Bên trong số nhà 55 ngõ Văn Chương, Hà Nội, là một thế giới đối lập với sự tấp nập phía ngoài. Phía sau lớp kính dày, những người thợ và khách tại tiệm tóc Thành Nguyễn không ai nói với ai một lời nào. Mọi tập trung dồn vào đôi tay và những cây kéo.
Nhân viên gật gù đón khách bằng một nụ cười rồi rụt rè tìm cách hiểu mong muốn của họ. Khách viết ra yêu cầu về tóc hoặc cho xem ảnh mẫu; người thợ ra dấu "OK", thực hiện, rồi lại nhận "feedback" (phản hồi) và đưa thêm tư vấn đều trên giấy hoặc điện thoại.
Nhóm thợ trẻ trong phút giải lao của mình, chăm chú nhìn vào màn hình MV ca nhạc nhưng nhạc không phát ra.
Khách ghé salon Thành Nguyễn có người vì tò mò, có người đã quen với sự chăm sóc không bằng ngôn từ của những lao động điếc ở đó. Người khác đến bằng lòng khâm phục dành cho con đường lập nghiệp của ông chủ 9X Nguyễn Thái Thành.
Thành điếc bẩm sinh nhưng chàng trai 28 tuổi không muốn gọi mình là khiếm thính vì theo anh, đó là những người còn khả năng nghe nói nhưng hạn chế. Sinh ra ở Bắc Giang, Thành là người điếc duy nhất trong nhà và quê anh không có trường riêng cho trẻ điếc. Suốt những năm tháng tiểu học, Thành hoàn toàn không hiểu những gì cô giáo dạy. Chưa kịp sáng rõ về thế giới xung quanh, cậu bé sớm nhận bài học là sự chế giễu, bắt nạt và không được người lớn đặt kỳ vọng.
Bước ngoặt đến năm 13 tuổi, khi anh được chuyển tới Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính (Hà Nội). Tại đây, Thành lần đầu tiếp xúc ngôn ngữ ký hiệu và lập tức, nó như "mối tình đầu" của anh.
"À đây là ngôn ngữ của mình", Thành tự nhủ lúc ấy. Những tâm tư thầm kín của trẻ điếc từng khó sẻ chia bấy giờ có nơi gửi gắm.
Thành học hai năm trong "mái nhà" Nhân Chính thì phải rời đi xin việc. Hồ sơ của anh liên tiếp nhận những cái lắc đầu dù có tay nghề sửa xe máy hay photocopy. Thành cho biết rất nhiều cánh cửa đã đóng lại với mình. Anh luôn thắc mắc tại sao người điếc ít được trao cơ hội làm việc mà không tìm ra câu trả lời.
May mắn đến năm 16 tuổi khi Thành được chỉ chỗ học cắt tóc do người điếc đứng lớp. Từ đây, anh xác định: "Đã chọn điều gì, tôi đi đường thẳng chứ không lan man".
Anh học nghề tóc năm đầu rồi tiếp tục trau dồi kỹ năng chuyên sâu tại lớp của giáo viên bình thường. Dù khó tiếp thu, anh nhẫn nại ghi chép và đem về nhà nhờ giải thích thêm, rồi thực hành cắt tóc miễn phí cho người xung quanh.
Năm 2011, Thành Nguyễn tự tin mở cửa hàng cắt tóc kiếm tiền ở một nơi khiêm tốn và không "hoành tráng" như bây giờ. Những khách hàng đầu tiên không thể nói chuyện với Thành. Họ nhìn gương mặt tròn, cặp mắt hí và tưởng anh là người Hàn Quốc. Thành im bặt, chỉ đem tay nghề ra thuyết phục khách.
"Người điếc muốn được gọi là điếc", Nguyễn Thái Thành nói.
Một lần, anh tiết lộ "tôi là người điếc" nhưng khách hàng bảo: "À ra thế, có sao đâu, cắt tóc đẹp là được". Mỗi khi như vậy, chàng thợ không lời rất vui và được tiếp thêm động lực.
Năm 2015, anh chính thức thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ làm đẹp Thành Nguyễn cùng nhóm điếc anh dạy nghề. Điều đã luôn thôi thúc Thành là việc thấy mình không phải người kém may mắn duy nhất và nhiều cá nhân điếc, khiếm thính hay khiếm thị có sự nghiệp riêng chẳng kém ai.
Dòng khách của anh lớn dần, dù nhiều người đến ban đầu vì hiếu kỳ, thương hại, cảm tình... Anh đón nhận và trả lời bằng sự chu đáo. Dần dần, nhiều khách tìm đến Thành không phải vì khiếm khuyết mà vì cái tâm với nghề của anh.
Quỳnh Anh (22 tuổi, Tây Sơn) đến tiệm Thành Nguyễn trong một sáng đầu tuần để làm xoăn. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, cô gái trẻ được trải nghiệm những gì như chờ đợi.
"Tôi nghe giới thiệu của một chị bạn và ngay lập tức thích thú", Quỳnh Anh nói. Cô gái trẻ cho biết trước đây đi làm đầu thường dựa vào PR trên mạng, ảnh đẹp cùng những bình luận có cánh, rồi thất vọng khi người chủ giao hết cho nhân viên mà không tự tay làm cho khách.
Cô được người quen chia sẻ rằng tiệm Thành Nguyễn luôn xếp lịch cho khách không chồng chéo, và đích thân ông chủ sẽ can thiệp mỗi kiểu đầu. Có lúc thời gian chăm chút kéo dài, khách còn được Thành mua cho cả đồ ăn chống đói. Những khách như Quỳnh Anh chọn tiệm Thành Nguyễn vì cho rằng "con gái rất cần sự quan tâm".
Khác quỳnh Anh, chị Dung (ngõ Văn Hương, Đống Đa) sau lần đầu ghé thăm vì tò mò đã trở thành khách lâu năm của tiệm tóc không lời. Ngả lưng để một nhân viên khiếm thính gội đầu, chị nói: "Tôi phát hiện họ cắt đẹp, chuyên nghiệp và hài lòng về mọi thứ". Trong khi đó, khách nữ tên Yến đi 10 km từ Mỹ Đình đến lúc tan tầm vì "thích sự yên tĩnh ở đây".
Ông chủ tiệm tóc đặc biệt tâm sự luôn dành tình thương cho những người có hoàn cảnh giống mình. Những nhân viên ngày đầu đến với anh đã 18-20 tuổi, chưa thuộc bảng chữ cái và hiếm hoi tương tác trong gia đình. Họ sống trong thế giới của Thành trước năm 13 tuổi.
"Tôi thấy họ hiền và lơ ngơ. Tôi lo về sau ai sẽ bao bọc họ lúc còn lại một mình", Thành kể.
Gặp Thành là lần đầu những "trẻ" điếc ấy học ngôn ngữ ký hiệu. Điều trước hết anh truyền lại không phải cách làm đầu, mà là toán, tiếng Việt và kỹ năng sống. Anh tin văn hóa là nền móng phát triển con người.
Từ bài học vỡ lòng là hỏi thăm gia đình, Duyên, cô gái khiếm thính tới nay đã là nhân viên cứng của Thành. Còn Khắc Huấn là thợ cắt tóc điếc nổi tiếng ở Hạ Long và rất đắt hàng với tiệm riêng.
Chàng trai Hùng khăn gói học việc từ Nha Trang thì thẹn thùng cho biết đã cưới vợ và có con 1 tuổi, giống Thành cách đây vài năm.
"Với người điếc, thành công có khi giản dị là lập gia đình", Nguyễn Thái Thành chia sẻ.
Kinh doanh hiện ổn định, nhưng Thành từ chối nói về thu nhập riêng trong khi hào hứng nhắc đến chuyện người điếc làm từ thiện. Theo anh, mất khả năng nghe nói không ngăn họ giúp đỡ mọi người.
Anh mở công ty năm 2011 nhờ trúng dự án Thriive của Mỹ. Được hỗ trợ vay vốn doanh nghiệp nhỏ, Thành có điều kiện nâng cấp cửa hàng khi ấy. Tuy nhiên, chương trình không cho vay hay nhận trả nợ bằng tiền. Ông chủ 9X nhận được trợ cấp vật chất như máy móc, thiết bị và đang đền đáp bằng học bổng trao tay các nhà tạo mẫu tóc điếc. Với Thành, đam mê dạy học hay kết nối người điếc hiện tại ngang bằng công việc làm đẹp.
Với tư cách một doanh nghiệp xã hội, Thành muốn mở rộng công ty không chỉ để tăng doanh thu mà còn hy vọng giới thiệu cộng đồng người điếc và ngôn ngữ ký hiệu.
Anh mong mọi người hiểu văn hóa và nói chuyện với người điếc nhiều hơn, trước hết bằng cách phân biệt điếc và khiếm thính như một sự tôn trọng.
Vượt qua những khó khăn, Thành "điếc" có sự nghiệp và một tổ ấm hạnh phúc. Anh ước mơ du học bởi "xu hướng làm đẹp thay đổi liên tục đâu đợi người điếc chúng tôi".
Thanh Tùng
Ảnh: NVCC