Thương trường - Thứ tư, 31/10/2018, 00:10 (GMT+7)

Nàng dâu được bố mẹ chồng thương vì may túi cả đêm

Khởi nghiệp sau sinh, chị Nhung thấy chặng đường mình đi chông gai gấp bội so với nếu còn là phụ nữ độc thân.

Với doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Nhung (32 tuổi), vùng an toàn của một phụ nữ là sự sung túc về vật chất, thời gian dành cho gia đình, cùng đầy đủ số ngày nghỉ lễ và phép ở cơ quan.

Năm 2015, chị gần như đã hội tụ mọi yếu tố đó: công việc truyền thông ổn định trong một công ty lớn, gia đình hạnh phúc với chồng làm nhà nước và con gái kháu khỉnh. Duy một điều mà chị - cô gái mô tả mình có cá tính mạnh - thừa nhận chưa hề có ở thời điểm đã ngót 30: đam mê.

Và để có được nó, chị quyết tâm bước khỏi vùng an toàn, để rồi phải rơi vào khủng hoảng.

Hồng Nhung nhận mình từng là một doanh nhân ''ngờ nghệch''.

Lang thang tìm đam mê ngoài đường khi đã có gia đình

Hồng Nhung trước đây là nhân viên truyền thông với kinh nghiệm 7 năm, nhiều lần nhảy việc vì không quá mặn mà với việc nào mà đơn thuần coi chúng như ''cần câu cơm''.

Đến khi làm cho công ty lớn, gia đình đuề huề, chị được người xung quanh nhìn như một phụ nữ đã yên bề gia thất. Mối quan tâm lớn tới thời trang của chị thời điểm đó vẫn chỉ như thú vui.

Mang tên Hồng Nhung, cô gái trẻ dành tình cảm đặc biệt cho hoa hồng. Tình cờ năm 2015, chị biết đến loại túi xách thêu họa tiết nổi loài hoa này và lập tức bị chúng cuốn hút. Nhung sắm cho mình chiếc to chiếc nhỏ, đến cả balo... tự tin là ''hàng độc''.

Balo thêu hoa hồng mang thương hiệu Vintage Rose.

Nhưng có một vấn đề, sản phẩm bấy giờ chỉ bán ở Sài Gòn. Mỗi lần muốn mua, chị Nhung phải đặt và chờ chuyển từ trong Nam ra. Chị bắt đầu thắc mắc vì sao Hà Nội chưa có mẫu túi xách thêu họa tiết hoa như vậy.

Chị Nhung nhập thử bán và kết quả là lô hàng đầu tiên gồm 20 cái chưa về đến nơi đã được mọi người đặt hết.

Nhìn ra tiềm năng, cô gái Bắc đàm phán xin chuyển giao công nghệ từ phía đơn vị Sài Gòn. Với kinh nghiệm là con số 0 và bằng ''niềm tin'', Hồng Nhung quyết tự sản xuất sản phẩm dệt may mang họa tiết giống tên mình.

Đúng dịp 30/4/2015, đáng lẽ đã có thể tận hưởng kỳ nghỉ có lương, chị Nhung thôi việc để thành lập thương hiệu túi Vintage Rose ở Hà Nội.

Chặng đường tiếp theo của Nhung không trải hoa hồng như thành phẩm định làm ra hay tên bố mẹ đặt. Giữa đợt nóng kỷ lục của Hà Nội, chị không còn đến công ty ngồi văn phòng máy lạnh.

8h sáng hàng ngày, cô gái thất nghiệp xách xe ra đường ''lượn lờ'' tìm từng con ốc, khóa, khoen, xích, vải... cho dòng túi đang ''thai nghén''. Chị đồng thời lặn lội thăm nhiều nơi làm đồ handmade để học hỏi.

Chị Nhung kể có lần 15h về đến nhà, mặt đỏ gay gắt do say nắng, bố chồng thấy vậy khuyên bỏ và hứa xin việc khác cho.

Nhưng chưa hết, cô con dâu còn hì hục nguyên buổi tối đến khoảng 2-3h đêm bên máy may, học làm túi theo công nghệ chuyển giao. Đến lượt mẹ chồng nửa kêu nửa xót con: ''Mẹ không ngủ được vì tiếng lạch cạch suốt đêm''.

Chị Nhung tâm sự: ''Dù đơn độc và vất vả, đó mới là lúc tôi được lao động cho đam mê của mình''.

Chị Nhung là thiết kế chính của công ty.

Tuy nhiên, bọc hàng đầu tiên trị giá 50 triệu đồng tiền nguyên liệu và nhân công bị chủ nhân Vintage Rose ném thẳng ra thùng rác. Nguyên nhân là không đáp ứng được chất lượng. Hàng xóm chứng kiến tiếc của, còn chị Nhung kiên quyết: ''Tôi sẽ không bán hay cho những gì mình cầm trên tay còn thấy xấu hổ''.

