Bệnh tiểu đường được biết đến là kẻ giết người thầm lặng vì nó không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng đáng chú ý, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đối với phụ nữ, một số triệu chứng nhất định có thể là "báo động đỏ" cho thấy sự hiện diện của bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Theo nghiên cứu Tác động của giới tính đối với việc chăm sóc bệnh tiểu đường loại 2, hiện có gần 70 triệu người Ấn Độ mắc tiểu đường, và một nửa trong đó là phụ nữ. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 101 triệu vào năm 2030.
Những triệu chứng này thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán sai, nhưng việc nhận ra chúng có thể tạo nên sự khác biệt trong chăm sóc y tế. Sau đây là 4 dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường chỉ có ở phụ nữ:
1. Khát nước nhiều hơn và đi vệ sinh thường xuyên
Một trong những dấu hiệu sớm nhất của bệnh tiểu đường là khát nước quá mức, được gọi là chứng uống nhiều nguyên phát. Mặc dù triệu chứng này không chỉ xảy ra ở phụ nữ, nó liên quan đến việc đi tiểu thường xuyên (đa niệu), và trở thành cấp tính trong thời kỳ mang thai hoặc kinh nguyệt do thay đổi nội tiết tố. Phụ nữ có thể nhận thấy rằng họ cần đi vệ sinh thường xuyên hơn bình thường, đặc biệt vào ban đêm.
Điều này xảy ra vì lượng đường cao trong máu khiến thận phải làm việc quá sức để lọc thêm glucose, dẫn đến mất nước. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Diabetes Care Journal phát hiện ra rằng phụ nữ có nhiều khả năng bị khó chịu ở bàng quang và các triệu chứng liên quan đến mất nước hơn nam giới trong giai đoạn đầu mắc bệnh tiểu đường.
2. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và tình trạng kháng insulin
Phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. PCOS, một tình trạng nội tiết tố, làm suy yếu khả năng sử dụng insulin đúng cách của cơ thể, dẫn đến tình trạng kháng insulin - tiền thân của bệnh tiểu đường. Khi bệnh tiểu đường phát triển, các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, tăng cân và mụn trứng cá có thể trở nên trầm trọng hơn.
Theo Tạp chí Nội tiết học lâm sàng và Chuyển hóa, có tới 70% phụ nữ mắc PCOS có thể bị kháng insulin ở một mức độ nào đó, làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2.
3. Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát (UTI)
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên có thể là dấu hiệu bị bỏ qua của bệnh tiểu đường ở phụ nữ. Lượng đường trong máu tăng cao tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến nhiễm trùng tái phát. Phụ nữ, về mặt giải phẫu, dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn do niệu đạo ngắn hơn.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh tiểu đường và Biến chứng của Bệnh tiểu đường phát hiện ra rằng phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc UTI cao gần gấp đôi so với phụ nữ bình thường.
4. Chu kỳ kinh nguyệt nặng hơn hoặc không đều
Bệnh tiểu đường có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, khiến nó nặng hơn hoặc không đều. Điều này xảy ra vì bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến quá trình điều hòa hormone và độ nhạy insulin, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản.
Theo nghiên cứu từ Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ, những phụ nữ có lượng đường trong máu không ổn định nhiều khả năng bị rối loạn kinh nguyệt. Những gián đoạn này có thể báo hiệu tình trạng kháng insulin hoặc tiểu đường tiềm ẩn, đặc biệt nếu chúng xuất hiện cùng các triệu chứng khác như mệt mỏi hoặc thay đổi cân nặng.
Hướng Dương (Theo Times of India)