Xem - Thứ năm, 29/12/2022, 00:00 (GMT+7)

'Người tình mùa đông' - 45 năm thủ thỉ mối tình si

Như tiếng cười nhạt của người con gái Nhật Bản bị phụ tình, rồi thay lời cô gái Hương Cảng nhắn nhủ người thương, 'Người tình mùa đông' sau cùng là tình khúc kinh điển của người nghe nhạc Việt mỗi mùa gió đông về.

Sân khấu hải ngoại Giáng sinh 1993, một cô gái chớm ngoài đôi mươi lần đầu xuất hiện. Gương mặt bầu bĩnh, tóc thắt bím buộc ruy băng đỏ, đội mũ beret, phối áo vest đỏ với váy xếp ly trắng, cô nhún nhảy và cất giọng trong veo: "Đường vào tim em ôi băng giá...".

Một giọng ca mới được phát hiện và một khúc ca vang lên lần đầu, cả hai đều là ẩn số khi ấy. Nhưng sự vừa vặn của màn trình diễn đưa cái tên Như Quỳnh vụt sáng thành sao, còn Người tình mùa đông trở thành bản hit.

Nghe Người tình mùa đông gần 30 năm, nhiều người nhầm tưởng đó là một sản phẩm nhạc Hoa lời Việt. Thực tế, bài hát xuất xứ từ xứ phù tang, nổi đình đám ở Hong Kong trước khi được Việt hóa và có thêm nhiều phiên bản ngôn ngữ khác.

'Son môi đỏ' – tiếng cười nhạt của người con gái bị phụ tình

Bản gốc của Người tình mùa đông mang tựa đề Son môi đỏ (Ruju). Nhạc phẩm được viết bởi nhạc sĩ Nakajima Miyuki và có bản thu âm đầu tiên qua giọng ca Chiaki Naomi năm 1977.

Danh ca Chiaki Naomi - người đầu tiên thể hiện ca khúc 'Son môi đỏ' 45 năm trước.

Ca từ của bài hát là lời tự sự của người con gái bị phụ tình, rời bỏ làng quê lên thành phố tìm người yêu nhưng chẳng thấy, đành dừng chân nơi quán rượu để mưu sinh. Mượn hình ảnh son môi, điệu cười làm đại diện cho chân dung thiếu nữ, bài hát miêu tả sự đổi khác về nghĩ suy, lối sống của nhân vật khi bị cuốn theo dòng đời.

Khi em đuổi theo một người đến thành phố này

Chỉ nhẹ nhàng màu son hồng nhạt anh đào

Đuổi theo bóng hình ấy rồi cứ nhận sai người

Từ lúc nào em đã quen với rơi lệ

Từ thuở ngây thơ với lớp son nhẹ màu hồng anh đào, cô gái đổi sang màu son đỏ thẫm sành đời. Từ khi e ngại với những phù phiếm, xô bồ nơi đô thành, cô hòa vào những giả lả một cách vô thức. Ngắn gọn, giản đơn nhưng hàm chứa nhiều chiêm nghiệm, lời ca như mang theo tiếng cười trào phúng của người con gái đối với sự đổi khác trong chính con người mình.

Tuy không thắng nhiều giải thưởng, Son môi đỏ rất được yêu thích tại quê nhà Nhật Bản, đến nay vẫn còn phổ biến. Phiên bản được chia sẻ nhiều nhất của bài hát là màn trình diễn trên sân khấu của Fuji Ayako. Lối trang điểm nhẹ, kiểu vấn tóc truyền thống và bộ kimono nữ ca sĩ khoác lên mình được đánh giá phù hợp với câu chuyện bài hát truyền tải.

'Son môi đỏ'
 
 
Ca sĩ Fuji Ayako trình diễn 'Son môi đỏ' trên sân khấu

'Người con gái dễ bị tổn thương' - lời thì thầm vụn vỡ

So với bản gốc Son môi đỏ, bản tiếng Hoa Người con gái dễ bị tổn thương càng đình đám, có sức ảnh hưởng sâu sắc đối với âm nhạc châu Á thế kỷ 20. Ca khúc đưa diva Vương Phi bước lên đỉnh cao.

Đầu những năm 1990, hãng đĩa Tân Nghệ Bảo mua tác quyền phổ lời tiếng Quảng Đông cho Son môi đỏ, dự định trao quyền cover cho Chân Sở Thiến. Nhưng mọi chuyện thay đổi vào năm 1992, khi Vương Phi (lúc ấy còn dùng nghệ danh Vương Tịnh Văn) từ Mỹ du học trở về. Là con cưng của hãng đĩa, cô được chọn thay thế Chân Sở Thiến, trở thành chủ nhân của Người con gái dễ bị tổn thương.

'Người con gái dễ bị tổn thương' - Vương Phi
 
 
'Người con gái dễ bị tổn thương' phiên bản tiếng Quảng Đông của Vương Phi

Khác với bản gốc, phiên bản này là lời cô gái nhắn gửi người đàn ông cô trao tình đậm sâu. Từng một lần tan vỡ vì hai chữ ái tình, người con gái trở nên mong manh, dễ thương tổn. Đứng trước mối tình chớm nở, cô vừa khát khao yêu, vừa sợ bị phụ bạc thêm lần nữa.

Con tim này từng một lần vụn vỡ

Giờ đây cho phép anh nhẹ nhàng lại bên

Bao lời an ủi, bao nỗi nghi ngờ

Trái tim ấy âm thầm hồi sinh

Đã yêu kìm lòng không nổi

Rốt cuộc em chỉ là người con gái dễ tổn thương

Xin anh đừng đến rồi lại đi

Xin hãy trân trọng trái tim này

Nếu thấu lòng em, xin yêu chân tình cuồng nhiệt

Người con gái dễ bị tổn thương này

Đừng đợi thêm nữa

Phút giây này hãy trao môi hôn nồng say

Nhà phê bình Trương Thư Vỹ nhận định lời tiếng Hoa không tìm thấy bóng dáng của ca từ gốc. Bài gốc là lời bộc bạch nỗi lòng được - mất, bi - hoan trong tình yêu của một người con gái sau cuộc rượu. Còn bản tiếng Hoa lặp ba lần câu "Xin anh đừng" ở điệp khúc như nhấn mạnh hình ảnh người con gái đầy ai oán.

Chất giọng lạnh nhưng sâu, được ví von "nhẹ như bay, mờ ảo ma mị, thoắt ẩn thoắt hiện" của Vương Phi thổi hồn cho từng câu chữ thêm nỉ non, vừa đầy tha thiết vừa nhiều vỡ vụn.

30 năm trước, Người con gái dễ bị tổn thương nằm trong album Coming Home của Vương Phi. Vừa phát hành, đĩa nhạc đã lũng đoạn nhạc đàn Hong Kong với lượng tiêu thụ đĩa bạch kim. Người con gái dễ bị tổn thương trở thành hit lớn, càn quét nhiều bảng xếp hạng, giúp Vương Tịnh Văn - Vương Phi bước vào dàn ca sĩ hạng A của Hong Kong, ở tuổi 23. Nhạc phẩm có mặt trong "Top 10 ca khúc vàng" tại Giải thưởng Thập đại kim thúc tiếng Hoa Hong Kong lần thứ 15, giành "Giải vàng Kim khúc TVB năm 1992" và nhiều giải thưởng khác.

Sau một năm thành công, Người con gái dễ bị tổn thương có thêm bản tiếng Hoa phổ thông, giữ nguyên tựa đề và cũng do Vương Phi thể hiện. Trong khi bản tiếng Quảng Đông ca từ ý tại ngôn ngoại, gửi gắm tình ý thâm sâu qua câu từ ngắn gọn, đòi hỏi sự thẩm thấu của người nghe; phiên bản tiếng Hoa phổ thông có phần giản đơn, dễ hiểu.

Nhớ anh, sắc trời hóa hoàng hôn

Trên mặt còn đọng dấu lệ

Đôi môi run rẩy đợi hoài chẳng thấy một nụ hôn

Hy vọng anh sẽ trân quý yêu thương

Em sợ một mình đến vậy

Sao anh chẳng chịu khẽ khàng gọi tên em một tiếng

Đến nay, giới mộ điệu vẫn nhắc về Người con gái dễ bị tổn thương là một trong các ca khúc tiêu biểu cho sự nghiệp của Vương Phi. Nhiều bản cover từng xuất hiện trong nhạc đàn Hoa ngữ, nhưng không vượt qua được cái bóng của thiên hậu Hong Kong. Dù vậy, nữ ca sĩ có lần thú nhận không thích bài hát này, bởi cô không tìm thấy sự đồng điệu với cách yêu được thể hiện trong ca từ. Nhiều lần trình diễn ca khúc trong các chương trình ca nhạc, lễ trao giải, nhưng Vương Phi chỉ một lần đưa nó vào liveshow cá nhân.

Nhan sắc Lam Khiết Anh khi đóng 'Đại thời đại' ở tuổi 29. Ảnh: Baidu

Đối với số đông người hâm mộ phim truyền hình TVB, Người con gái dễ bị tổn thương còn mang theo ký ức về ngọc nữ quá cố Lam Khiết Anh. Nó gắn với cảnh phim gây ám ảnh ở tập 36 của phim Đại thời đại. Giai điệu trầm buồn vang lên trong khung cảnh nhân vật La Tuệ Linh bò dưới mặt đường, nhặt lại chiếc nhẫn định tình, tự đeo vào tay và chết trong vòng tay con trai riêng của chồng.

Cùng với bộ phim, bài hát được nhiều người nhận xét gần gũi với cuộc đời khổ mệnh của Lam Khiết Anh. Khi nữ diễn viên qua đời năm 2018, nhiều nơi đã mở bài này để tưởng niệm.

Xem thêm: Mối duyên giữa 'Người con gái dễ bị tổn thương' và phim 'Đại thời đại'

'Người tình mùa đông' - tình khúc Giáng sinh bất hủ

Đường vào tim em bao cơn sóng

Đẩy tình anh xa bến xuân hoa mộng

Trái tim em muôn đời lạnh lùng

Hỡi ơi trái tim mùa đông

Người tình mùa đông phủ màu sắc khác cho ca khúc, mang đến chất nhạc tươi mới, khác biệt vẻ lạnh lẽo đã thành biểu tượng của bản gốc Nhật Bản và phiên bản Hong Kong.

Đây cũng là một ca lạ của nhạc Việt. Lời ca lặng buồn mà giai điệu tươi vui, làm người nghe cứ muốn nhún nhảy, nhớ về dáng hình cô ca ca sĩ đội mũ beret, khoác áo đỏ năm nào. Ca từ là lời tâm sự của phái nam nhưng được cất lên lần đầu và trở nên nổi tiếng qua chất giọng nữ. Những năm tháng sau này, nhiều nam ca sĩ như Minh Thuận, Hà Anh Tuấn... hát lại. Ai cũng có chất riêng, nhưng bất hủ vẫn chỉ có phiên bản Như Quỳnh.

Trong ký ức người Việt, Người tình mùa đông là thanh xuân của thế hệ 6x-7x, là tuổi thơ của 8x và 9x đời đầu. Một bài hát kết nối các thế hệ!

'Người tình mùa đông' - Như Quỳnh
 
 
Trích đoạn phần trình diễn 'Người tình mùa đông' năm 1993 của Như Quỳnh

Lần về nước làm đêm nhạc hồi tháng 11, ca sĩ Như Quỳnh chia sẻ cùng Ngôi Sao về mối duyên đặc biệt với bài hát này. Năm ấy 23-24 tuổi mới sang Mỹ định cư, Như Quỳnh gửi băng thu giọng hát đến trung tâm ca nhạc, không ngờ được chọn ký hợp đồng. Người tình mùa đông được phổ lời Việt bởi nhạc sĩ Anh Bằng đánh dấu màn chào sân của cô với danh xưng ca sĩ.

"Hồi ấy trẻ và mới xa quê, tôi còn nhiều rụt rè. Tôi vẫn nhớ video Người tình mùa đông ghi hình cuối năm 1993 và được phát hành đầu 1994. Tôi đứng hát trên sân khấu, bên dưới có nhiều nghệ sĩ tên tuổi ngồi xem. Bài hát là một phần sự nghiệp của tôi. Người nghệ sĩ không dễ có được bản hit đi cùng cả tuổi thanh xuân như vậy. Gần 30 năm rồi, bài hát vẫn được khán giả yêu thương, nhiều bé fan gọi tôi bằng cô cũng thuộc", Như Quỳnh tâm sự.

45 năm từ lúc ra đời với tựa đề Son môi đỏ, 30 năm từ khi tạo hit với nhan đề Người con gái dễ bị tổn thương và 28 năm thân thuộc với công chúng Việt Nam qua cái tên Người tình mùa đông, ca khúc trữ tình như tiếng thì thầm đầy nữ tính, nói thay những trái tim thổn thức vì yêu.

Người Hoa có Ánh trăng nói hộ lòng tôi, thì người Nhật có Son môi đỏ. Hai bản nhạc trữ tình mang sức ảnh hưởng vượt ngoài biên giới quê hương, chu du qua nhiều miền đất, quen thuộc với người nghe nhạc khắp nơi trên toàn cầu và được làm mới bởi nhiều thứ tiếng.

Ngoài các phiên bản kể trên, ca khúc còn được nhớ đến với ba bản tiếng Anh: That is love do nhóm Tokyo Square trình bày, Keep on loving you được thể hiện bởi Linda Elizabeth và Broken hearted woman gắn liền Jessica Jay. Nó cũng có phiên bản tiếng Myanmar, tiếng Khmer, tiếng Thái...

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới