Trong quan niệm dân gian, đêm Giao thừa mang ý nghĩa xua đuổi tà khí, ma quỷ, điều xấu trong năm cũ và đón nhiều may mắn, thành công cho năm mới. Đây là ngày cuối cùng trong một năm, trước khi bước sang năm tiếp theo. Nó có thể rơi vào ngày 29 hoặc 30/12 âm lịch, tùy theo từng năm.
Năm nay, tháng Chạp có 30 ngày, tức mọi người sẽ đón Giao thừa vào đêm 30/12 âm lịch (9/2 dương lịch). Tuy nhiên, từ năm 2025 đến 2032, Giao thừa đều rơi vào ngày 29/12 âm lịch. Đến năm 2033, ngày cuối năm mới là 30/12 âm lịch (30/1 dương lịch).
Điều này liên quan tới thuật toán tính lịch âm độc đáo. Khác với dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của trái đất xung quanh mặt trời để tính ra có 365 ngày, lịch âm lại được tính toán dựa trên chu kỳ chuyển động của mặt trăng quanh trái đất. Chu kỳ chính xác của một vòng mặt trăng chuyển động là 29,53 ngày. Vì vậy, sẽ có tháng đủ (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày).
Ở Việt Nam, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 7 ngày, từ ngày 8/2 đến 14/2/2024, tức từ 29 tháng chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng Giáp Thìn. Công chức, lao động sẽ nghỉ hai ngày trước và ba ngày sau Tết, cộng hai ngày nghỉ bù do rơi vào cuối tuần.
Tùng Anh