4 ngày sau thảm họa động đất và sóng thần làm hơn 1.200 người thiệt mạng, Palu, thành phố phía đông của Indonesia, vẫn trong cơn quay cuồng. Thành phố với khoảng 380.000 dân, hiện vừa phải "gồng mình" với những đợt tìm kiếm người chết, nạn nhân còn mắc kẹt dưới các tòa nhà đổ nát, vừa phục vụ nhu cầu cho người sống.
Wati, 20 tuổi, thất nghiệp và là mẹ của một đứa con. Cô bị cuốn vào đám đông khoảng 20 người không ngừng xô nhau dùng cuốc lấy tiền trong một máy ATM. Gần đó, cảnh sát bắn súng chỉ thiên, rồi bắn đạn thật vào những kẻ trộm cướp và nhân chứng. Wati nằm trong số người không may trúng đạn. Cô khóc vì đau đớn và sốc khi được đưa đến bệnh viện điều trị.
Sáng 1/10, hàng nghìn người tuyệt vọng tràn vào sân bay Palu, dường như muốn trốn khỏi thành phố này ngay lập tức. Người ta điên cuồng chạy vào cả đường băng đến nỗi một chiếc máy bay của không quân Indonesia mang theo đồ cứu trợ thậm chí không thể hạ cánh.
Nhiều người lang thang khắp nơi để tìm kiếm thành viên gia đình mất tích. Những người khác đi tới bệnh viện, nơi một phần trong đó được biến thành nhà xác tạm thời, mong tìm được người thân. Gặp bất cứ xe nào đi vào Palu, người dân đều chặn lại, xin bất cứ thứ gì từ nhiên liệu, thực phẩm đến nước uống.
Trong khi đó ở Donggala, khu vực đánh bắt cá gần Palu, hàng trăm cư dân phải sống trong các lều trại dựng tạm bên lề đường vì nhà cửa đã bị hư hỏng hoàn toàn và do lo sợ dư chấn. Ông Jan Gelfand, chủ tịch Liên đoàn Hội chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết: "Tình hình ở các khu vực bị ảnh hưởng quả thật là ác mộng". Những người sống sót hiện thiếu lương thực, nước uống và nơi ở.
Theo chính quyền Indonesia, hơn 1.000 tù nhân đã trốn thoát khỏi 3 nhà tù địa phương. Tuy nhiên, việc bắt giữ các tù nhân đang không còn là ưu tiên hàng đầu do cảnh sát đã quá tải.
Nỗ lực cứu hộ bị hạn chế bởi thiếu máy móc, cảnh sát thì bận rộn đối phó với nạn cướp bóc. Tại một số tòa nhà bị đổ sập, công nhân vẫn phải dùng tay kéo các khối gạch đá ra. Các quan chức của ủy ban ứng phó thảm họa quốc gia Indonesia dự đoán số người chết có khả năng còn tăng cao hơn nữa do hệ thống cảnh báo thiên tai sớm không hoạt động.
Sạt lở đất và những con đường bị phá hủy bởi động đất đã ngăn các nhân viên cứu hộ đến được các ngôi làng. Một nhóm thuộc hội Chữ thập đỏ Indonesia đã phát hiện ra xác của 36 người ở Sigi, ngay phía nam Palu, hôm 1/10. Những nạn nhân này thậm chí còn chưa được tính vào số người chết chính thức do thiên tai của chính phủ.
Một hố chôn tập thể đã được chính quyền Indonesia triển khai. Các nhà chức trách đưa tất cả thi thể tìm thấy tới ngôi mộ khổng lồ này sau khi lấy mẫu ADN để sau này xác nhận danh tính.
Trong chuyến thăm khu vực bị thiên tai hôm 30/9, Tổng thống Joko tuyên bố đây là thảm họa quốc gia và mở cửa nhận viện trợ nước ngoài. Trong các thảm họa trước đây, chính quyền Indonesia thường tự xử lý công việc cứu trợ và từ chối nhận hỗ trợ, khiến nhiều người đồng loạt chỉ trích.
Indonesia từng ghi nhận trận sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử xảy ra ở phía bắc của đảo Sumatra năm 2004 khiến hơn 130.000 người thiệt mạng. Thảm họa cách đây 14 năm cũng ảnh hưởng và làm nhiều người chết ở 13 quốc gia khác.