Năm 2017, cái tên Sử Đình Khanh được nhiều người biết đến khi lọt vào danh sách 10 gương mặt tiềm năng do tạp chí Forbes bình chọn. Ở tuổi 26, Sử Đình Khanh đã là giám đốc vận hành ví điện tử AirPay Việt Nam của tập đoàn SEA, một trong các startup kỳ lân đầu tiên ở Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore.
Sinh ra trong gia đình truyền thống giáo dục có bố là giáo sư kinh tế, ngay từ nhỏ, Sử Đình Khanh đã xem việc học như một sở thích. Khanh kể: "Ở nhà, bố mẹ tôi không ép buộc con cái phải ngồi vào bàn học mà để chúng tôi tự giác. Từ bé đến lớn, khi nhìn thấy bố ngồi đọc sách và làm việc miệt mài, tôi cũng dần hình thành thói quen đọc sách và tập trung học tập chứ không hề có chút áp lực".
Khanh là cựu học sinh chuyên Lý, trường chuyên Lê Hồng Phong TP HCM. Năm 2009, Khanh ghi danh vào ngành Điện điện tử tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), một trong những "cái nôi" đào tạo các ngành kỹ thuật hàng đầu tại châu Á.
"Trước khi lựa chọn ngành kỹ thuật, tôi cũng có thắc mắc với bố 'kỹ thuật khô khan quá, con thích cái gì năng động và mang lại giá trị cho cộng đồng hơn'. Tuy nhiên, bố tôi nói rằng: Kỹ thuật là nền tảng của sự phát triển, biết kỹ thuật thì học bổ sung các ngành khác không khó khăn. Sau này khi đã đi làm, tôi mới nhận ra lời khuyên của bố không sai", Khanh kể.
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, Khanh còn tham gia các câu lạc bộ tại trường. Khi là sinh viên năm 3, anh trở thành chủ tịch Cộng đồng sinh viên Việt Nam của NTU. Song song với ngành Điện điện tử, Khanh tham gia thêm khóa học Business ở trường.
Tốt nghiệp năm 2013, Khanh đầu quân cho Sony Electronics khu vực châu Á Thái Bình Dương (trụ sở tại Singapore), với vị trí trợ lý quản lý dự án của Trung tâm dữ liệu quản lý dịch vụ. Ở tuổi 22, chàng trai đến từ Việt Nam đã là trưởng nhóm gồm 5 kỹ sư tại Singapore tham gia công việc hợp tác cùng đội ngũ tại Nhật Bản.
Tại Sony, Khanh được chọn tham gia chương trình đào tạo Management Associate. Đây là một chương trình tuyển chọn những nhân tài hàng đầu từ các trường đại học nổi tiếng thế giới tham gia dự án, thực hiện các nhiệm vụ đa quốc gia của tập đoàn. Hoàn thành xuất sắc khóa học, Khanh được cất nhắc lên vị trí chuyên viên phân tích kinh doanh cao cấp, một bước tiến lớn trong sự nghiệp mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng mơ ước khi làm việc tại Sony.
Sau hơn 2 năm ở Sony, Khanh tiếp tục đăng ký MBA của Đại học quốc gia Singapore (NUS), chuyên ngành Chiến lược và Tổ chức. Khanh cho biết bản thân luôn có hứng thú với lĩnh vực kinh doanh nên sau đó anh quyết định từ bỏ công việc với vị trí cao để hoàn thiện bản thân.
Rời Sony, song song với việc học MBA, Khanh làm việc cho Unilever, với vị trí chuyên viên phân tích quản lý chi phí tại các khu vực châu Á Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Mỹ La-tinh. Ngoài ra, Khanh còn là giám đốc vận hành của Vietnam Chamber of Commerce, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới thông qua cửa ngõ Singapore.
Với nhiều bạn trẻ, được làm việc ở tập đoàn lớn, có lịch sử lâu đời, ổn định là điều đáng tự hào và dễ nhìn thấy tương lai nhất. Nhưng với Khanh, anh chọn con đường khó khăn hơn nên quyết định rời Unilever năm 2015. Từ chối lời mời làm việc của nhiều tập đoàn lớn, anh gia nhập SEA Group tháng 3/2017 với vai trò giám đốc vận hành AirPay, một nhánh công nghệ tài chính (FinTech). Thời điểm ấy, SEA vẫn đang là một startup chưa IPO và chưa có nhiều thành công như hôm nay.
Tiền thân của SEA là Ganera Group nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất trò chơi trực tuyến được thành lập năm 2009. Sau khi mở rộng sang các mảng kinh doanh khác, Ganera đổi tên thành SEA.
SEA cho ra mắt dịch vụ thanh toán kỹ thuật số AirPay năm 2014 và mảng kinh doanh thương mại điện tử Shopee năm 2015. Cuối năm 2017, SEA huy động được 884 triệu USD thông qua đợt IPO trên sàn New York, Mỹ, và từ chối tiết lộ giá trị công ty sau vòng huy động vốn mới nhất này. Trước đó, họ đã huy động được 170 triệu USD, được định giá 3,75 tỷ USD năm 2016 và là startup có giá trị nhất Đông Nam Á.
Năm 2017, SEA mở rộng thị trường sang Việt Nam với hệ sinh thái gồm: Shopee, ví điện tử AirPay và nổi tiếng với thương vụ thâu tóm Foody. Đây là bước tiến mới của SEA tại thị trường Việt Nam nhằm cạnh tranh với nhiều "ông lớn" thương mại điện tử khác như Lazada, được hậu thuẫn bởi Alibaba hay Tiki được JD "chống lưng".
AirPay là ví điện tử giúp người dùng thanh toán trực tuyến các loại chi phí mua sắm, ăn uống, dịch vụ vui chơi, giải trí, phí điện nước, gửi và nhận tiền online bằng ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh.
Hiện nay, ví điện tử được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, ví điện tử bắt đầu phát triển từ năm 2014 với hơn 30 ví khác nhau. Do thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng nên thị trường ví điện tử ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, Khanh nhận định hiện thị trường Việt Nam còn phân mảnh nhưng tiềm năng rất lớn. Những năm gần đây, thương mại điện tử là ngành bùng nổ tại Việt Nam, nhu cầu thanh toán trực tuyến và thói quen sử dụng công nghệ của người tiêu dùng đang thay đổi.
"Tôi tin chắc ví điện tử là một trong những công nghệ của tương lai, đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng. Với ví điện tử, người tiêu dùng có thể thoải mái mua sắm, thanh toán chỉ bằng điện thoại mà không cần đem theo tiền mặt hay các loại thẻ nữa. Vừa an toàn, vừa tiện ích", Khanh giải thích.
Dẫn dắt đội ngũ AirPay tại Việt Nam, Khanh gặp không ít khó khăn. Thử thách thực sự đối với anh đến từ sự khác biệt về phong cách làm việc của từng nền văn hóa.
Để cân bằng, Khanh dành nhiều thời gian chia sẻ, lắng nghe và khuyến khích đội ngũ phát triển. Anh cho rằng người Việt không thích bị push (thúc ép) tiến độ công việc mà thường làm việc theo tình, theo lý. Muốn công việc tiến triển đúng kỳ hạn, người đứng đầu phải đưa ra tầm nhìn thuyết phục được đồng nghiệp, nhân viên.
Có nhiều bước tiến dài trong sự nghiệp nhưng Khanh luôn tự nhận còn "non và xanh". Hiện, AirPay Việt Nam đã phát triển hệ sinh thái kết nối các trang thương mại điện tử, rạp chiếu phim, dịch vụ ăn uống, thanh toán điện nước, game online cung cấp tiện ích cho người dùng.
Nói về thành công hiện tại, Khanh khiêm tốn: "Tôi không gọi đó là thành công mà tôi may mắn đi đúng hướng. Theo tôi, hiểu bản thân muốn gì và cần làm gì quan trọng hơn việc sắm một chiếc xe đẹp, mua một căn nhà to hay có nhiều tiền".
Thảo Nguyên
Ảnh: NVCC