Một năm bị trói chân

Nhiều nỗ lực sau đó giúp ra lò túi hoa hồng ưng ý hơn thì một thử thách mới đến với nữ khởi nghiệp khao khát bước khỏi vùng an toàn. Chị Nhung mang bầu cô ''công chúa'' thứ hai.

Chị chia sẻ hầu như toàn bộ năm 2017 mình ở nhà và dành thời gian cho con. Bé Kem sinh ra cũng hay ốm nên việc chăm bẵm thêm phần khó khăn. Công việc kinh doanh chưa kịp vào guồng đã đình trệ. Bản thân Nhung rơi vào khủng hoảng.

Nữ khởi nghiệp dạy con gái không được phụ thuộc vào ai
 
 

Nữ khởi nghiệp dạy con gái không được phụ thuộc vào ai.

Nhớ lại thời điểm bế tắc nhất, chị rơm rớm nhưng không bao giờ quên con số chính xác trong tài khoản công ty lúc ấy: 5 triệu đồng. Nhung, trong một đêm, nằm bật khóc vì không biết sáng hôm sau thanh toán lương 30 triệu đồng cho nhân viên ra sao.

Những công nhân gắn bó cùng chị từ ngày đầu ngỏ ý lĩnh lương muộn để giúp đỡ, nhưng chủ thương hiệu giữ tâm niệm không bao giờ nợ lương, thậm chí chậm cũng không, và thà chấp nhận đi vay để trả cho người lao động.

Sức khỏe giảm sút, trên vai là nghĩa vụ với gia đình, hai con gái nhỏ, nhưng cũng còn trách nhiệm với công ty và những người đã theo chị, bà mẹ hai con cuối cùng quyết định lên tiếng với chồng và bố mẹ ở cùng: ''Con cần đi làm''.

Ngoài hoa hồng, họa tiết các loài hoa khác cũng được Nhung sáng tạo trên sản phẩm.

Như chim sổ lồng

Hồng Nhung thừa nhận, 2017 trở về trước, chị mới có đam mê làm sản phẩm thủ công còn đầu óc kinh doanh vẫn ngờ nghệch. Hồi đó, chị cũng chưa dám marketing rầm rộ vì sản phẩm còn hạn chế. Bà chủ Vintage Rose quan niệm: ''Khách hàng kể cả 1.000 người đến mua nhưng nếu không quay lại thì cũng thất bại''.

Ngày trở lại, doanh nhân trẻ tích cực tham gia chính vào khâu thiết kế, ''chào sân'' mẫu mã đa dạng hơn của nhãn hiệu túi riêng. Bên cạnh đó, chị Nhung gánh vác mọi vai trò từ lo nguồn cung nguyên phụ liệu, cắt may, bán hàng... Khi chất lượng hàng đã được đảm bảo, Vintage Rose bắt đầu đầu tư các khâu như truyền thông, thương mại điện tử... Đơn hàng lần lượt kéo đến, bà chủ không ngại bỏ bát đũa giữa bữa cơm gia đình để đi ship đồ cho khách.

Chị Nhung cho rằng khi bán được một sản phẩm, cái mình nhận lại không chỉ là tiền.

''Chỉ cần một câu vui và hài lòng của khách là mình lại như được tiếp 'sức trâu sức bò' mà làm'', chị nói.

Sau những giờ phút hối hả đó, Nhung lại về với chồng con với suy nghĩ: ''Không phụ nữ nào quên được gia đình''.

Bà mẹ hai con hiện mở rộng cửa hàng túi ra nhiều tỉnh thành khắp cả nước.

Năm 2018, nhờ vai trò tái xuất của nhà sáng lập, thương hiệu Vintage Rose đi vào hoạt động ổn định. Nữ chủ nhân nhìn nhận sản phẩm có sự khác biệt về họa tiết và cả chất liệu lụa và gấm ít được sử dụng trong các mặt hàng túi xách ''Made in Vietnam''. Chị Nhung cho biết túi được định dáng cứng cáp nhưng làm bằng chất liệu mềm mại sẽ tượng trưng cho hai nét tính cách cần có của một phụ nữ hiện đại.

Hiện nữ doanh nhân không còn phải nơm nớp mỗi khi đến ngày trả lương nhân viên. 

Trong mắt nhân viên kinh doanh tên Hằng (22 tuổi), sếp Nhung hiện tại chính là hình mẫu phụ nữ cô muốn trở thành: tự lập, có sự nghiệp riêng và nuôi sống được đam mê. Hằng tốt nghiệp ĐH Nông Nghiệp với tấm bằng giỏi, nhưng từ ngày chứng kiến giám đốc Nhung chăm chút từng sợi chỉ, dần được truyền đam mê với túi thêu và muốn theo đuổi lâu dài.

Còn với người đã kinh qua như Nhung, ước mơ làm chủ có luật chơi vô cùng rõ ràng: ''Người khởi nghiệp chỉ khi nào thành công mới được nhìn nhận, còn không, tất cả vô nghĩa''.

Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng Nhung thường tổ chức các chuyến du lịch đưa hai con gái đi cùng.

Thanh Tùng
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới