Thương trường - Thứ tư, 12/12/2018, 00:06 (GMT+7)

BTV Thy Nga - 'bà mối' đưa các startup Việt đi hội chợ

Bỏ công việc ở nhà đài, Thy Nga thành lập V-Startup, giúp các doanh nghiệp tiếp cận quốc tế thông qua nhiều sự kiện khởi nghiệp.

Trong những bức ảnh chụp chung với người đại diện chính phủ, các doanh nghiệp lớn, trường đại học và startup có dáng hình một phụ nữ nhỏ nhắn. Không ít người sẽ nhận ra một gương mặt truyền hình lâu ngày đã vắng bóng. Cựu biên tập viên thời sự VTV1 Thy Nga giờ đây được biết đến với vai trò giám đốc V-Startup, đơn vị đồng tổ chức và lên nội dung cho sự kiện khởi nghiệp thường niên quan trọng nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ - Techfest 2018.

Đằng sau thành công của Techfest là câu chuyện một phóng viên từ bỏ công việc đáng mơ ước để đi tìm chiều sâu cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, nơi nếu chưa thành hình sẽ bị xem chỉ là một phong trào.

Thy Nga trong một sự kiện khởi nghiệp tại Thái Lan V-Startup tham gia điều phối.

'Chưa từng nghĩ sẽ bỏ đài'

Làm biên tập viên truyền hình là ước mơ thuở bé của Thy Nga. Cô luôn muốn được sống trong một luồng tin tức cập nhất hằng ngày và kề vai sát cánh những con người thực sự chuyên nghiệp.

"Tôi chưa từng nghĩ sẽ bỏ đài", chị Nga kể về thời điểm trước bước ngoặt.

Là gương mặt quen thuộc của Chào buổi sáng, BTV Thy Nga đã quen việc ngồi viết kịch bản từ 17h đến 23h ngày hôm trước, rồi dậy sớm lúc 4h30 – 5h chuẩn bị ghi hình. Chị nói về quãng thời gian gắn bó với sóng truyền hình quốc gia bằng một nụ cười và sự nhẹ nhõm.

BTV truyền hình làm quen lĩnh vực khởi nghiệp trước khi nó được gọi tên "startup" ở Việt Nam.

Khởi nghiệp là lĩnh vực mà nữ phóng viên nhà đài đặc biệt quan tâm, từ khi cụm từ "startup" còn xa lạ với công chúng Việt 5 năm trước và đề án 844 hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ chưa ra đời. Chị Nga trong những năm tháng ở VTV càng lắng nghe, quan sát, thấy đam mê với lĩnh vực đó càng dày lên. Chị nhận ra chiếc áo biên tập viên dần chật với mình. Chị cảm thấy việc đưa tin đơn thuần chưa hết khả năng của bản thân.

"Tôi sợ sự ưu ái mình đặt vào một lĩnh vực khiến tính khách quan báo chí mất đi", chị Nga nói.

Điều thôi thúc BTV Thy Nga giữa tháng ngày tưởng như viên mãn với công việc danh tiếng, gia đình vui mừng chào đón thêm thành viên mới là trả lời cộng đồng startup bằng những hành động thiết thực, khi sẵn trong tay nguồn thông tin và mạng lưới dồi dào. Thôi thúc đó trở nên giống như một sứ mệnh khiến chị phải "ép mình" dứt áo.

Giữa nhiều lời khuyên ở lại của đồng nghiệp, BTV Thy Nga chọn rời đài và V-Startup ra đời năm 2017 như vậy.

Thy Nga từng có công việc trong mơ với nhiều người ở đài truyền hình.

Từ khóa 'Startup'

Phóng sự cuối cùng Thy Nga thực hiện cho Đài truyền hình Việt Nam là về thất bại trên con đường khởi nghiệp. Một nguyên nhân chính chị nhìn nhận dẫn đến thực tế đó là sự nghèo nàn thông tin cũng như một hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động. Theo chị Nga, startup thiếu những yếu tố đó sẽ giống Don Quixote đi đánh cối xay gió.

'Các bạn trẻ đang lầm tưởng việc dễ dàng ra mở một công ty và được chính phủ ủng hộ với khái niệm startup', cựu BTV truyền hình nói.

Công văn Chính phủ tháng 8/2017 từng chỉ đạo tránh cho khởi nghiệp ở Việt Nam trở thành một phong trào và chị Nga là một trong những người lĩnh xướng. Bản thân các startup chưa biết cách truyền thông sao cho đúng và câu chuyện của họ mới được tái hiện ở bề nổi.

Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup), nhưng hơn 90% là tỷ lệ thất bại của các startup.

Thy Nga bắt tay những chuyên gia nước ngoài mời về Techfest 2018.

Thực tế, một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn vẹn sẽ đòi hỏi nhiều thành tố bao bọc startup như: Chính phủ, doanh nghiệp/tập đoàn lớn, các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia, trường đại học, quỹ đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ... Mô hình hay nhưng không biết cách đưa ra thị trường thế nào xem như thất bại. Ngược lại, Chính phủ hay nhà đầu tư khó lòng định vị những startup có tiềm năng đem lại giải pháp tốt, nếu không cùng trong một kết nối tổng thể.

Giám đốc Thy Nga cho rằng ở nước ta, phổ biến mới chỉ là những kết nối đơn lẻ như startup-nhà đầu tư hay trường đại học-startup... mà vẫn thiếu đi mắt xích xâu chuỗi tất cả thành hệ sinh thái. V-startup ra đời để giải quyết vấn đề đó.

Người đem startup đi hội chợ

Với bề dày thông tin, mạng lưới đã tích lũy được, nữ sáng lập V-startup đưa đến cơ hội kết nối rộng với chuyên gia, doanh nghiệp, những cá nhân cùng hoạt động không chỉ trong mà ngoài nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Càng gắn bó với cộng đồng khởi nghiệp, chị Nga càng là nhân vật "nằm vùng" các startup hơn một người lên hình hằng ngày. Chị được tìm đến khi các đơn vị, bao gồm quản lý nhà nước, cần tư vấn chọn startup giới thiệu trong các sự kiện kết nối lớn mang tầm quốc gia hay quốc tế.

Giám đốc V-Startup là cố vấn khởi nghiệp 4.0.

Một năm rưỡi hoạt động, V-startup đã giúp startup Việt, chuyên gia hay đại diện chính phủ tiếp cận quốc tế thông qua một loạt sự kiện khởi nghiệp lớn như BIXPO, K-Startup tại Hàn Quốc, Big Bang Thái Lan... và Techfest tại Việt Nam. Con số khách tham dự Techfest tăng từ 4.500 năm ngoái lên 5.500 năm nay một phần nhờ cách V-Startup xây dựng nội dung và chạy truyền thông. Chị Thy Nga cũng đứng sau lời mời 100 chuyên gia uy tín trong và ngoài nước có mặt tại đó.

Thiếu đi một trung gian kết nối, chỗ đứng của startup Việt khi ra nước ngoài thường dừng lại ở gian hàng hội chợ nhỏ, thay vì cơ hội bắt tay, đứng thuyết trình trước những nhân vật quan trọng ở đó hay chào sân sự kiện cấp cao hơn – giải pháp "kết nối sâu" mà chị Nga làm được.

Với những format truyền hình từng ấp ủ chưa bén duyên lên sóng, cựu biên tập viên chuyển đổi thành nội dung các sự kiện V-Startup tham gia tổ chức. Bên cạnh đó, chị Nga đã đặt nền móng cho chuỗi dịch vụ vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp gồm: hỗ trợ thủ tục pháp lý trong và ngoài nước, không gian kết nối/vườn ươm All In Station, truyền thông...

Việc khó tìm một doanh nghiệp đảm đương vai trò giống mình khiến V-Startup không tránh khỏi cảm giác đơn độc. Bản thân chị Nga dùng một từ riêng biệt - "sáng nghiệp" - để mô tả chính xác khái niệm khởi nghiệp.

Chưa có nhiều người như chị Nga ở Việt Nam.

Techfest 2018 kết thúc là lúc Thy Nga nhìn lại một chặng đường đã đi, để thấy quyết định rời đài không sai lầm. Sự chỉn chu trong ăn vận và ngôn ngữ nói của cô gái quen ngồi trước ống kính ghi hình đài quốc gia là điều không đổi khác; chị Nga trải lòng với người nghe nỗi nhớ sóng không bằng cảm xúc uỷ mị mà một tâm thế hứng khởi cho tương lai.

"Nếu trở lại, sẽ là một Thy Nga với phiên bản chương trình truyền hình khởi nghiệp tự tổ chức sản xuất", cựu BTV truyền hình chia sẻ.

Phụ nữ, theo chị, đến một lúc phải dám thực hiện những điều người khác bảo rằng mình không thể. Chặng đường đến đó, chị Nga thấy còn phải đi học rất nhiều, không chỉ cho bản thân mà cho chính cộng đồng chị đang góp từng viên gạch. 

Trước câu hỏi liệu có phải một phụ nữ quyền lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cựu biên tập viên chừng mực: "Tôi không giải quyết mọi vấn đề, chỉ là người đem thứ này thứ kia đến nơi cần chúng".

Chị Thy Nga và con gái Khánh Thư.

Thanh Tùng
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới