Xem - Thứ ba, 14/3/2023, 00:00 (GMT+7)

Dương Tử Quỳnh – Trương Mạn Ngọc: cùng thi hoa hậu, cùng tạo cột mốc cho điện ảnh châu Á

Gặp nhau ở Miss World 1983, Dương Tử Quỳnh và Trương Mạn Ngọc có nhiều điểm trùng hợp trong sự nghiệp, cùng tỏa sáng trên màn bạc quốc tế nhưng ở những giai đoạn khác nhau của đời người.

Trương Mạn Ngọc và Dương Tử Quỳnh cùng thuộc lứa minh tinh hàng đầu của điện ảnh Hong Kong thập niên 1980-1990. Từng bị định danh "bình hoa di động", cả hai nỗ lực nâng cao khả năng để giành được sự ghi nhận tài sắc vẹn toàn trong giới chuyên môn, công chúng và báo chí.

Năm 2023 đánh dấu cột mốc 40 năm vào nghề của cả hai nhan sắc điện ảnh gốc Hoa. Một người đã "quy ẩn giang hồ", người còn lại vừa làm nên lịch sử với tượng vàng Oscar. Nhìn lại hành trình bốn thập kỷ của họ, khán giả sẽ bắt gặp nhiều giao điểm lạ kỳ.

Bộ đôi ‘bình hoa di động’

Dương Tử Quỳnh sinh năm 1962 trong gia đình gốc Hoa thượng lưu ở Malaysia. Trương Mạn Ngọc kém cô hai tuổi, là con gái một gia đình trung lưu tại Hong Kong. Thời thiếu nữ, cả hai đều sang Anh du học. Cùng một năm, Dương Tử Quỳnh đăng quang Hoa hậu Thế giới Malaysia, Trương Mạn Ngọc giành ngôi Á hậu 1 của Hoa hậu Hong Kong.

Họ biết nhau lần đầu khi đại diện vùng lãnh thổ của mình, đem chuông đi đánh xứ người tại Hoa hậu Thế giới 1983. Năm ấy, Trương Mạn Ngọc dừng chân ở top 15 chung cuộc, Dương Tử Quỳnh kém may mắn hơn chút với vị trí thứ 18. Rời sân chơi sắc đẹp, cả hai cùng gia nhập ngành giải trí. Thay vì hoạt động ở quê nhà, Dương Tử Quỳnh chọn Hong Kong làm điểm dừng chân đầu tiên, mở ra không ít cơ hội hợp tác với Trương Mạn Ngọc sau này.

Trương Mạn Ngọc và Dương Tử Quỳnh (thứ hai và ba từ phải sang) quen nhau tại Miss World 1983. Ảnh: Weibo

Xuất thân từ cuộc thi nhan sắc tạo bệ đỡ hoàn hảo cho cả hai phát triển. Mạn Ngọc đóng chính ngay từ phim đầu tay, nhận phim không ngơi nghỉ. Giai đoạn 1984-1989, cô có khoảng 40 phim ra mắt, đỉnh điểm là năm 1986 với 11 phim. Dương Tử Quỳnh khiêm tốn hơn về lượng sản phẩm, nhưng cũng nổi đình đám và nhận vai chính từ phim thứ hai.

Tuy nhiên, lợi thế này cũng là con dao hai lưỡi, khiến cả hai bị gắn mác người đẹp không biết diễn – bông hoa trang trí trên màn ảnh. Chưa kịp đóng phim, Dương Tử Quỳnh đã phải nhận lấy ánh mắt dò xét, định kiến của giới làm nghề. Cô bị mặc định liễu yếu đào tơ, chỉ đủ sức làm đào đẹp, "bánh bèo".

Với Trương Mạn Ngọc, cô sa vào cái bẫy của việc đắt show, không đủ kỹ năng phân định kịch bản hay – dở, cũng không có thời gian trau dồi diễn xuất, dẫn đến bị chê cười là "nữ hoàng phim dở". Lần đầu đóng chung, Lương Triều Vỹ từng nghĩ Trương Mạn Ngọc không nên làm diễn viên.

