Showbiz - Chủ nhật, 31/1/2021, 00:00 (GMT+7)

Hứa Vĩ Văn: 'Hội họa xoa dịu tâm hồn tôi'

Sau 20 năm làm người mẫu, ca sĩ, diễn viên, Hứa Vĩ Văn tìm về hội họa - chuyên ngành anh theo ở đại học - như một cách chữa lành những tổn thương.

Nổi tiếng với vai trò người mẫu, ca sĩ rồi diễn viên, nhưng Hứa Vĩ Văn vốn xuất thân là sinh viên mỹ thuật. Sau 20 năm bỏ dở chuyên ngành của mình, tài tử trở lại với niềm vui thú vẽ tranh trong năm 2020. Hôm qua (28/1), anh khai mạc triển lãm hội họa đầu tay mang tên 'Vùng mơ' tại TP HCM. Cùng với nấu ăn, vẽ tranh là cách anh chữa lành những mất mát, đau thương trong đời tư.

- Tại sao anh lựa chọn tổ chức triển lãm tranh cá nhân vào lúc này?

- Cuối năm 2020, quay xong phim Em là của em, tôi khá rảnh nên chỉ ở nhà vẽ. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc mở triển lãm nhưng chưa biết khi nào. Tôi thử liên hệ các nơi tổ chức triển lãm chuyên nghiệp nhưng họ yêu cầu thủ tục khá phức tạp. Tôi là người ngoại đạo, rất khó kết nối. Hơn nữa gần Tết, những nơi đó hầu như kín lịch. May mắn, tôi được người bạn là chủ một không gian nghệ thuật ở TP HCM hỗ trợ địa điểm.

Bộ sưu tập tranh lần này gồm 26 bức tranh được tôi sáng tác trong hai tháng. Ngày trước, tôi không nghĩ sẽ có dịp dùng đến chuyên ngành mỹ thuật của mình, càng không nghĩ có một ngày mình sẽ mở triển lãm. Có lúc, tôi đã nghĩ không hiểu sao mình phải học hội họa. Sau này tôi ngộ ra ông trời vốn đã sắp đặt cho tôi học mỹ thuật để đến khi có những đau buồn trong cuộc sống, môn học này sẽ chữa lành cho tôi như một liều thuốc.

- Tựa đề ‘Vùng mơ’ cho triển lãm của anh đến từ đâu?

- Vốn dĩ tôi không đặt tên cho triển lãm cũng như từng bức tranh của mình, vì tôi tôn trọng cảm nhận, giác quan của người xem. Tôi ủy thác việc đặt tên cho những người cảm nhận đầu tiên. Chính người giám tuyển ở không gian triển lãm đã đặt tên giúp tôi. Họ đưa ra nhiều phương án cho tôi lựa chọn và tôi chọn ‘Vùng mơ’.

Con người tôi rất cine. Các sáng tác của tôi lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh điển như Breakfast At Tiffany’s, Before Sunrise, Before Sunset... Thỉnh thoảng xem một cuốn phim, nghe một bản nhạc phim, tôi lại muốn vẽ. Lúc vẽ, tôi cũng hay bật nhạc Jazz và dùng một chút rượu. Chuyện này phải phiêu, phải say.

Hứa Vĩ Văn cảm ơn những người tri kỷ ủng hộ mọi thứ anh muốn, kể cả dự định đầy hoang đường như mở triển lãm tranh.

- Nhiều năm về trước, cơ duyên nào đưa anh đến với hội họa?

- Chuyện này chắc phải nhắc từ thời tôi sinh hoạt nhà thiếu nhi cùng diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Thu Minh. Ở Nhà thiếu nhi quận 5, TP HCM thời đó, chúng tôi học đầy đủ các môn: vẽ tranh, làm thơ, ca múa, diễn kịch... Cuối năm, các đội sẽ thi với nhau tất cả các môn đó trước khi lên thành phố và toàn quốc. Tôi nghĩ tất cả các sở trường bây giờ tôi có đều xuất phát từ ngày ấy. Sau này, tôi theo học chuyên nghiệp tại Đại học Mỹ thuật TP HCM.

Tôi rất nhớ quãng thời gian sinh hoạt ở nhà thiếu nhi. Tôi thật lòng khuyên các phụ huynh đừng ép con học văn hóa nhiều quá, mà nên dành thời gian cho con sinh hoạt nhà thiếu nhi để con phát triển toàn diện.

- Vậy vào lúc nào anh quyết định dừng hội họa để theo đuổi nghiệp diễn?

- Lúc đang học đại học, tôi đoạt giải ba Triển vọng điện ảnh. Trong lúc bạn bè đi dạy thêm kiếm một tháng 300 nghìn đồng, tôi đã được trả vài trăm USD cho một buổi diễn thời trang, làm người mẫu ảnh. Hồi đó còn trẻ, tôi cứ thấy cái gì trước mắt tốt thì bị cuốn theo. Hơn nữa, dân mỹ thuật học tốn kém lắm. Tôi từng nghĩ không biết ra trường mình sẽ làm gì với chuyên ngành mình học. Vậy là tôi đi đóng phim và gắn bó đến tận bây giờ.

- Anh có từng ứng dụng chuyên ngành mỹ thuật vào các dự án phim?

- Tôi chưa có dịp. Thực ra, tôi sợ hình ảnh họa sĩ trong phim Việt Nam lắm. Tôi không hiểu sao phim nào cũng miêu tả họa sĩ tóc dài, ăn mặc lôi thôi (cười).

- Đợt giãn cách xã hội, anh từng vẽ tranh và tặng cho các đồng nghiệp. Diễn viên Thu Trang nói chị ấy không hiểu tranh của anh vẽ gì. Ngoài Thu Trang, anh còn gặp tình huống bi hài đó với ai không?

- Đợt đó, tôi vẽ tùy hứng, chơi chơi nên đúng là cũng không tốt. Mỗi Thu Trang nói thôi. Chắc mấy người kia chịu đựng nên im im (cười).

- Hôm khai mạc triển lãm, anh tâm sự rằng vẽ tranh giúp anh vượt qua những nỗi đau trong cuộc đời. Đó là những thời điểm nào trong đời anh?

- Tôi chứng kiến nhiều người thân yêu của mình ra đi, anh trai tôi, ba tôi rồi em trai tôi. Ngay cả chú chó tôi nuôi 18 năm cũng bỏ tôi đi. Hồi hai mươi mấy, ba mươi tuổi, lúc nào tôi cũng trăn trở vì sự nghiệp không khởi sắc, sản phẩm thất bại, không có tiền, không có địa vị. Nhưng sau này tôi nhận ra, những thứ đó chẳng là gì so với mất mát người thân. Thời trẻ chưa có sự nghiệp thì 10 năm, 20 năm sau tôi sẽ có. Nhưng người thân mất rồi, tôi đâu thể tìm lại họ. Nỗi đau ở mỗi giai đoạn trong đời cũng khác nhau.

Tôi thương em trai tôi nhiều. Nó đang có một gia đình quá hạnh phúc với hai đứa con nhỏ. Nó có những thứ hoàn mỹ hơn tôi. Hai tháng trước khi nó mất, tôi bất lực nhìn em mình rời xa mình dần từng ngày. Tôi nguyện được chết thay em mình vì tôi độc thân, chẳng vướng bận ai. Nhưng không phép màu nào xuất hiện.

Một năm khó khăn về tinh thần, tôi biết ơn nhà sản xuất Trinh Hoan, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đưa tôi đến với phim Tiệc trăng máu. Tôi biết ơn bạn bè kéo tôi ra khỏi nỗi buồn. Bốn tháng, tôi có ba phim ra rạp. Riêng Tiệc trăng máu thu hút được ba triệu lượt khán giả dù Covid-19 vẫn còn. Từng bước, tôi tìm lại tình yêu với công việc và niềm vui trong từng việc mình làm.

Tôi học cách thư giãn, tự chữa lành bằng nấu ăn và vẽ tranh. Tôi nghiệm ra nếu mình là người được chọn sống tiếp, tôi cần sống ý nghĩa từng phút giây. Tôi nấu những món ăn ngon cho mẹ và thỉnh thoảng rủ bạn bè cùng nấu nướng, ăn uống. Đợt giãn cách xã hội, tôi vẽ tranh, bán đấu giá trên mạng rồi dùng toàn bộ tiền kiếm được để làm từ thiện. Những điều đó làm tôi hạnh phúc và an yên.

Tôi nghĩ mình phải tích cực hơn. Áp lực chỉ làm hại sức khỏe. Nhiều người nghĩ tôi yếu đuối nhưng tôi còn mạnh hơn IronMan. Trời sập xuống tôi cũng đỡ được. Tôi không phải người dễ rơi nước mắt. Tôi là trụ cột gia đình, là điểm tựa của rất nhiều người. Với tôi bây giờ, quan trọng là người xung quanh mình được hạnh phúc.

- Sau triển lãm này, anh có dự định gì với hội họa?

- Triển lãm 'Vùng mơ' kéo dài đến hết 23/2. Cho nên từ giờ đến hết Tết, tôi thường xuyên có mặt ở đây để tiếp bạn bè đến xem tranh. Khi triển lãm kết thúc, tôi sẽ tiếp tục đi từ thiện, mang tiền bán tranh hỗ trợ các em nhỏ khó khăn và tự tay nấu cho các bé ăn. Sau đợt này, có lẽ hai, ba năm nữa tôi mới làm triển lãm tiếp. Đam mê lớn nhất khiến tôi đau đáu vẫn là điện ảnh. Tôi muốn mình làm được gì đó giúp cho điện ảnh Việt Nam.

Phong Kiều thực hiện

Đánh giá phiên bản mới