Xem - Thứ sáu, 30/12/2022, 00:00 (GMT+7)

Điện ảnh Việt 2022: Phim dở ngập tràn, phim tốt hoang mang

Có tín hiệu hồi sinh sau Covid-19 nhưng tốc độ còn chậm, điện ảnh Việt năm qua buồn nhiều hơn vui khi phim thảm họa ra rạp dễ dàng, trong khi các tác phẩm được làm tử tế không đạt doanh thu hiệu quả.

Nói về phim Việt năm qua, từ khóa xuất hiện nhiều nhất trên các diễn đàn, hội nhóm phim là "thảm họa". Nhiều khán giả bày tỏ bức xúc và mất niềm tin với ngành phim nội địa. Hiện tượng này như đưa điện ảnh Việt trở về trước 2017 - giai đoạn phim dở ngập tràn, phim tốt không khác gì đãi cát tìm vàng.

'Em và Trịnh' là phim Việt duy nhất chạm mốc 100 tỷ đồng trong năm 2022. Ảnh: Galaxy Studio

Điện ảnh hồi sinh chậm

2021 được ví là năm phim Việt ngủ đông bởi trong dịch, rạp chiếu đóng cửa thời gian dài, lịch phát hành phim xô đổ như quân domino, thị trường thất thu. Tháng 11 năm ngoái, theo đà "bình thường mới", ngành công nghiệp chiếu bóng vận hành trở lại và dần đi vào quỹ đạo quen thuộc khi bước sang 2022.

Theo thống kê của trang phim Moveek, năm qua Việt Nam có 38 phim chiếu rạp. Sản lượng này cao hơn năm 2017 (36 phim); tương đương năm 2018-2019 (cùng 40 phim); gấp khoảng 1,9 lần năm 2020 (24 phim) và gấp hơn 2,7 lần so với năm 2021 (14 phim, thấp nhất trong 10 năm trước đó). Trong số này, Trạng Tí phiêu lưu ký chiếu lại, Rừng thế mạng ra rạp từ 31/12/2021 nên được tính vào danh sách phim năm 2022.

Dịch bệnh được kiểm soát, rạp mở trở lại, phim chiếu đều đặn, song doanh thu phim chưa thể lấy lại phong độ trước thời Covid-19. Từng là cột mốc để phim Việt phấn đấu, 100 tỷ đồng doanh thu hiện trở thành con số xa xỉ.

Đến nay, năm 2022 chứng kiến duy nhất phim Em và Trịnh chạm mốc này. Tuy nhiên, phim được đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, thêm chi phí truyền thông – marketing, cần gần 200 tỷ đồng mới được xem là hòa vốn.

Năm qua, doanh thu trên 50 tỷ đồng được xem là cao, nhưng lượng phim đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay, gồm Bẫy ngọt ngào (83,3 tỷ đồng), Nghề siêu dễ (68,7 tỷ đồng), Chìa khóa trăm tỷ (65,3 tỷ đồng), Chuyện ma gần nhà (58,8 tỷ đồng), Cô gái từ quá khứ (53 tỷ đồng).

Trong 38 phim, có 6 phim thu lãi: Nhà không bán, Chuyện ma gần nhà, Bẫy ngọt ngào, Đêm tối rực rỡ, Nghề siêu dễ, Chìa khóa trăm tỷ. Bốn phim đạt điểm hòa vốn gồm Bóng đè, Dân chơi không sợ con rơi, Cô gái từ quá khứ, Mười: Lời nguyền trở lại.

Còn lại là phim thua lỗ. Trường hợp lỗ nặng điển hình là Kẻ thứ ba - Lý Nhã Kỳ đầu tư 33 tỷ đồng nhưng thu về chỉ khoảng 1 tỷ đồng, 578: Phát đạn của kẻ điên được quảng bá có kinh phí 60 tỷ đồng nhưng thu về hơn 3,5 tỷ đồng.

Ba phim Tro tàn rực rỡ, Thanh Sói: Cúc dại trong đêmĐảo độc đắc - Tử Mẫu Thiên Linh Cái hiện vẫn trụ rạp, nhưng doanh thu không khởi sắc. Thuộc dòng phim độc lập có phần kén người xem, Tro tàn rực rỡ thu về chưa tới 4 tỷ đồng sau gần 5 tuần chiếu.

Cùng khởi chiếu dịp Giáng sinh, Thanh Sói Đảo độc đắc mỗi phim chỉ kiếm hơn 5 tỷ đồng sau ba ngày đầu tiên, thất thế hoàn toàn trên sân nhà trước bom tấn Avatar 2. Qua một tuần, Thanh Sói mới kiếm hơn 8,6 tỷ đồng và Đảo độc đắc thu về hơn 7,8 tỷ đồng.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (phim Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình) thừa nhận điện ảnh Việt Nam 2022 có sự hồi sinh nhưng còn chậm. Anh chỉ ra dưới áp lực của đại dịch trong hai năm 2020-2021, các nhà sản xuất còn nhiều e dè, chưa nhiều dự án được sản xuất để kịp ra mắt năm qua. Theo quan sát của anh, thị trường làm phim còn nhiều khó khăn do không có chính sách hồi phục điện ảnh hậu Covid-19.

Ngoài ra, đạo diễn cho rằng thói quen xem phim của công chúng Việt Nam đã thay đổi sau nhiều đợt giãn cách kéo dài. Thay vì ra rạp, nhiều người lựa chọn xem phim trên các nền tảng trực tuyến. Kinh tế suy thoái cũng tác động lớn đến hình thức giải trí.

"Ví dụ, có những người trước đây một tháng xem ba, bốn phim nhưng giờ, họ chỉ sẵn sàng ra rạp một, hai lần mỗi tháng. Họ phải cân nhắc phim nào nên xem, phim nào không", đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói.

Theo quan điểm của đạo diễn Bảo Nhân (Gái già lắm chiêu), tốc độ tăng trưởng phòng vé chậm là tình hình chung của điện ảnh thế giới, không riêng Việt Nam. Anh ghi nhận gần 40 phim ra rạp năm sau Covid-19 là một điều đáng khích lệ, cho thấy nỗ lực của các nhà làm phim trong việc duy trì thói quen ra rạp của khán giả.

Đạo diễn – nhà sản xuất Nam Cito (Gái già lắm chiêu) đánh giá thói quen của khán giả đã thay đổi và được nâng cao, trong khi các nhà sản xuất phim Việt chưa đáp ứng kịp và đủ các nhu cầu này. Đó là lý do khiến phim Việt thất thế trên sân nhà.

'Cô gái từ quá khứ' nằm trong số ít phim Việt doanh thu trên 50 tỷ đồng năm qua. Ảnh: Mar6

Với bộ đôi Bảo Nhân – Nam Cito, tuy phim Cô gái từ quá khứ doanh thu khiêm tốn (hơn 53 tỷ đồng), tác phẩm mang về nhiều tín hiệu đáng mừng. Đạo diễn Bảo Nhân nói: "Cô gái từ quá khứ không chỉ được công nhận là một bước chuyển mình trong chuyên môn làm phim của đạo diễn, nhà sản xuất, phim còn đem đến sự thay đổi vượt bậc về diễn xuất của Lan Ngọc và Kaity Nguyễn. Chúng tôi mừng vì giữa tình hình tất cả các ngành đều chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế, bộ phim vẫn gặt hái được thành công. Tất nhiên, sau mỗi dự án, chắc chắn chúng tôi đều có tiếc nuối. Chúng tôi coi đó là bài học để khắc phục trong các dự án tiếp theo".

Phim dở thì nhiều, phim tốt quá ít

Từ khoảng 2016-2017, điện ảnh Việt dần lấy lại niềm tin nơi khán giả. Thị trường không phải sạch bóng hoàn toàn phim yếu kém nhưng các sản phẩm thô tục, nặng tính câu dẫn giảm đi nhiều. Đồng thời, nhiều tác phẩm chất lượng làm hài lòng khán giả, giúp các cột mốc doanh thu 100-200-400 tỷ đồng lần lượt bị xô đổ.

Qua đợt dịch, năm 2022 đưa điện ảnh đi lùi lại các thành tựu mất nhiều năm tạo dựng. Năm qua, các cụm từ "phim rác", "phim thảm họa", "phim xúc phạm người xem" xuất hiện nhiều trở lại. Các phim bị gắn mác như vậy gồm Ê ông già, yêu ha, Kẻ đào mồ, Trò chơi tử thần, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn, Huyền sử vua Đinh, Duyên ma.

Ngoài ra, các phim Mưu kế thượng lưu, 1990, Người tình, Người lắng nghe, Mến gái miền Tây, Qua bển làm chi, Mỹ nhân thần sách, Những cô vợ hành động, 578: Phát đạn của kẻ điên, Đảo độc đắc bị chê hơn được khen. Phần lớn phim bị đánh giá kịch bản lộn xộn, cách dàn dựng cũ kỹ, hình ảnh thiếu thẩm mỹ, diễn viên vào vai thiếu cảm xúc.

'Duyên ma' do Kiều Minh Tuấn và Ngọc Trinh đóng chính là một trong các 'thảm họa' của năm. Ảnh: Galaxy Studio

Trong số này, không ít phim ra rạp không kèn không trống, nhiều người không biết đến sự tồn tại của chúng. Mưu kế thượng lưu vốn là web drama nhưng được cắt gọt cho đủ thời lượng chiếu rạp. Ê ông già, yêu ha, Virus cuồng loạn, Huyền sử vua Đinh rời rạp sau vài ngày chiếu.

Trong khi phim kém chất lượng chiếm gần một nửa lượng phim 2022, số phim tử tế ra rạp năm qua không nhiều. Người viết dùng từ "phim tử tế" thay vì "phim hay" bởi phim hay – dở tùy "khẩu vị" khán giả, thiên về cảm tính. Phim tử tế là các sản phẩm nội dung có thể hay hoặc chưa, có thể còn "sạn" nhưng được làm chỉn chu, nghiêm túc từ kịch bản đến sản xuất, phát hành.

Hạng mục này dành cho Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Đêm tối rực rỡ, Em và Trịnh – Trịnh Công Sơn, Cô gái từ quá khứ, Tro tàn rực rỡ, Thanh Sói, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ, Mười: Lời nguyền trở lại, Bóng đè, Kẻ thứ ba...

Trong số này, Em và Trịnh là phim duy nhất thu về trên 100 tỷ đồng nhưng gây tranh cãi xung quanh câu chuyện dựa theo các nhân vật có thật. Bẫy ngọt ngào, Chuyện ma gần nhà, Cô gái từ quá khứ, Thanh Sói, Chìa khóa trăm tỷ, Nghề siêu dễ cân đối được cán cân khen – chê.

Bên dưới nhiều bài đăng của Ngôi Sao, độc giả chỉ ra lỗi muôn thuở của phim Việt là thoại sống sượng. Trên các hội nhóm Facebook, không ít người cho biết họ thất vọng, tiếc tiền mua vé vì xem phải một số phim dở, dẫn đến tâm lý cảnh giác, thậm chí nói không với phim Việt. Điều này cho thấy tác động xấu của loạt phim kém chất lượng với các dự án được làm tử tế.

Thảo luận về việc đặt tiêu chuẩn cho phim ra rạp, đạo diễn – nhà sản xuất Nam Cito cho biết: "Nghệ thuật, sáng tạo không có giới hạn và quy chuẩn. Tôi tin các nhà làm phim luôn khát khao tạo ra một tác phẩm hay để phục vụ khán giả. Không ai muốn tạo ra một sản phẩm thảm hoạ".

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận định trước khi có sự đào thải từ khán giả, phim hay – dở cần được qua lớp gạn lọc của các đơn vị phát hành. "Nếu nhà phát hành cương quyết hơn trong việc nhận phát hành phim nào và từ chối phim nào, thị trường ít nhiều sẽ chọn lọc phim tốt hơn", anh nói.

Các hiện tượng nổi bật

Năm 2022, điện ảnh Việt tiếp tục chứng kiến sự đa dạng thể loại: tình cảm, tâm lý, hài, hành động nhưng lên ngôi nhất là kinh dị và thriller (giật gân). Trong số 38 phim đã chiếu, 13 phim chứa một trong hai chất liệu này.

Thành công doanh thu của Chuyện ma gần nhà (hơn 58, 8 tỷ đồng) và Nhà không bán (hơn 26,8 tỷ đồng) cho thấy sức hút của kinh dị - thriller với khán giả Việt, dự báo dòng phim này sẽ tiếp tục được khai thác trong năm 2023. Tuy nhiên, nhiều phim thuộc thể loại này chưa thuyết phục như Đảo độc đắc, Rừng thế mạng, Bóng đè, Mười: Lời nguyền trở lại...

Sau vài năm liên tục có bản điện ảnh của web drama, điện ảnh Việt 2022 ghi dấu sự kiện lần đầu xuất hiện – hai bản của một phim cùng chiếu, đó là Em và TrịnhTrịnh Công Sơn. Tuy nhiên sau vài ngày, phiên bản Trịnh Công Sơn rút khỏi rạp, nhà sản xuất và nhà phát hành dồn lực quảng bá cho Em và Trịnh.

Tương tự Ròm của năm 2020, Đêm tối rực rỡphim độc lập kinh phí thấp hiếm hoi đến gần khán giả và đạt hiệu ứng truyền miệng tốt. Câu chuyện gia đình nhiều xung đột và chứng bệnh trầm cảm được nhắc đến trong phim gần gũi đời thật, mang tính thời sự ở giai đoạn phát hành. Đó là một lợi thế.

Phim nhận đánh giá tốt về chuyên môn, thu hơn 20,7 tỷ đồng. Ngoài ra, phim thắng 5 giải tại Cánh Diều 2022: "Cánh Diều Vàng cho Phim điện ảnh xuất sắc", "Nữ diễn viên chính phim điện ảnh xuất sắc", "Kịch bản phim điện ảnh xuất sắc", "Nam diễn viên phụ phim điện ảnh xuất sắc", "Quay phim điện ảnh xuất sắc". Đây cũng là tác phẩm được chọn đại diện Việt Nam gửi đến hạng mục "Phim không nói tiếng Anh xuất sắc" ở giải thưởng Quả Cầu Vàng, nhưng không được chọn vào top đề cử.

Mùa phim Tết 2022 chiếu lại phim Trạng Tí và có ba phim mới: Nhà không bán, 1990, Chìa khóa trăm tỷ. Trong đó, Nhà không bán là phim có nội dung bình dân nhất, bối cảnh tối giản nhất (gần như gói gọn trong một căn nhà), tính thẩm mỹ thấp nhất. Trong khi hai phim kia quy tụ nhiều ngôi sao phòng vé, phim này chủ yếu hút khách bằng tên tuổi Việt Hương. Dù vậy, phim kiếm lời với hơn 28,6 tỷ đồng, cao hơn 1990 (chưa tới 22,7 tỷ đồng). Nhiều khán giả đánh giá phim này có tính truyện, có cái để xem hơn 1990, chất hài cũng khá giải trí.

Gây đáng tiếc và bất bình nhất là Maika - Cô gái đến từ hành tinh khác - phim dành cho thiếu nhi nhưng khó tiếp cận khán giả nhỏ tuổi, khi được xếp ít lịch chiếu, chủ yếu vào các khung giờ sáng hoặc tối. Tình trạng này từng diễn ra với phim Mặt trời con ở đâu? năm 2018.

Ở 'Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác', diễn xuất của dàn sao nhí gây thiện cảm, nội dung ở mức độ khá. Ảnh: BHD

Kỳ vọng 2023

Năm 2022, điện ảnh Việt khá buồn ở mảng phát hành phim nhưng có nhiều tín hiệu tốt trong khâu sản xuất. Các dự án bị trì hoãn trước đó do đại dịch lần lượt được khởi động trở lại. Nổi bật là Đất rừng phương Nam (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi). Sau 5 năm chuẩn bị, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bấm máy ở An Giang hôm 18/12 với đại cảnh được dàn dựng công phu và khoảng 300 diễn viên quần chúng góp mặt.

Bên cạnh đó, phim lấy cảm hứng về hai mỹ nhân Ba Trà và Tư Nhị của Sài Gòn xưa – Chị chị em em 2 – đã hoàn thành, chuẩn bị chiếu Tết. Dự án về cuộc đời Nam Phương hoàng hậu và phiên bản điện ảnh của Người đẹp Tây Đô đang trong giai đoạn làm kịch bản. Phim Công tử Bạc Liêu tổ chức casting hồi tháng 9. Các dự án này cho thấy làm phim về nhân vật có thật và làm phiên bản mới cho câu chuyện phim đã thành kinh điển đang là xu hướng nở rộ của điện ảnh Việt Nam.

Ngoài ba phim gia nhập đường đua phim Tết 2023 – Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầy, điện ảnh trong nước năm tới có một số phim khác xác nhận ra rạp gồm Móng vuốt, Mặt nạ Fanti, Hoa hồng đen, Tết ở làng địa ngục. Các đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Bảo Nhân, Nam Cito đều kỳ vọng các tác phẩm này đủ thu hút khán giả, giúp phim Việt khởi sắc.

First look Chị chị em em 2
 
 
First Look của phim 'Chị chị em em 2'

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới