Đạo diễn Bảo Nhân (series Gái già lắm chiêu) gọi năm qua là thời điểm "ngủ đông" lâu nhất trước nay của điện ảnh Việt. Đạo diễn - nhà sản xuất Lý Minh Thắng (Sài Gòn, anh yêu em; Mẹ chồng) phân tích: "Tôi nghĩ chỉ khi trữ lương thực đầy đủ, người ta mới sẵn sàng ngủ đông. Còn điện ảnh của chúng ta năm qua phải đi chậm lại một cách bị động".
Theo số liệu của Moveek, năm ngoái điện ảnh Việt có 14 phim ra rạp, ít nhất trong 10 năm từ 2012 đến nay, chưa bằng một nửa số phim phát hành các năm 2017, 2018 và 2019 (lần lượt là 36; 40 và 40 phim ra rạp).
12 phim đẩy lịch chiếu sang năm 2022 gồm: 1990, Em và Trịnh, Bẫy ngọt ngào, Chìa khóa trăm tỷ, Đêm tối rực rỡ, Vô diện sát nhân, Dân chơi không sợ con rơi, Người lắng nghe: Lời thì thầm, Chuyện ma gần nhà, Thanh Sói, 578: Phát đạn của kẻ điên, Mỹ nhân thần sách.
Thay vì các phim mới dành riêng đón năm mới như thông lệ, Tết Nguyên đán 2022 dành cho hai phim vỡ kế hoạch ra rạp năm 2021 - Chìa khóa trăm tỷ và 1990, đồng thời chiếu lại phim Trạng Tí.
Trong số 13 phim đã kết thúc chiếu trong năm 2021, duy nhất Bố già lập kỷ lục doanh thu hơn 400 tỷ đồng, thêm phim Lật mặt: 48h vượt mốc trăm tỷ, hai phim Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Thiên thần hộ mệnh hòa vốn. Các phim còn lại đều thua lỗ. Khởi chiếu hôm 31/12/2021, Rừng thế mạng thu về khoảng 11,5 tỷ đồng sau chín ngày và hiện vẫn trụ rạp.
Sở hữu phim Bố già đại thắng nhưng đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cảm thấy buồn khi nhìn lại bức tranh tổng thể của ngành năm 2021. Anh chia sẻ: "Rạp chiếu toàn quốc đã đóng cửa khoảng nửa năm. Khi bình thường mới, rạp chỉ được kinh doanh cầm chừng với số rạp mở lại hạn chế và ghế ngồi giãn cách. Đại dịch gây ra tổn thất lớn cho nhà sản xuất, nhà phát hành và nhà rạp".
Hiện thực đáng tiếc kể trên một mặt là hệ quả của đại dịch, mặt khác bắt nguồn từ chất lượng và sức hút của phim.
Năm 2021, ngành công nghiệp chiếu bóng nội địa "đóng băng" hai đợt: giữa tháng 1 đến cuối tháng 3 và đầu tháng 5 đến đầu tháng 11. Hai tháng cuối năm, rạp chưa vận hành ở Hà Nội và một số tỉnh thành, giảm mức độ phổ biến của phim.
Rạp dừng hoạt động kéo theo nhiều phim trì hoãn hoặc hủy kế hoạch ra mắt. Lần đầu tiên, điện ảnh Việt đánh mất hai giai đoạn kiếm tiền chủ chốt trong năm: mùa phim Tết Nguyên đán và mùa phim hè. Mùa phim dịp lễ 30/4 - 1/5 diễn ra chỉ khoảng một tuần.
Dịp lễ cuối năm, dưới áp lực rạp chưa mở hết trong khi hàng loạt bom tấn Hollywood đổ bộ, duy nhất một phim Việt Nam can đảm ra rạp, đó là Rừng thế mạng (tựa cũ Tà Năng - Phan Dũng). Phim Bóng đè (đáng ra chiếu Giáng sinh) và Bẫy ngọt ngào (dự kiến chiếu Tết tây) đều lặng lẽ rút lịch.
Về chất lượng, phim Việt năm 2021 đều nhận phản hồi trái chiều từ báo chí và khán giả. Tuy nhiên, chúng có thể chia thành ba mức độ tranh cãi.
Ba phim Lật mặt: 48h, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Bố già cho thấy cán cân nghiêng về những lời khen nhiều hơn nhờ tạo dựng không khí đúng thể loại và làm khán giả sống được trong câu chuyện của kịch bản.
Được làm chỉn chu với nghiệp vụ của êkíp tốt, nhưng các phim Trạng Tí, Võ sinh đại chiến, Thiên thần hộ mệnh, Song song, 'Em' là của em, Rừng thế mạng nhiều điểm chưa thuyết phục, thiếu sự bùng nổ giữ chân khán giả.
Trong khi, Cậu Vàng, Sám hối, Kiều@, Kiều bị công chúng gắn mác "thảm họa".
Là thành viên ban giám khảo phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, đạo diễn - nhà sản xuất Lý Minh Thắng có dịp quan sát trọn vẹn phim chiếu rạp hai năm qua. Với 2021, anh tiếc cho Song song (Nhã Phương đóng chính) và 'Em' là của em - tác phẩm do anh sản xuất.
Lý Minh Thắng nói: "Thị trường điện ảnh thay đổi rất nhanh. Khán giả hiện giờ tiếp cận nhiều thứ mới, nhu cầu cao. Họ sẽ không chấp nhận các phim quá lành, an toàn và thiếu bùng nổ như vậy".
Bên cạnh loạt phim đã chiếu thất thu, nhiều dự án mới không thể sản xuất đúng tiến độ.
Phim Nam nhân ngư của đạo diễn Đức Thịnh không kịp bấm máy tháng 9 năm ngoái để ra mắt Tết Nguyên đán năm nay.
Theo lịch trình sau Bố già, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng vừa quay vừa chiếu phim dài tập Mẹ ác ma, cha thiên sứ vào giữa năm và bấm máy phim điện ảnh mới dịp cuối năm. Nhưng do dịch, kế hoạch như quân domino bị xô đổ. Mẹ ác ma, cha thiên sứ hiện chưa đóng máy và phim điện ảnh lùi qua giữa năm 2022.
Đạo diễn Lý Minh Thắng và nhà sản xuất - diễn viên Thanh Hằng cũng phải hoãn phim Quỳnh hoa nhất dạ từ tháng 8/2021 đến mùa thu 2022. Để tập trung tinh thần cho dự án quan trọng này, Lý Minh Thắng rút tên khỏi êkíp sản xuất hai bộ phim khác.
Tương tự, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito không thể quay phim Cô gái từ quá khứ hồi năm ngoái, kéo theo hai phim điện ảnh khác và series sáu mùa Tứ đại mỹ nhân của họ lùi lịch.
Dù vậy, các nhà làm phim chọn đối diện tình trạng này bằng tinh thần lạc quan. Đạo diễn Bảo Nhân coi nửa năm nghỉ dịch là dịp nghỉ ngơi, chuẩn bị kỹ hơn cho các dự án mới.
Đợt giãn cách, đạo diễn Lý Minh Thắng khai phá những góc nhìn mới cho kịch bản Quỳnh hoa nhất dạ. Anh nhận ra điều tích cực nhất đại dịch và giãn cách làm được là kết nối anh em ngành phim tốt hơn. Anh trân trọng chiến dịch hỗ trợ những người làm phim thất nghiệp mùa dịch do đàn anh Nguyễn Quang Dũng khởi xướng.
Hoãn chiếu quá nhiều trong năm 2021, điện ảnh Việt sẽ rơi vào tình trạng ùn ứ và cạnh tranh trong năm 2022. Trái lại, phim trực tuyến với đặc tính dễ phát hành, dễ tiếp cận trở thành món ăn giải trí phù hợp thời dịch.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, đạo diễn Bảo Nhân ghi nhận phim chiếu mạng mang đến thêm lựa chọn cho khán giả nhưng không cho rằng dòng phim này có thể thay thế phim chiếu rạp. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: "Trải nghiệm mấy trăm người xa lạ cùng chia sẻ chung cảm giác về một bộ phim không thể thay thế. Tôi tin phim rạp sẽ tồn tại mãi mãi".
Đạo diễn Lý Minh Thắng nhìn nhận phim chiếu mạng là xu hướng lâu dài và đại dịch là yếu tố thúc đẩy dòng phim này lên ngôi sớm hơn. Theo anh, phim trực tuyến có áp lực của phim trực tuyến, đồng thời tạo ra thêm áp lực cho phim rạp: "Khi phim mạng được đầu tư, phim rạp càng phải nâng cao chất lượng để khán giả thấy việc chi tiền ra rạp xứng đáng".
Phong Kiều