Dương Tử Quỳnh - Trương Mạn Ngọc tại Miss World 1983
 
 
Phần thi trang phục truyền thống của hai người đẹp Hoa ngữ tại Miss World 40 năm trước. Video: Weibo

Đệ nhất đả nữ và nữ hoàng phim tình cảm

Không cam lòng với sự cố mở đầu sự nghiệp, cả hai nỗ lực đổi khác bằng những cách khác nhau.

Ngay sau phim đầu tay, Dương Tử Quỳnh chủ động tiến cử mình cho các dự án hành động – võ thuật, bất chấp cái nhìn dè bỉu của Hồng Kim Bảo và Thành Long – hai ông lớn lũng đoạn dòng phim này đương thời. Vượt qua những dè dặt ban đầu, cô làm quen với những người đàn ông ở các võ đường, lao mình vào chế độ tập khắc nghiệt không thua kém bạn diễn khác giới. Người đẹp Malaysia được ghi nhận là người tiên phong đưa nhân vật nữ trên màn ảnh Hoa ngữ bước ra khỏi chân dung gợi tình bị đóng khung trong nhiều thập niên.

Trái với Tử Quỳnh, Mạn Ngọc may mắn gặp được quý nhân đời mình, là đạo diễn Vương Gia Vệ. Được nhà làm phim nổi tiếng đặt vào những vai diễn vừa vặn – nữ tính, ngọt ngào, nội tâm đa chiều, cô tìm thấy tình yêu với điện ảnh, được ghi nhận tiềm năng. Từ những thước phim diễm tình của đạo diễn họ Vương, Trương Mạn Ngọc bước vào khung hình lãng mạn của nhiều đạo diễn tên tuổi khác.

Những năm tháng ấy, Dương Tử Quỳnh và Trương Mạn Ngọc - người được ca tụng đệ nhất đả nữ, người được tôn vinh nữ hoàng của dòng phim diễm tình, mỗi người "hùng cứ một phương". Nhưng thực tế, cả hai đều theo đuổi hình tượng đa dạng trên màn ảnh.

Từ thuở mới vào nghề, Mạn Ngọc kinh qua nhiều dạng vai và dòng phim, từ thanh xuân ngôn tình, tâm lý đến hài, hành động. Dương Tử Quỳnh gắn mình với phim võ thuật và hành động dài hơi hơn, mãi đến đầu thập niên 2000 mới thử sức các phim tâm lý nặng tại Hollywood.

Ba lần chạm mặt trên màn ảnh

Trong Câu chuyện cảnh sát 3 (năm 1985), Dương Tử Quỳnh đóng chính, Trương Mạn Ngọc đóng phụ. Đất diễn chung không nhiều nhưng hai người cùng theo sát quá trình tập cảnh hành động của đoàn phim. Chị em nhà họ Tống (năm 1997) là lần duy nhất họ vào vai chị em: Tử Quỳnh tái hiện chân dung chị cả Tống Ái Linh, Mạn Ngọc nhập vai chị hai Tống Khánh Linh. Họ cùng nhau viết nên câu chuyện đậm màu tính nữ về gia đình vang danh trên chính trường Trung Quốc.

Dấu ấn đẹp nhất về màn kết hợp của họ là hai phần phim Đông phương tam hiệp (cùng sản xuất năm 1993). Tác phẩm hòa trộn nhiều yếu tố: giả tưởng, hành động, võ thuật, trinh thám, tận thế, tình cảm, giật gân; chịu ảnh hưởng của phim siêu anh hùng Mỹ, mang đậm dấu ấn phim võ thuật và kinh dị Hong Kong, lại pha trộn chút ít chất liệu hành động Nhật Bản.

Chuyện phim xoay quanh ba nữ hiệp cùng nhau trừ gian diệt bạo, được đánh giá đi trước thời đại so với điện ảnh Hong Kong khi ấy và đến nay vẫn được xem là tác phẩm tiêu biểu của cả ba nữ chính Mai Diễm Phương, Dương Tử Quỳnh, Trương Mạn Ngọc. Theo Sohu, Dương Tử Quỳnh được trả cát-xê cao nhất, bởi cô là người duy nhất có kinh nghiệm đóng phim võ thuật, đảm đương các cảnh cận chiến quan trọng.

Tác phẩm này cũng ít nhiều ghi dấu sự phá cách của Hoa hậu Malaysia và Á hậu Hong Kong. Phát huy sở trường đánh đấm, Dương Tử Quỳnh đồng thời một lần hiếm hoi thể hiện chuyện tình sướt mướt trên màn ảnh. Trong ba nữ chính, cô có nhiều cảnh sến nhất phim.

Trong khi đó, Trương Mạn Ngọc thoát vai nàng thơ yêu kiều, trở thành cô nàng ăn vận bốc lửa, tính tình bốc đồng, đanh đá và vụng về. Sự "đổi vai" của họ mang đến điểm nhấn thú vị cho người xem. Trong cuộc trò chuyện với tờ The Hollywood Reporter năm ngoái, Dương Tử Quỳnh chọn Đông phương tam hiệp vào top phim cô tự hào nhất của mình.

KK News cho biết ba người đẹp quen biết nhau từ trước nhưng nhờ phim này kết thành tỷ muội thân tình. Ngày Mai Diễm Phương qua đời cách đây 20 năm, Dương Tử Quỳnh và Trương Mạn Ngọc đều có mặt tiễn đưa người bạn thân đoạn đường cuối.

Bước chân châu Á trên màn bạc quốc tế

Hai minh tinh "tiến quân" quốc tế trong cùng giai đoạn. Năm 1997, Dương Tử Quỳnh gây chú ý với danh xưng Bond girl gốc Á đầu tiên qua bom tấn Tomorrow Never Dies. Trương Mạn Ngọc chọn châu Âu làm điểm đến, mở màn là phim Irma Vep năm 1996. So với đàn chị, cô đóng ít phim ngoại hơn, cũng không có nhiều vai chính bằng.

Tuy nhiên, dù tại thị trường Hoa ngữ hay thế giới, Mạn Ngọc nổi bật hơn hẳn về thành tựu sự nghiệp. Danh xưng "Ảnh hậu" đến với cô lần đầu tại giải thưởng Kim Mã năm 1989. Đến nay, cô nắm giữ 20 giải "Nữ diễn viên xuất sắc".

Thời trẻ, Dương Tử Quỳnh cũng nhận không ít đề cử nhưng chưa một lần chiến thắng. Mãi đến một năm trở lại đây, cô càn quét các giải lớn nhỏ toàn cầu, mang về 20 giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc", với phim Everything Everywhere All At Once.

Dương Tử Quỳnh là người châu Á đầu tiên giành tượng vàng Oscar ở hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc", người gốc Hoa đầu tiên thắng giải tương tự ở Quả cầu vàng.

Trương Mạn Ngọc là ngôi sao châu Á đầu tiên giành danh hiệu "Nữ diễn viên chính xuất sắc" ở Cannes, cũng là minh tinh gốc Hoa đầu tiên đăng quang ảnh hậu ở cả Liên hoan phim (LHP) Berlin và Cannes.

Cùng Củng Lợi – diễn viên người Hoa đầu tiên thắng "Nữ diễn viên chính xuất sắc" ở LHP Venice, họ trở thành ba tượng đài làm nên lịch sử trong làng phim thế giới. Truyền thông Trung Quốc kỳ vọng câu chuyện của họ truyền cảm hứng và mở đường cho cơ hội của Chương Tử Di, Châu Tấn.

Bước ra quốc tế sớm hơn nhưng lận đận hơn trên đường công danh, Dương Tử Quỳnh gắn mình với điện ảnh bền bỉ hơn đồng nghiệp. Trong khi Trương Mạn Ngọc đã 13 năm không còn đóng phim, chọn cuộc sống bình đạm, dân dã, Dương Tử Quỳnh vẫn miệt mài thử nghiệm những điều mới của điện ảnh, để làm nên mùa xuân mới trong sự nghiệp ở tuổi 61.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới