1. Colin Zheng Huang - Nhà đồng sáng lập Pindoudou - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 40,2 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 22,4 tỷ USD Cuộc đàn áp với các ông lớn công nghệ của Trung Quốc ảnh hưởng nặng nề tới Zeng Huang - nhà sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo. Tỷ phú này mất 64% tài sản năm nay do cổ phiếu Pinduoduo lao dốc. Gã khổng lồ internet sáu năm tuổi này còn bị rung chuyển bởi việc Huang đột ngột từ chức Chủ tịch vào tháng 3, ngay khi Pinduoduo vượt qua Alibaba trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất đất nước về lượng người dùng. Cổ phiếu của hãng giảm 21% sau khi không đạt doanh thu kỳ vọng tính theo quý vào tháng 11. Ảnh: Bloomberg 2. Jack Ma - Nhà đồng sáng lập Alibaba - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 21,4 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 37 tỷ USD Từng là người giàu nhất và có ảnh hưởng nhất giới doanh nhân Trung Quốc, cả năm 2021 Jack Ma hoàn toàn ẩn mình sau khi tỷ phú phê phán hệ thống tài chính nhà nước trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 10/2020. Sau đó, Alibaba vào tầm ngắm và bị điều tra hành vi độc quyền, bị phạt 2,8 tỷ USD vào tháng 4 - hình phạt chống độc quyền cao nhất từ trước đến nay được áp dụng ở Trung Quốc. Giá trị vốn hóa của Alibaba giảm hơn 46% năm nay, khiến khối tài sản cá nhân của Ma cũng bốc hơi 37%. Ảnh: AFP 3. Hui Ka Yan - Chủ tịch China Evergrande Group - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 18 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 9,1 tỷ USD Hui là một trong những tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong hai năm liên tiếp 2020 - 2021. Tài sản của tỷ phú bốc hơi hàng chục tỷ USD trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại China Evergrande Group. Gã khổng lồ bất động sản do tỷ phú sáng lập và làm Chủ tịch vỡ nợ trái phiếu trong bối cảnh công ty chìm trong bom nợ hơn 300 tỷ USD. Gần đây, Hui phải bơm 1 tỷ USD tiền túi để cứu công ty. Ảnh: Bloomberg 4. Zhang Yong - Nhà đồng sáng lập Haidilao - Quốc tịch: Singapore - Tài sản giảm năm 2021: 15,9 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 7,6 tỷ USD Zhang Yong là người sáng lập kiêm Chủ tịch Haidilao - chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc và cũng có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuỗi nhà hàng này tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và mở rộng quy mô lên 1.600 nhà hàng. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh Covid-19 và sự thận trọng của người tiêu dùng về trải nghiệm ăn uống, đặc biệt là các món ăn chung như lẩu khiến tình hình kinh doanh của Haidilao lao dốc. Hồi tháng 11, Haidilao thông báo tạm ngừng hoặc đóng cửa 300 cửa hàng vào cuối năm. Cổ phiếu của Haidilao cũng giảm 71% trong năm, tính đến ngày 15/12, khiến tài sản Zhang - người sở hữu khối tài sản 23 tỷ USD vào tháng 4 - bốc hơi hơn 68%. Ảnh: Bloomberg 5. Tadashi Yanai: Nhà sáng lập Fast Retailing - Quốc tịch: Nhật Bản - Tài sản giảm năm 2021: 14 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 30,4 tỷ USD Tỷ phú Yanai mất khoảng một phần ba tài sản năm nay sau khi cổ phiếu của đế chế thời trang Fast Retailing có trụ sở tại Tokyo, chủ sở hữu của các thương hiệu nổi tiếng Uniqlo và Theory, giảm khoảng 34%. Dù doanh thu trong năm tính đến tháng 8 đã tăng 6% và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 70% so với năm 2020, gã khổng lồ bán lẻ này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế và ngừng hoạt động một số cửa hàng, nhà máy do dịch Covid-19. Tập đoàn này cũng phải đối mặt các vấn đề với các cơ sở của các nhà cung cấp ở Myanmar, nơi một cuộc đảo chính quân sự gây ra bất ổn chính trị và tuyên bố vi phạm nhân quyền liên quan đến lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương. Ảnh: JPT 6. Lei Jun - Nhà sáng lập Xiaomi - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 14 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 16,3 tỷ USD Tài sản của Lei - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Xiaomi, một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới - giảm gần một nửa năm nay. Dù tránh được sự giám sát kỹ lưỡng về mặt quy định gây thiệt hại cho những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khác, Xiaomi vẫn phải vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng - cụ thể là tình trạng thiếu chip toàn cầu, cùng sự cạnh tranh gay gắt khiến thị phần của họ bị thu hẹp. Hãng đã công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm nhất kể từ đầu năm 2020 trong quý 3 vào tháng 11, với lý do thâm hụt chip. Ảnh: SCMP 7. Masayoshi Son - Nhà sáng lập Softbank - Quốc tịch: Nhật Bản Tài sản giảm năm 2021: 13,6 tỷ USD Tài sản hiện tại: 25,1 tỷ USD Sự giám sát chặt chẽ của chính phủ gây khó khăn cho các công ty Trung Quốc cũng tác động lớn đến Masayoshi Son, người sáng lập CEO tập đoàn đầu tư khổng lồ Nhật Bản - Softbank. Softbank đã đổ tiền vào nhiều công ty công nghệ Trung Quốc như Alibaba, ứng dụng gọi xe Didi Global. Việc chính quyền Bắc Kinh nhắm vào các công ty này, cùng giá trị sụt giảm của một số vụ IPO đắt giá nhất của Softbank, dẫn đến khoản lỗ kỷ lục 7,3 tỷ USD cho Quỹ Vision của Softbank trong ba tháng kết thúc ngày 30/9. Cổ phiếu của gã khổng lồ này lao dốc 35%, khiến tài sản Son giảm 13,6 tỷ USD năm qua. Son phải nhường lại ngôi giàu nhất Nhật Bản cho Takemitsu Takizaki, người sáng lập hãng sản xuất cảm biến điện tử Keyence Corp. Ảnh: AP 8. Daniel Gilbert: Nhà sáng lập Rocket Company - Quốc tịch: Mỹ - Tài sản giảm năm 2021: 13,2 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 29,6 tỷ USD 2021 là một năm đầy biến động với giá cổ phiếu công ty cho vay thế chấp Rocket của Dan Gilbert. Gilbert từng trở thành một trong 10 người giàu nhất thế giới khi tài sản của ông tăng vọt lên 80 tỷ USD trong thời gian ngắn vào tháng 3. Tuy nhiên, cổ phiếu công ty cho vay trực tuyến này giảm 62% từ mức đỉnh tính đến ngày 15/12 trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận giảm. Rocket báo cáo doanh thu 3,1 tỷ USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, giảm so với mức 4,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2020. Ảnh: AP 9. Zhang Bangxin - Nhà đồng sáng lập TAL Education - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 11,3 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 1,2 tỷ USD Zhang - nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch công ty dịch vụ giáo dục TAL Education - trải qua một năm đầy khó khăn khi chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát lĩnh vực dạy thêm do lo ngại ngành công nghiệp này gây quá nhiều áp lực lên trẻ em và phụ huynh. Cổ phiếu của các công ty như TAL Education giảm mạnh khi các nhà quản lý công bố các quy định mới nghiêm ngặt, bao gồm lệnh cấm huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu các công ty chỉ dạy kèm các môn học ngoài chương trình chính quy. Trong khi tài sản của Zhang giảm tới 90%, một số doanh nhân trong lĩnh vực này còn có số phận tệ hơn như Larry Xiangdong Chen - CEO công ty giáo dục GSX Techedu, người hiện có tài sản 250 triệu USD, giảm từ mức đỉnh 15,8 tỷ USD. Ảnh: VCG 10. Zhong Huijuan - Nhà sáng lập Hansoh Pharmaceutical - Quốc tịch: Trung Quốc - Tài sản giảm năm 2021: 10,4 tỷ USD - Tài sản hiện tại: 10 tỷ USD Zhong Huijuan - người sáng lập, Chủ tịch kiêm CEO nhà sản xuất thuốc Trung Quốc - Hansoh Pharmaceutical - trở thành một trong những phụ nữ giàu nhất thế giới sau khi công ty IPO năm 2019 và cổ phiếu tăng hơn 130%. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng dược này giảm hơn 50% vào năm 2021 và hiện thấp hơn giá niêm yết IPO là 14,26 đô la HKD (1,82 USD) mỗi cổ phiếu. Điều này khiến tài sản của Zhong đã giảm 51% năm nay. Ảnh: China Group Sơn Nam (Theo Forbes)