Thương trường - Thứ tư, 17/10/2018, 00:07 (GMT+7)

Chàng trai 'may đo' kính cho từng khách hàng

Khi kính mắt Trung Quốc thống lĩnh thị trường, Trần Hiến cho ra đời thương hiệu kính gọng gỗ 100% 'Made in Vietnam' đầu tiên.

Long (23 tuổi, Hà Nội) tìm cho mình cặp kính có thể sử dụng lâu dài và thiết kế độc đáo. Cậu cho biết loại đang dùng gây cảm giác đau sống mũi, phần gọng chặt khiến người đeo nhức hai bên thái dương.

"Tôi không tìm được cái nào bán sẵn trên thị trường vừa vặn với mình", Long trao đổi với chủ nhân thương hiệu Shigeru - Trần Hiến.

Sau cuộc trò chuyện, vị khách trẻ tuổi vui vẻ trả 1 triệu đồng và lịch hẹn 7-10 ngày lấy kính.

Long giống nhiều khách hàng khác của Shigeru khi tham gia vào khâu thiết kế để ra chiếc kính riêng của mình và kiên nhẫn chờ đợi. Để hoàn thiện đơn hàng sắp giao, ông chủ Hiến phải dùng giấy ráp mài từng chi tiết gỗ, khâu ngốn trung bình của anh 4 tiếng ngồi một chỗ.

"Sản phẩm hầu như làm thủ công toàn bộ, đôi khi tôi không dám bắt tay người khác vì bị chai sạn", anh Hiến nói.


Trần Hiến, 32 tuổi, đeo sản phẩm kính tự làm.

Học làm kính kiểu người Nhật

Năm 2012, Trần Hiến tốt nghiệp thiết kế đồ họa tại Đại học Văn Lang (Sài Gòn), với chuyên môn làm ra những bộ nhận diện thương hiệu. Thông qua một người bạn, anh được giới thiệu tới nghệ nhân kính Nhật có tên Shigeru để thiết kế kính cho công ty của ông. Đây là công việc mà theo ông chưa hề có ở Việt Nam và anh sẽ là người đầu tiên đảm nhận. Nhưng kèm đề nghị đó, chàng trai được yêu cầu làm thợ.

Ở tuổi 26, anh Hiến ban đầu nhất định từ chối vì không nghĩ đến công việc tay chân. Nhưng rồi ông Shigeru khuyên: "Nếu không trực tiếp sắm vai công nhân, anh không thể tạo ra những bản vẽ mà họ làm theo được".

Nơi sản xuất kính Shigeru tại Hà Nội.

Cuối cùng, Hiến thử sức dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Nhật. Trải nghiệm ở xưởng sau đó không những trau dồi chuyên môn làm kính, mà còn cho anh học sự tỉ mỉ đưa vào từng sản phẩm cũng như trong lối sống của ông Shigeru.

Anh kể: "Một lần sau bữa trưa, nhân viên vét cháy trong nồi cơm chung vứt đi. Thấy vậy, ông Shigeru dặn lần sau hãy dầm cháy ra và chia đều cho mọi người, không nên bỏ phí".

Anh Hiến gắn bó với thầy Nhật - người không gây cho anh cảm giác như sếp - được một năm thì sự việc không may xảy ra. Xưởng cháy, ông Shigeru phá sản và phải về nước, anh Hiến chia tay thầy ra Hà Nội tìm công việc mới. Tuy nhiên, hình ảnh những chiếc kính tinh xảo và người đàn ông Nhật tên Shigeru luôn trong anh.

Tên thương hiệu khó marketing và chiếc kính chạm mặt khách đã gãy

Với kiến thức kinh doanh bằng 0, anh Hiến nhận việc bàn giấy tại một công ty bất động sản Hà Nội. Tháng ngày làm nhân viên đồ họa trong phòng marketing giúp anh học hỏi nhiều về bán hàng, tiếp thị... - những thứ một người với chuyên môn kẻ vẽ như anh trước đó không quan tâm.

Anh Hiến gặp từng khách hàng để làm kính với số đo riêng cho họ.

Cũng trong thời gian này, anh bắt đầu mày mò làm kính thủ công trở lại. Nhưng ý tưởng nảy ra là sản xuất kính gọng gỗ với tham vọng đem đến sự khác biệt khiến anh Hiến gặp khó.

"Tôi lặn lội khắp nơi mà không ai đồng ý cắt gỗ mỏng dính như yêu cầu, bởi mất công mà tiền nhận được chẳng là bao", anh nhớ lại.

Sau nhiều nỗ lực thuyết phục, cuối cùng có người bằng lòng gia công miếng gỗ đầu vào cho Hiến, chính vì muốn chia sẻ tâm huyết làm kính Việt với anh.

"Trong kinh doanh, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy rất chán. Nhưng không thể vì chán mà bỏ được",
Trần Hiến - nhà sáng lập thương hiệu kính Việt Shigeru.

Duyên buôn kính thủ công còn đến sau lần một người bạn xô xát, gãy mất cặp kính được tặng, rồi nhất định đặt Hiến làm cho chiếc giống hệt.

Những chiếc kính đóng mác 100% "Made in Vietnam", làm từ gỗ mun, gỗ trắc, gỗ cẩm.

Tuy nhiên, một mình một đường khiến chủ nhân kính "Made in Vietnam" hiếm hoi vấp nhiều gian nan khi vừa bắt tay gây dựng. Những khách hàng đầu tiên phải đợi triền miên do anh Hiến bận rộn việc ở cơ quan; một số sản phẩm ra lò có độ bền chưa cao. Anh kể có lần giao cho khách, kính vừa đeo lên mặt đã gãy khiến anh bẽ mặt.

Bên cạnh đó, đặt tên thương hiệu là Shigeru - bạn bè đều nhận xét khó đọc, khó nhớ và khó marketing, Hiến chấp nhận khó khăn vì muốn lưu truyền cái tên và tinh thần người thầy để lại.

Cả năm 2017, năm sáng lập thương hiệu, Shigeru bán được 20 sản phẩm.

Sẽ dành cả đời cho thương hiệu kính 'Made in Vietnam'

Năm 2018, anh Hiến thôi việc văn phòng với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng để dồn toàn bộ tâm huyết cho "đứa con" riêng. Anh lao vào nghiên cứu tính bền cho kính đeo bằng gỗ, điều chưa có trong kiến thức bản địa. Nhận mình "dốt khoa học" nhưng sau vài tháng kiên trì, cựu nhân viên văn phòng tìm ra bí quyết riêng giúp sản phẩm vừa có tính độc, vừa đáp ứng yếu tố bền. Ông chủ của Shigeru sẵn sàng thử nghiệm ném mạnh sản phẩm mẫu vào tường và từ trên tầng cao xuống, nhưng không bẻ gãy được chúng.

Nhãn kính Việt Shigeru ra đời năm 2017.

Công việc hàng ngày hiện tại của anh Hiến gồm gặp gỡ từng khách hàng để lấy số đo và lắng nghe nhu cầu riêng biệt của họ, sau đó thiết kế, chế tác, đồng thời xây dựng hình ảnh và thương hiệu.

Làm "cuốn chiếu" mà không phải một sản phẩm một lúc như trước đây nên giờ mỗi tháng, anh bán ra được vài chục kính thủ công.

"Nhiều lúc chính khách hàng là người tạo ý tưởng sản phẩm cho tôi. Chẳng hạn, có bạn kinh doanh đồ dân tộc muốn gọng phỏng theo cành cây, tôi thấy thú vị và xin phép giữ concept đó làm mẫu trong catalog", anh Hiến kể.

Từ lúc có vài trăm nghìn dành mua gỗ, lời lãi bao nhiêu dồn vào tái đầu tư cho gỗ tốt hơn và dụng cụ hỗ trợ, doanh nhân 32 tuổi giờ tự tin có thể sống được với thương hiệu. Không những thế, anh nói: "Tôi sẽ dành cả đời cho kính 'Made in Vietnam' của mình".

Trần Hiến, chủ nhân của Shigeru, đặt mục tiêu mang các giống cây đi trồng rừng, bởi anh nghĩ 'lấy đi bằng nào gỗ, phải trả lại bằng ấy'.

Tuy nhiên, để mở rộng mô hình hiện tại, nhà sáng lập kính gỗ Việt đang tìm kiếm những người chia sẻ triết lý cùng gánh vác khâu kinh doanh. Bên cạnh đó, như người thầy Nhật Bản ngày nào, anh hy vọng có những thợ đồng hành và truyền cho họ bí quyết làm kính tích lũy qua năm tháng.

Bên cạnh giữ cốt lõi dòng kính nghệ nhân, Shigeru hướng đến sản xuất hàng phổ thông nhưng chất lượng cao và làm hoàn toàn từ nguyên liệu địa phương – những sản phẩm vẫn vắng bóng trên thị trường. Không muốn bị hiểu nhầm là thợ mộc, vị chủ nhân muốn kinh doanh kính có gọng bằng nhiều chất liệu khác như mây, tre...

Hiện tại, sản phẩm bằng gỗ vẫn rất mới lạ với những khách hàng như Long. Cậu chờ đợi mang về nhà cặp kính hiếm hoi được khắc dòng chữ "Made in Vietnam", và không còn phải than thở với ai về những vết hằn kim loại trên gương mặt như nhiều người cận thị khác.

Lặn lội tìm đến Hiến vào một trưa chủ nhật, Long tin đổi lại là một vật phẩm gắn bó qua năm tháng, và người làm ra sẵn sàng chăm chút lại nó khi cậu cần.

Thanh Tùng
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới