, sau đó hai mẹ con cùng đi học. Bé Kem mới đi lớp được một tháng, trùng thời điểm này tôi cũng bắt đầu việc học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. 16h là giờ đón con, tôi nán lại vài phút ở trường để Kem chơi cầu trượt trên sân, nô đùa cùng các bạn. Hoạt động buổi tối của bé diễn ra khá nhanh gọn, kết thúc lúc 19h vì 20h là bé lên giường ngủ. Thời gian còn lại tôi dành cho chồng. Những hôm không đi diễn, tôi cùng anh ăn tối, uống trà, trò chuyện và chia sẻ về công việc.
- Chỉ có 24 giờ mỗi ngày, chị làm cách nào để cùng lúc đi học, chăm con, chạy show và sắm tròn bổn phận người vợ?
- Lúc bé Kem chưa đầy tuổi, tôi đã dành hầu hết thời gian cho con nên lơ là việc chăm sóc chồng và quan tâm tới các thành viên khác. Giờ Kem cứng cáp rồi, tôi sẽ bù đắp cho mọi người (cười).
Tôi rèn nếp ngủ cho con từ lúc bé được vài tháng tuổi. Kem luôn đi ngủ lúc 19h-20h mỗi ngày, ngoại trừ những hôm đi chơi hoặc nhà có việc. Con chịu ngủ sớm không chỉ tốt cho lộ trình phát triển thể chất và tinh thần của bé, mà tôi cũng có nhiều thời gian hơn để học bài, làm việc, hâm nóng tình cảm cùng chồng. Vợ chồng tôi thích ngồi bên nhau kể cả lúc mỗi người làm một việc. Tôi chạy show không nhiều, phần lớn vào lúc Kem đã ngủ. Chồng hay đưa đón tôi đi diễn hoặc hỗ trợ tôi trong các hoạt động âm nhạc.
- Kem tới trường vào ban ngày và đi ngủ lúc 20h, vậy đâu là thời gian bé được chăm sóc và vui chơi cùng mẹ?
- Quỹ thời gian hạn chế lại phải phân bố cho nhiều việc nên tôi tranh thủ từng giây bên con. Buổi sáng khi thức dậy, tôi nán lại vài phút trên giường đọc sách cho Kem nghe. Lúc tắm cho con, tôi vừa nô đùa, vừa trò chuyện cùng bé. Đón con khi tan học, tôi không đưa bé về ngay mà cùng con chơi trên sân khoảng 30 phút. Trường mầm non của Kem có một thư viện rất to, đảm bảo sự thoải mái cho hai mẹ con.
Tôi quan niệm không phải lúc nào cũng kè kè bên con mới là tốt. Mỗi khoảnh khắc nhỏ trong ngày đều có thể chăm con, dạy con. Hàng ngày khi đón bé ở trường, tôi kiên nhẫn dắt Kem bước từng bước chập chững trên cầu thang từ tầng ba xuống tầng một hoặc khuyến khích bé men theo thành cầu thang tự đi xuống. Bé rất thích và cũng học được cách di chuyển trên những địa hình không bằng phẳng.
- Chị quay lại làm việc khi con gái mới tròn hai tháng tuổi. Thời điểm đó ai hỗ trợ chị trông bé?
- Tôi đi đâu cũng mang con theo, kể cả đi làm, ngoại trừ những lần đi qua đêm hoặc diễn buổi tối thì Kem được bà trông.
Có thời điểm tôi bận tập triền miên ở nhà hát Thăng Long, Kem được mẹ đặt trong xe đẩy, cho ngủ ở phòng múa. Con gái tôi có nếp ngủ rất ngoan, bé ngủ liền hai tiếng buổi trưa sau khi bú no nên hầu như không làm phiền tới công việc của mẹ. Trước khi tập, tôi xin mọi người 15 phút chuẩn bị các công đoạn dọn phòng, bật điều hòa, cho Kem ăn và ru con ngủ. Suốt buổi, tôi thỉnh thoảng chạy vào kiểm tra nếu thấy con vẫn ngủ ngoan thì quay ra làm việc tiếp.
Trước đó, tôi tập cho Kem khả năng thích nghi bằng cách đưa bé đi chơi, đi uống cà phê cùng bạn bè từ lúc con được gần hai tháng tuổi. Tới giờ, chỉ cần môi trường đảm bảo yên tĩnh, Kem có thể tự chơi hoặc ngủ ngoan mà không quấy khóc làm phiền mọi người.
- Mỗi lần mang con theo, chị chuẩn bị những gì để đảm bảo bé được sinh hoạt như ở nhà?
- Tôi không mang vác lỉnh kỉnh đâu, chỉ đem theo tã, khăn giấy, quần áo sạch. Kem bú mẹ hoàn toàn nên lúc nào bé đói, tôi cho con bú. Tôi quan niệm sữa mẹ là thức ăn tốt nhất nên con xứng đáng được bú để hưởng trọn nguồn dinh dưỡng quý giá ấy. Kem bú mẹ mọi lúc, mọi nơi, kể cả chốn công cộng. Đến giai đoạn bé biết ăn dặm thì ông nội thường chuẩn bị cho con một ít cháo hoặc súp mang theo lót dạ.
- Một số ý kiến không đồng tình việc mẹ cho con bú ở nơi công cộng. Chị nghĩ sao?
- Tôi rất thích đưa con ra ngoài để bé được khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ. Nhưng điều ấy không có nghĩa tôi phải tước đi quyền được bú sữa mẹ những lúc đói của con. Tại sao phải chọn một trong hai: hoặc là đưa bé ra ngoài, hoặc là vào trong nhà hay ở chỗ kín để được bú? Tôi luôn mang theo trong túi xách chiếc khăn mỏng đủ rộng để tạo không gian riêng cho mẹ con. Đó cũng là cách tôi bảo vệ quyền được bú của con và giữ gìn mỹ quan, thể hiện sự tôn trọng với mọi người.
- Chị áp dụng thực đơn ăn uống và chế độ tập luyện thế nào để duy trì nguồn sữa chất lượng cho con?
- Tôi ăn chế độ ít tinh bột, nhiều trái cây, uống đủ nước và duy trì cho con bú ba cữ mỗi ngày.
Buổi sáng khi thức dậy, Kem được ti mẹ một lần trước khi tới trường. Lúc đón con buổi chiều, tôi tranh thủ cho bé bú luôn và cữ cuối là trước khi đi ngủ. Tôi mang theo máy hút sữa để tranh thủ hút vào giờ nghỉ giải lao buổi trưa. Những lúc không có Kem ở bên, máy hút sữa chính là "bạn thân" của mẹ.
Trước đây tôi từng căng thẳng vì bị mất sữa, khi ấy bé mới được hai tuần tuổi. Hành trình gọi sữa khá vất vả nhưng chủ yếu bí quyết vẫn là giữ tinh thần thoải mái, uống đủ nước, tuân thủ lịch hút sữa chặt chẽ. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại máy hỗ trợ kích sữa nhưng tôi thấy cho con bú trực tiếp vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Khi con ngậm đầu vú mẹ, cảm giác yêu thương, sự kết nối giữa hai mẹ con giúp cơ thể người phụ nữ dễ dàng tiết ra nhiều sữa. Hiện Kem được 14 tháng tuổi nhưng tôi vẫn có dư sữa trữ đông cho con.
Lam Trà thực hiện